TP.HCM lựa chọn giải pháp hoán đổi vị trí thực hiện dự án xây dựng trong Thư viện Khoa học để giữ trọn vẹn Thư viện này. Tuy nhiên, một câu hỏi cũng được đặt ra: tại sao công ty xây dựng Bắc Nam 79 lại được thuê đất trong khuôn viên thư viện – khi mà trước đây thành phố đã có chủ trương xây dựng thư viện thiếu nhi tại đây?
Tiếp tục câu chuyện “Có hay không việc xây cao ốc 20 tầng ở Thư viện khoa học tổng hợp TP.HCM?”, trao đổi vớiNgười Đô Thị, KTS Nguyễn Trường Lưu, chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM cho biết: "là thành viên trong Hội đồng Kiến trúc quy hoạch và với tư cách cá nhân, tôi khẳng định việc xây dựng này nếu có là hoàn toàn không phù hợp".
Hoán đổi vị trí thực hiện dự án để giữ Thư viện
Theo ông Lưu, trước đây, công ty cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 đã có đề xuất xây dựng tòa cao ốc văn phòng khách sạn cao 20 tầng nằm trong khuôn viên Thư viện Khoa học tổng hợp (KHTH). Tuy nhiên, nhiều thành viên Hội đồng Kiến trúc quy hoạch lúc đó đã cho rằng dự án này là không phù hợp.
“Về mặt pháp lý, nếu công ty này đang sở hữu một phần đất trong khuôn viên Thư viện thì họ có quyền đề xuất dự án kinh doanh của mình trong phạm vi và quy định của khu vực trung tâm 930 ha đã được quy hoạch và phê duyệt. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng, dự án này là không phù hợp, và giải pháp tốt nhất là tìm một khu đất khác để thương lượng, hoán đổi, để hài hòa quyền lực chung của thành phố và quyền lợi của chủ đầu tư.”, ông Lưu cho biết.
Theo ông Lưu, trước đây thành phố cũng đã từng làm việc này thành công để giữ các kiến trúc, công trình di sản của thành phố. Dù lịch sử đã để lại rất nhiều công trình của cá nhân nằm trong khu vực công trình kiến trúc cổ-di sản, thì thành phố khuyến khích tìm đất để đổi với cá nhân sở hữu.
Cụ thể như trường hợp trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, trước đây trong khuôn viên trường có nhà ở sở hữu của hiệu trưởng trường Gia Long (tên trường Nguyễn Thị Minh Khai trước 1975), thành phố đã cấp nhà khác cho cá nhân này, lấy lại nhà và hiện xây thành thư viện cho trường.
Tương tự, góc Ngô Thời Nhiệm – Trương Định trường Nguyễn Thị Minh Khai trước đây cũng là một khu nhà tập thể cán bộ công nhân viên có sổ đỏ, thành phố cũng đền bù giải tỏa, và hiện nay trường Nguyễn Thị Minh Khai đã được trọn vẹn.
“Về mặt chuyên môn, tôi quan niệm không nên xây dựng một công trình lớn tại khu vực Thư viện KHTH, vì nó sẽ làm ảnh hưởng, không gian chung, phá vỡ không gian hài hòa tại đây; chưa kể, Thư viện KHTH cũng như không gian này lâu nay đã đi vào kí ức và tình cảm người dân thành phố”, ông Lưu nói.
Ông Lưu cũng cho biết thêm, Hội đồng Kiến trúc quy hoạch chỉ có chức năng tư vấn về mặt chuyên môn, không có nhiệm vụ trong quản lý nhà nước. “Tất nhiên, về mặt quản lý nhà nước, sai tới đâu phải sửa tới đó”, ông Lưu nói.
Tại sao một phần đất thư viện thuộc công ty Bắc Nam 79?
Theo thông tin PVnắm được, vào tháng 12.2015, UBND TP.HCM đã có công văn 7614/UBND-ĐTMT gửi các sở ban ngành về việc hoán đổi vị trí thực hiện dự án của công ty Bắc Nam 79 tại khuôn viên Thư viện KHTH (số 8, Nguyễn Trung Trực, quận 1).
Công văn này chấp thuận chủ trương theo đề nghị của Hội đồng Kiến trúc quy hoạch thành phố và sở Quy hoạch kiến trúc về việc hoán đổi vị trí thực hiện dự án tại Thư viện. Điều này là “để đảm bảo khoảng cách phù hợp giữa công trình xây dựng mới và công trình Thư viện KHTH (đang bảo tồn)”.
Tuy nhiên, trong thực tế hiện nay, dư luận đang đặt ra một câu hỏi khác: Tại sao một phần đất Thư viện thuộc công ty Bắc Nam 79?
Theo thông tin tìm hiểu được, vào năm 1994, Bộ Văn hóa thông tin đã giao 60m2 đất trong khuôn viên Thư viện KHTH cho một cá nhân để làm nhà ở, theo tinh thần của Sở Nhà đất và Công trình công cộng thành phố về việc tạm giao nhà cho công ty cá nhân này làm giám đốc.
Năm 2008, UBND TP.HCM đã có công văn chỉ đạo sắp xếp, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước về việc hoán đổi đất cho người dân trong khuôn viên thư viện, để thu hồi đất đầu tư xây dựng thư viện thiếu nhi.
Tuy nhiên đến năm 2011, UBND thành phố có quyết định cho công ty Cổ phần Xây dựng Bắc Nam 79 thuê khu đất rộng hơn 1.200 m2trong khuôn viên thư viện KHTH để làm văn phòng làm việc. Thời gian thuê là 50 năm.
Quyết định này có nội dung cho phép doanh nghiệp trước mắt tạm sử dụng đất theo hiện trạng, khi đơn vị có nhu cầu đầu tư xây dựng phải tuân thủ theo quy hoạch sử dụng đất của thành phố.
Sau đó, Sở Tài nguyên môi trường TP.HCM đã cấp giấy đỏ cho công ty Xây dựng Bắc Nam 79 với mục đích là đất sản xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng đến năm 2061.
Như vậy trước những diễn tiến trên, câu hỏi được đặt ra là: tại sao công ty Xây dựng Bắc Nam 79 được thuê hơn 1.200 m2trong khuôn viên thư viện KHTH để làm văn phòng làm việc, và được cấp sổ đỏ với mục đích là đất sản xuất kinh doanh với thời hạn sử dụng đến năm 2061?
Việc công ty này được thuê đất (và cấp sổ đỏ) nằm trong khuôn viên Thư viện liệu có phù hợp, khi mà trước đó chủ trương của UBND thành phố là xây dựng thư viện thiếu nhi tại đây?
Lê Quỳnh/Người Đô Thị
Theo ông Trương Trung Kiên, phó giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM, hiện nay khu đất Thư viện KHTH (nằm trong khu quy hoạch trung tâm 930 ha của thành phố) được quy hoạch là đất văn hóa, chiều cao công trình xây dựng tối đa là 20m.
Khu đất tại khuôn viên thư viện KHTH thành phố được bao quanh bởi bốn tuyến đường Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trung Trực và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Hiện khu đất này nằm trong quy hoạch khu trung tâm 930 ha của thành phố.