Người dân TP.HCM phản ánh giá “combo” của một số siêu thị cao so với mặt bằng chung. Điều này buộc siêu thị phải chuẩn bị lại “combo” khác với hàng hoá, giá cả phù hợp.
"Đi chợ hộ" vẫn còn khó khăn
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, trong ngày 24.8, tình hình đăng ký “mua hộ” theo "combo" có một số khó khăn so với hôm 23.8.
Cụ thể, người dân có phản ánh giá “combo” tại một số siêu thị có mức giá cao hơn so với giá hàng hóa thực tế và giá bán tại các siêu thị cũng có khác nhau, chênh lệch về giá. Do vậy, một số siêu thị phải xây dựng lại "combo" hàng hóa thiết thực, sát thực tế nhu cầu người dân hơn.
Ngoài ra, ông Phương cũng cảnh báo có dấu hiệu lừa đảo người dân khi yêu cầu chuyển tiền đăng ký mua hàng "đi chợ hộ", nhưng không phải những trang bán hàng được lập bởi các tổ dân phố và hệ thống phân phối. Vì vậy, Sở cảnh báo người dân nên liên hệ với các tổ trưởng tổ dân phố, hội phụ nữ và đoàn thể trong phường để đăng ký “đi chợ hộ” bảo đảm an toàn, hàng hóa bán đúng giá hơn.
Số liệu của Sở Công Thương TP.HCM cho thấy tính đến cuối ngày 24.8, lượng đơn hàng đi chợ hộ trên toàn thành phố đã tăng 50.385 hộ (46,9%) so với ngày hôm trước. Tuy nhiên, tính trên tổng số 2.183.247 hộ dân đang sinh sống trên địa bàn thì lượng đặt hàng rất khiêm tốn, xấp xỉ 4%.
Các hệ thống phân phối đã cung ứng 70.337 đơn hàng trong tổng số 74.033 đơn nhận trong ngày, giảm 6,8% so với ngày 23.8. Số đơn hàng còn lại sẽ được giao trong ngày mai.
Hiện, TP.HCM có 2.302 kênh phân phối gồm 76 siêu thị, 1.687 cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm bình ổn, 502 điểm tạp hóa, chợ (chủ yếu ở Cần Giờ). Thành phố chỉ còn 5 xe lưu động bán hàng cho các quận, huyện do người dân đã mua sắm dự trữ khá nhiều.
Ưu tiên mô hình “combo 10 kg/túi” giá 100.000 – 200.000 đồng
Liên quan đến “combo” đi chợ hộ, ngày 24.8, Tổ công tác phía Nam của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn (Tổ công tác 970) cũng có văn bản đề nghị UBND TP.HCM ưu tiên triển khai mô hình "combo 10 kg/túi" nông sản.
Theo Tổ công tác 970, mô hình này vừa giúp tiêu thụ nông sản đang ùn ứ của nông dân, người dân TP.HCM tiếp cận được nông sản giá bình dân và giảm áp lực của lực lượng chức năng trong việc cung cấp lương thực, thực phẩm cho người dân trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt.
Với mô hình này, Bộ đề nghị TP.HCM triển khai với hình thức cho các doanh nghiệp đăng ký địa điểm giao nhận hàng hóa đủ điều kiện phòng chống dịch. Thành phố ưu tiên cấp phép cho phương tiện của doanh nghiệp thí điểm mô hình "combo 10 kg/túi" nông sản được vận chuyển đến nơi tập trung người mua hoặc sau khi người mua – bán thanh toán xong nhờ xe của cơ quan nhà nước vận chuyển "combo" từ người bán đến người mua. Những vấn đề liên quan đến đặt hàng, thanh toán người mua, người bán tự thỏa thuận thông qua các ứng dụng sẵn có như: Zalo, Facebook…
Đáng chú ý, trước khi TP.HCM thực hiện "đi chợ hộ" từ ngày 23.8, mô hình combo 10 kg/túi đã được Tổ công tác 970 phối hợp với các tỉnh, các hợp tác xã triển khai thí điểm bán hàng đến các khu công nhân, khu cách ly tại TP.HCM.
Hiện có 3 "combo 10 kg/túi" chính là: loại 100.000 đồng gồm các loại rau củ như: khoai lang, khoai môn, củ sắn, chanh, dưa leo…; loại 150.000 đồng có rau củ, rau ăn lá và trứng; loại 200.000 đồng có rau củ, rau ăn lá, trứng, gạo… Ngoài ra, các nhà cung cấp còn có thể kết hợp thêm sản phẩm thủy sản, thịt, trứng.
Theo báo cáo đề xuất của các tỉnh, khả năng cung cấp nông sản cho TP.HCM dưới dạng "combo" lên đến hơn 1.500 tấn/ngày nếu được sự hỗ trợ vận chuyển.