Ngày 29.3, tại TP.Cần Thơ diễn ra hội thảo “Xây dựng, phát triển tour - tuyến và các sản phẩm đặc thù của du lịch đồng bằng sông Cửu Long”.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thực Hiện, Phó chủ tịch UBND TP.Cần Thơ cho biết, cùng với các địa phương vùng ĐBSCL, TP.Cần Thơ đang tập trung phát triển sản phẩm du lịch có chất lượng, đa dạng, có tính trải nghiệm và giá trị gia tăng cao theo định hướng của thị trường, phù hợp với nhu cầu của từng đối tượng; xây dựng, triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông thôn… từng bước định vị thương hiệu du lịch đặc trưng của Cần Thơ.
Tuy nhiên, ngành du lịch TP.Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung đang gặp phải những khó khăn, chẳng hạn sản phẩm du lịch và cách làm du lịch khá giống nhau, chưa phát huy hết tiềm năng thế mạnh về đặc thù của từng địa phương…
PGS-TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cho rằng ĐBSCL có hệ sinh thái đa dạng và phong phú, gồm: biển, đảo, cửa sông, rừng ngập mặn, cù lao châu thổ, với nhiều khu dự trữ sinh quyển, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên có tính đa dạng sinh học cao. Bên cạnh đó, ĐBSCL còn có hơn 735km bờ biển và hơn 150 hòn đảo lớn nhỏ với nhiều bãi tắm hoang sơ... Đây là những tài nguyên du lịch rất quý giá mà ít vùng nào có được. Chính những ưu thế về tài nguyên thiên nhiên phong phú, kết hợp với nền văn hóa đặc sắc, da dạng và phong phú đã tạo nên bản sắc văn hóa của vùng miền Tây sông nước, góp phần làm nên sản phẩm du lịch đa dạng và đặc thù. Đây là vấn đề mà các tỉnh, các sở văn hóa - thể thao - du lịch, các doanh nghiệp du lịch... trong vùng cần có những sáng tạo, khai thác, tạo ra những khu du lịch, vùng du lịch, tour, tuyến du lịch hấp dẫn.
Theo Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, năm 2023, riêng vùng ĐBSCL số du khách đến đây đạt hơn 45 triệu lượt, doanh thu hơn 45.000 tỉ đồng. Năm 2023 cũng là năm số khách du lịch nước ngoài đến ĐBSCL nhiều nhất kể từ năm 2021, đạt 1,9 triệu lượt.
Theo TS Trần Hữu Hiệp, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL, thực tế cho thấy ĐBSCL có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng với nhiều loại hình du lịch đặc trưng như du lịch sinh thái miệt vườn, sông nước, biển đảo và du lịch tâm linh... Trong những năm qua, du lịch ĐBSCL đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong công tác truyền thông, quảng bá, hình thành các tour, tuyến du lịch kết nối các khu di tích lịch sử nổi tiếng, điểm văn hóa đặc sắc để thu hút đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Làm thế nào xây dựng những tour, tuyến cho vùng, tạo ra những sản phẩm du lịch hấp dẫn; áp dụng chuyển đổi số phát triển du lịch trong vùng… là những vấn đề lớn cần giải quyết.
Bà Lương Thị Diễm Trang, Giám đốc Cảng du thuyền Mỹ Tho cho rằng "Xây dựng sản phẩm du lịch và tour tuyến là việc rất quan trọng. An toàn, thân thiện, tạo thương hiệu tốt là cả quá trình của một công ty du lịch. Chính vì vậy, dù kinh doanh mảng nào của du lịch cũng phải lấy phương châm: An toàn, tình nghĩa, thương hiệu và xem khách hàng là thượng đế".
Bà Lê Đình Minh Thy, Giám đốc Chi nhánh Công ty Du lịch lữ hành Vietravel tại TP.Cần Thơ cho rằng cần xây dựng những tour tuyến du lịch ĐBSCL mang đặc trưng đối với khách du lịch. Khi tham gia những tour tuyến này, du khách giới thiệu cho du khách khác và quan trọng hơn du khách sẽ quay lại bởi sự hấp dẫn. Riêng sản phẩm du lịch hiện nay đã có nhiều nhưng làm sao để sản phẩm tạo dấu ấn cho khách trong và ngoài nước, đó là vấn đề hội thảo cần bàn và sẽ tiếp tục bàn ở các hội thảo về du lịch ĐBSCL.
Bà Cao Thị Ngọc Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng từ mở cửa sau đại dịch COVID-19, năm 2023 du lịch Việt Nam khởi sắc. Hội thảo hôm nay đã phân tích kỹ tiềm năng, thế mạnh cũng như những điều còn yếu của du lịch trong vùng. Hệ sinh thái du lịch của vùng này khá hấp dẫn, tuy nhiên, để tạo ra những tour tuyến, sản phẩm du lịch, đó là việc của mỗi địa phương, doanh nghiệp du lịch. Cần phải tạo ra liên kết vùng, liên kết trong nước và liên kết quốc tế. Chỉ có như vậy du lịch ĐBSCL mới ngày càng phát triển, khởi sắc. Phấn đấu để sớm đưa du lịch Việt Nam trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của cả nước.
Ông Trần Việt Phường, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch ĐBSCL cho rằng “Liên kết các doanh nghiệp du lịch, liên kết vùng và kết nối với du lịch lữ hành quốc tế là hướng phát triển của du lịch ĐBSCL. Đồng thời việc áp dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong kinh doanh du lịch là điều cần thiết. Du lịch ĐBSCL cũng nên tham gia đề xuất về chính sách phát triển du lịch nếu thấy nhu cầu bức xúc và chính đáng. Nhà nước cần quan tâm chính sách phát triển du lịch đặc biệt cho vùng ĐBSCL. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng du lịch ĐBSCL, như tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù, tạo ra tour, tuyến du lịch hấp dẫn, đào tạo nhân lực cho du lịch ĐBSCL... Đó là những việc phải làm thường xuyên để du lịch ĐBSCL theo kịp du lịch thế giới trong điều kiện du lịch thế giới đang cạnh tranh khốc liệt".