Ngoài việc phục vụ đám tiệc và đàn hát giao lưu văn nghệ, một số ban Đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long còn đảm đương nhiệm vụ trình diễn giới thiệu vốn âm nhạc cổ truyền Nam Bộ cho các đoàn khách du lịch từ nơi khác đến tham quan. Thế nhưng, việc khai thác Đờn ca tài tử ở các điểm du lịch còn bộc lộ nhiều bất cập, còn tồn tại nhiều vấn đề phải suy ngẫm, băn khoăn.

Xin đừng làm tổn hại đờn ca tài tử

Sơn Phạm | 28/06/2017, 10:20

Ngoài việc phục vụ đám tiệc và đàn hát giao lưu văn nghệ, một số ban Đờn ca tài tử ở đồng bằng sông Cửu Long còn đảm đương nhiệm vụ trình diễn giới thiệu vốn âm nhạc cổ truyền Nam Bộ cho các đoàn khách du lịch từ nơi khác đến tham quan. Thế nhưng, việc khai thác Đờn ca tài tử ở các điểm du lịch còn bộc lộ nhiều bất cập, còn tồn tại nhiều vấn đề phải suy ngẫm, băn khoăn.

Đờn ca tài tử được hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ 19, bắt nguồn từ âm nhạc cung đình Huế, nhạc vùng ngũ Quảng và Nhạc lễ dân gian Nam Bộ. Ở đất phương Nam, mấy thập niên qua, Đờn ca tài tử không thể thiếu trong các dịp lễ tết, cưới hỏi, ma chay, giỗ chạp, đám cúng đình… Và gần 20 năm qua, ngành du lịch ở một số địa phương như Tiền Giang, Bến Tre, Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang… đã khai thác triệt để một số cù lao, một số vườn cây ăn trái lâu năm, một số khu rừng sinh thái gắn với khu di tích lịch sử… tạo ra những điểm “du lịch xanh”, trong đó có sử dụng nghệ thuật Đờn ca tài tử như một trong những sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách.

Việc trình diễn Đờn ca tài tử trong các tour du lịch không chỉ quảng bá được loại hình nghệ thuật tiêu biểu của vùng đất Nam Bộ với bạn bè trong nước và quốc tế, mà còn giúp du khách khám phá thêm những điều thú vị trong cuộc hành trình đến thăm vùng đất hiền hòa này. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị độc đáo của Đờn ca tài tử ở thời điểm hiện nay. Mặc dù sinh hoạt Đờn ca tài tử phục vụ du khách có phần phát triển hơn trước với nhiều hình thức trình diễn đa dạng và phong phú như: đờn ca trên sông (ghe, tàu du lịch), trong vườn cây ăn trái, nhà hàng… nhưng còn bộc lộ nhiều bất cập.

Trước hết, nội dung và cấu trúc bài bản trong những chương trình Đờn ca tài tử phục vụ khách du lịch hiện nay không được xem trọng như trước đây. Ngày trước, trong những cuộc sinh hoạt giao lưu đờn ca, các làn điệu trong nhạc mục tài tử được các nghệ nhân hòa đờn, hòa đờn ca trọn lớp, trọn câu. Nhưng hiện thời, người chơi nhạc tài tử chấp nhận những bài bản có giai điệu và nội dung không giống nhạc tài tử, rồi tự cắt xén, tăng tiết tấu để trình diễn. Điều này làm sai cốt cách căn cơ của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Hơn nữa, nội dung chương trình phục vụ du khách rất đơn điệu, không thực hiện theo từng chủ đề, hiếm khi có mặt những làn điệu, bài bản trong 20 bài bản Tổ của âm nhạc tài tử (gồm 6 bản Bắc, 3 bản Nam, 4 bản Oán và 7 bài Nhạc lễ), chủ yếu là vọng cổ nhịp 32 và trích đoạn Cải lương… Nhìn chung, đa phần các điểm phục vụ Đờn ca tài tử trình diễn rất xuề xòa, làm cho qua chuyện. Phải chăng vì trình diễn quá nhiều “show” trong ngày, nên các nghệ nhân có “xu hướng” nhàm chán với công việc thường nhật?

Về trình tự trình diễn cũng có nhiều thay đổi. Thông thường, buổi trình diễn Đờn ca tài tử được bắt đầu bằng những bản đờn, bài ca mang hơi điệu Bắc vui tươi, rôm rả; tiếp đến chuyển sang các bài bản thuộc hơi Quảng, hơi Hạ; rồi qua các bài Nam có hơi Ai, hơi Xuân; phần cuối bao giờ cũng chuyển sang những làn điệu hơi Oán và vọng cổ; thì hiện nay, những buổi đờn ca trong các tour du lịch không theo trình tự đó mà trình diễn lộn xộn, ai thích đờn bản gì thì đờn, ai thích ca điệu gì thì ca, không tuân thủ theo trình tự như trước đây.

Cấu trúc dàn nhạc hiện nay có phần chấp vá, tùy tiện, ít khi được biên chế đầy đủ của một dàn nhạc tài tử gồm các nhạc cụ: Kìm, Cò, Tranh, Độc huyền (gọi là Tứ tuyệt)… Tùy theo ban nhạc, quy tụ được cây đờn gì thì chơi nấy, có khi có đủ nhạc cụ nhưng không có người đờn hoặc ngược lại.

Những bất cập này dẫn tới hệ quả, chính những nghệ nhân trình diễn đang xem thường bản thân họ, xem thường di sản Đờn ca tài tử và xem thường cả du khách - là những người bỏ tiền bạc và đi một quãng đường rất xa đến địa phương để trải nghiệm, nhưng họ chỉ được nghe những bản nhạc dân ca, hoặc những bài vọng cổ. Thậm chí là những bài hát dân ca các nước (tùy du khách là người nước nào) mà không phải là nhạc tài tử thuần túy. Điều này khiến cho du khách thất vọng và đánh giá sai về giá trị đích thực của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Đồng bằng sông Cửu Long là khu vực giàu tiềm năng về du lịch vì nơi đây có môi trường thiên nhiên trong lành, kết hợp với tinh hoa văn hóa, lịch sử của cộng đồng 4 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer, Chăm; với nhiều lễ hội dân gian vô cùng đặc sắc. Đặc biệt hơn, vùng đất này có nghệ thuật Đờn ca tài tử được Tổ chức Văn hóa - Khoa học và Giáo dục của Liên Hiệp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là những sản phẩm du lịch hết sức thú vị, sẽ thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan nếu biết khai thác đúng mức giá trị và tiềm năng của nó.

Thạc sĩ Phạm Thái Bình/Duyên dáng Việt Nam
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
4 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xin đừng làm tổn hại đờn ca tài tử