Chính phủ Trung Quốc đã bất lực khi kinh tế giảm tốc khiến cho những kế hoạch cắt giảm các nhà máy phát thải gây ô nhiễm phải tạm ngưng, và người dân đang phải tự xoay sở. Giải pháp đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là, quay về đi xe đạp.
Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố bản báo cáo về tình trạng môi trường không khí tại các khu vực trên thế giới 2015-2016, không ai ngạc nhiên khi Trung Quốc bị đánh giá là nước có không khí ô nhiễm nhất trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương.
Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng là một trong những cái giá lớn nhất mà Trung Quốc phải trả cho quá trình phát triển kinh tế chóng mặt của mình trong gần ba thập kỷ qua, với nguyên nhân chủ yếu là sự gia tăng mật độ các nhà máy công nghiệp và số lượng xe hơi tại các thành phố trên khắp cả nước.
Ô nhiễm và ùn tắc là hai thứ đang trở thành đặc trưng của đất nước đông dân nhất thế giới. Chính phủ Trung Quốc đã bất lực khi kinh tế giảm tốc khiến cho những kế hoạch cắt giảm các nhà máy phát thải gây ô nhiễm phải tạm ngưng, và người dân đang phải tự xoay sở. Và giải pháp đang được nhắc đến nhiều nhất hiện nay là, quay về đi xe đạp.
Đã từng có một thời gian trong quá khứ cách đây chưa xa, Trung Quốc là một trong những cường quốc xe đạp lớn nhất thế giới. Trong suốt hàng chục năm trước khi mở cửa nền kinh tế, xe đạp là phương tiện di chuyển số một và không có đối thủ ở Trung Quốc.
Nó có giá thành rẻ, nằm trong khả năng kinh tế của đa số người dân, và thuận tiện kể cả ở thành phố lẫn nông thôn. Kể cả khi Trung Quốc đã mở cửa thì tỷ lệ sử dụng xe đạp làm phương tiện đi lại vẫn rất cao, tính đến thời điểm năm 1986, 63% người dân của Bắc Kinh vẫn dùng xe đạp trong sinh hoạt và làm việc, ở các tỉnh thành khác tỷ lệ này còn cao hơn.
Tuy nhiên, quá trình phát triển kinh tế chóng mặt trong những năm sau đó đã khiến cho tỷ lệ người dân sử dụng xe đạp làm phương tiện di chuyển chính giảm sút với tốc độ rất nhanh. Theo thống kê, tính đến năm 2013, chỉ còn khoảng 14% người dân Trung Quốc còn sử dụng xe đạp, trong giai đoạn 1990-2010 thì tỷ lệ sử dụng xe đạp trong xã hội giảm từ 2-5% mỗi năm.
Ngoài lý do chính là vì tăng trưởng kinh tế khiến cho ngày càng có nhiều người đủ khả năng mua xe hơi, thì các nguyên nhân chủ yếu khác là vì ô nhiễm và chính sách cấm đi xe đạp tại khá nhiều tỉnh thành.
Năm 2004, chính quyền thành phố Thượng Hải đã ra lệnh cấm xe đạp ở những khu vực trung tâm để tạo thuận lợi cho di chuyển bằng xe hơi. Không khí ô nhiễm ngày càng trầm trọng tại các thành phố cũng khiến nhiều người mua xe hơi hơn do lo ngại về ảnh hưởng xấu đến sức khỏe nếu di chuyển bằng xe đạp.
Nhưng, tình trạng ùn tắc và ô nhiễm kinh khủng trên khắp cả nước lại đang là lý do khiến cho xe đạp ngày càng hồi sinh mạnh mẽ hơn ở Trung Quốc. Những cuộc vận động người dân chuyển sang sử dụng xe đạp đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn tại các thành phố Trung Quốc, trong đó kêu gọi mỗi người nên tự cải thiện môi trường bằng cách đi xe đạp thay vì cố thủ trong xe hơi, ngoài ra xe đạp cũng tiện lợi hơn xe hơi trong việc di chuyển tại các thành phố lớn vốn luôn ùn tắc.
Tuy nhiên, không thể quay trở lại cái thời mỗi người dân Trung Quốc đều sở hữu một chiếc xe đạp để di chuyển trong công việc và cuộc sống ở thời điểm hiện tại nơi nền kinh tế hiện đại với tốc độ chóng mặt đang ngự trị. Các chương trình xe đạp chia sẻ vì thế đang được xem là giải pháp khả dĩ và có mặt ở khắp Trung Quốc.
Các chương trình chia sẻ xe đạp, trong đó tạo ra các điểm trông giữ, đổi và cho thuê xe được thiết lập khắp nơi trong thành phố, được thử nghiệm lần đầu tiên tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan vào năm 1965. Nó được lan rộng sau đó tại khá nhiều các thành phố lớn trên khắp thế giới như Paris, New York,… lợi thế của chương trình này là giảm tối đa diện tích lưu thông, tạo thuận lợi cho người sử dụng khi có thể đổi xe ở bất cứ đâu và kết nối với các phương tiện giao thông công cộng. Một người hoàn toàn có thể di chuyển bằng xe đạp đến ga tàu điện ngầm, gửi xe tại điểm trông giữ trước khi có thể lấy sử dụng một chiếc xe đạp khác tại điểm đến mới.
Sự thuận tiện của mô hình chia sẻ xe đạp này đang khiến cho nó phát triển rất nhanh tại Trung Quốc. Tính đến năm 2015, tổng số lượng xe đạp của các chương trình chia sẻ này ở Trung Quốc lớn hơn tổng số xe đạp chia sẻ trên toàn thế giới cộng lại. Trong số 4 thành phố có mật độ sử dụng xe đạp chia sẻ lớn nhất thế giới, thì chỉ riêng Trung Quốc đã chiếm 3, đó là các thành phố Hàng Châu, Thái Nguyên và Thượng Hải.
Các doanh nghiệp dịch vụ chia sẻ xe đạp Trung Quốc cũng đang có quy mô khổng lồ, điển hình là công ty xe đạp công cộng Hàng Châu hiện đang sở hữu 78.000 xe đạp với khoảng 2.000 trạm đổi xe được thiết lập, kế hoạch đến năm 2020 sẽ tăng lên mức 175.000 chiếc. Trung bình mỗi ngày công ty này phục vụ khoảng 240.000 cuộc di chuyển bằng xe đạp.
Mô hình này đang được nhân rộng tại các thành phố lớn khác, kể cả Bắc Kinh, nơi một công ty con của Didi-thương hiệu được mệnh danh là Uber của Trung Quốc đã được thành lập với khoản đầu tư hơn 100 triệu USD, theo kế hoạch sẽ cung cấp 70.000 xe đạp và phục vụ khoảng 500.000 lượt di chuyển mỗi ngày.
Sự thành công của việc áp dụng phương pháp xe đạp chia sẻ quy mô tại các thành phố lớn của Trung Quốc có thể sẽ là giải pháp giúp cho khá nhiều đô thị lớn cũng đang phải chịu tình trạng ùn tắc và ô nhiễm trên khắp thế giới.
Nhàn Đàm (theo Bloomberg)