Thị trường đã xuất hiện nhiều loại hợp đồng trong giao dịch căn hộ chung cư với các tên gọi khác nhau nhưng không quy định về quyền sở hữu.

Xuất hiện hợp đồng ‘lạ’ khi mua căn hộ chung cư

Hồ Đông | 25/08/2021, 20:00

Thị trường đã xuất hiện nhiều loại hợp đồng trong giao dịch căn hộ chung cư với các tên gọi khác nhau nhưng không quy định về quyền sở hữu.

Cẩn trọng nếu thấy hợp đồng mua bán “lạ”

Ngày 25.8, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đưa ra cảnh báo về một số hợp đồng lạ trong giao dịch mua bán căn hộ chung cư với nhiều tên gọi khác nhau.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, một số người tiêu dùng đã phản ánh về một số loại hợp đồng trong giao dịch căn hộ có tên gọi như "hợp đồng mua bán quyền căn hộ", "hợp đồng chuyển nhượng tài sản". Trong đó, đối tượng mua bán là dạng hợp đồng căn hộ du lịch hoặc quyền sử dụng căn hộ chứ không phải quyền sở hữu căn hộ.

Các hợp đồng này đều không căn cứ vào Luật Nhà ở, văn bản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai của Sở Xây dựng hay hợp đồng bảo lãnh của ngân hàng đối với nghĩa vụ tài chính của bên bán trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ bàn giao căn hộ và thời hạn sử dụng các loại căn hộ này ghi trong hợp đồng là 50 năm.

Bên cạnh đó, đối với dạng hợp đồng mua bán quyền căn hộ, trong hợp đồng chỉ đề cập đến các quyền sử dụng của người mua như quyền sử dụng căn hộ, quyền sử dụng phần diện tích thuộc sở hữu chung... mà không đề cập tới quyền sở hữu cũng như việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua.

Người mua cũng cho biết chủ đầu tư thông báo với họ là các mẫu hợp đồng này đã được đăng ký với cơ quan quản lý về bảo vệ người tiêu dùng và được xác nhận. Việc ký kết là phù hợp với quy định.

Ngoài ra, theo như phản ánh của các cơ quan truyền thông, đã có những trường hợp người dân mua phải dạng căn hộ nghỉ dưỡng/du lịch (condotel) nhưng tưởng nhầm là mua căn hộ chung cư thông thường. Đến khi về ở, người mua mới biết được đây là căn hộ condotel và rất nhiều bất cập đã phát sinh từ việc "nhầm lẫn" này như không được đăng ký hộ khẩu thường trú dẫn tới những thiệt thòi trong việc học hành của con cái hay việc khám chữa bệnh theo tuyến.

bds-tphcm-1.jpg
Người mua cần xem kỹ hợp đồng trước khi xuống tiền cọc để mua căn hộ chung cư

Chỉ xuống cọc khi kiểm tra kỹ thông tin hợp đồng, pháp lý

Đối với những trường hợp nêu trên cũng như các trường hợp tương tự, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng lưu ý người mua cần kiểm tra những thông tin cơ bản trong hợp đồng được bên bán cung cấp để xác định chính xác đối tượng muốn mua.

Cụ thể, hợp đồng mua bán căn hộ chung cư, trong đó sẽ quy định: đối tượng mua bán của hợp đồng là "căn hộ chung cư"; các căn cứ quan trọng xác lập hợp đồng mua bán căn hộ chung cư là Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản; văn bản bảo lãnh của ngân hàng về việc bảo lãnh nghĩa vụ của chủ đầu tư liên quan đến việc chậm bàn giao căn hộ và thông báo của Sở Xây dựng thành phố về việc bán nhà ở hình thành trong tương lai hoặc biên bản nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan có thẩm quyền... Đặc biệt, mục đích sử dụng căn hộ là để ở; bên mua được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất…

Trong trường hợp hợp đồng có những quy định gây khó hiểu hoặc "lạ lẫm" với người tiêu dùng như "căn hộ du lịch", "căn hộ khách sạn", "hợp đồng mua bán quyền tài sản", "hợp đồng chuyển nhượng tài sản", "dự án không hình thành đơn vị ở"... bên mua cần yêu cầu đơn vị bán hàng giải thích và cung cấp cơ sở pháp lý. Đồng thời, bên mua tự mình tìm hiểu thêm thông tin qua nhiều kênh khác nhau (như các cơ quan xây dựng, các cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng).

Cục Cạnh tranh vào Bảo vệ người tiêu dùng cũng khuyến cáo người dân cần xác minh thông tin về bản hợp đồng được cơ quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông qua. Đối với các hợp đồng liên quan đến bất động sản, theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và quy định hiện hành, doanh nghiệp phải đăng ký hợp đồng mua bán căn hộ chung cư tại cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thẩm quyền trước khi giao kết với người tiêu dùng.

Để tránh trường hợp chủ đầu tư cung cấp thông tin không đầy đủ hoặc không chính xác về việc đăng ký, khách hàng cần xác minh lại chính xác bản hợp đồng đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua.

"Người dân lưu ý chỉ đặt cọc, ký kết bất kỳ giấy tờ gì hoặc hợp đồng mua bán với bên bán một khi đã hiểu rõ về đối tượng giao dịch và đã nghiên cứu kỹ nội dung hợp đồng cũng như các giấy tờ pháp lý có liên quan", Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo.

Bài liên quan
Người dân TP.HCM phản ánh giá cao, siêu thị tính lại 'combo' đi chợ hộ
Người dân TP.HCM phản ánh giá “combo” của một số siêu thị cao so với mặt bằng chung. Điều này buộc siêu thị phải chuẩn bị lại “combo” khác với hàng hoá, giá cả phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất hiện hợp đồng ‘lạ’ khi mua căn hộ chung cư