Báo chí đưa tin Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang khẩn trương hoàn tất đề án “Đưa lao động (LĐ) có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài”. Mục tiêu là “Đưa 54.000 LĐ tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp chưa tìm được việc làm đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)”. Đọc xong là thấy khó hiểu vì mâu thuẫn giữa tên gọi và mục tiêu của đề án. Nhiều người nghĩ rằng đây là đề án hỗ trợ cho những người có trình độ cao bị thất nghiệp!

Xuất khẩu cử nhân - đâu ai cấm ước mơ?

23/07/2017, 09:30

Báo chí đưa tin Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội đang khẩn trương hoàn tất đề án “Đưa lao động (LĐ) có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi làm việc ở nước ngoài”. Mục tiêu là “Đưa 54.000 LĐ tốt nghiệp ĐH, CĐ, trung cấp chưa tìm được việc làm đi xuất khẩu lao động (XKLĐ)”. Đọc xong là thấy khó hiểu vì mâu thuẫn giữa tên gọi và mục tiêu của đề án. Nhiều người nghĩ rằng đây là đề án hỗ trợ cho những người có trình độ cao bị thất nghiệp!

Dự kiến chi 1.300 tỉ đồng để xuất khẩu gần 57.000 cử nhân thất nghiệp từ nay tới năm 2025 - Ảnh minh họa

Thời gian của dự án là từ năm 2018 - 2025, trong đó “2018 - 2020 xuất khẩu 14.700 LĐ đi Đức, 1.500 đi Nhật, 1.800 đi Đài Loan, 150 đi Hàn Quốc” (tổng cộng là 17.529). “Từ 2020 - 2025 xuất tiếp 39.000 LĐ” (Thanh niên ngày 14.7.2017). Như vậy cộng chung là 56.520 chứ không phải 54.000. Phen này các trường đại học càng dễ tuyển sinh vì cử nhân cao đẳng Việt Nam có thêm triển vọng ra nước ngoài làm việc. Phải nói là một dự án đột phá táo bạo. Cả Asean chưa ai làm được việc này. Họ chỉ xuất khẩu lao động chứ chưa dám mơ xuất khẩu cử nhân.

Kinh phí dự án lên tới 1.300 tỉ hoành tráng. Mới nghe tin, nhiều công ty, đơn vị lập tức vận động hành lang để được tham gia dự án tầm cỡ này. Có người lo xa là sẽ có chuyện phải lót tay để được xuất khẩu vì “Đến quý 1/2016, Việt Nam có 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp - nghĩa là hàng tồn kho” (Dân trí ngày 31.5.2016). “Chưa kể hơn 100.000 cử nhân, thạc sĩ đang làm công việc không cần đại học”. Nếu tính thêm cao đẳng, chắc phải thêm cả trăm ngàn? Viện trưởng Viện Khoa học Lao động & Xã hội Đào Quang Vinh (Bộ LĐTB&XH) cho biết là “Sẽ có 200.000 cử nhân thất nghiệp trong năm 2017” (Vietnamnet ngày 13.2.2017). Không biết đây là con số mới phát sinh hay là cộng cả số cũ? Số nào thì cũng tính hàng trăm ngàn.

Xuất khẩu 8 năm, tốn 1.300 tỉ mà cũng mới được chừng 1/4 “hàng tồn kho” của năm 2016. Dự báo đây sẽ là ngành kinh doanh triển vọng vì nguồn hàng vô tận, xuất không kịp. Nếu không đẩy nhanh sản lượng và tiến độ sẽ khủng hoảng thừa và mất giá.

Việt Nam là nước có trình độ học vấn (chứ không phải văn hóa) cao nhất. Thiên hạ đang lo xóa mù chữ, còn Việt Nam đang phổ cập đại học. Theo báo chí, Hà Nội trước đây từng có đề án (đã dừng triển khai) là “Đến năm 2020, 100% cán bộ quản lý quận huyện có bằng tiến sĩ, 50% cán bộ quản lý xã phường phải thạc sĩ trở lên”. Nghe quá đã. Việt Nam hiện có 412 trường đại học và cao đẳng với trên 2,2 triệu sinh viên. Cả tỷ lệ sinh viên lẫn tiến sĩ, thạc sĩ trên đầu dân đều bỏ xa các nước phát triển.

Phó cục trưởng Cục Quản lý Lao động Ngoài nước (Bộ LĐTB&XH) Tống Hải Nam cho biết: “Đề án không phải là đưa tất cả cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp đi XKLĐ và cũng không đào tạo lại những LĐ ngành xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, kinh tế… thất nghiệp để đi XKLĐ. Nhu cầu tuyển dụng LĐ phụ thuộc rất lớn vào các nước tiếp nhận. Do vậy, đề án này chỉ dành ưu tiên cho LĐ trong ngành kỹ thuật, dịch vụ”. Nói vậy cũng không ổn vì nguồn LĐ kỹ thuật chất lượng cao trong nước còn chưa đáp ứng đủ, nếu không muốn nói là thiếu trầm trọng thì lấy đâu ra để XKLĐ. Thực tế là những kỹ sư giỏi ở VN, các tập đoàn nước ngoài đã “săn” từ khi chưa ra trường, đào đâu ra để xuất khẩu?

Thử hỏi hiện có bao nhiêu nước thừa nhận bằng cấp Việt Nam? Trừ Campuchia và Lào vì được bao cấp hàng ngàn học bổng toàn phần. Khi tuyển dụng, họ cũng phớt lờ các bằng cấp Việt Nam. Nếu giáo dục Việt Nam chất lượng thì làm gì có chuyện con nhà giàu và cán bộ luôn tìm mọi cách du học ngay từ phổ thông, thậm chí tiểu học. Có người cực đoan đề nghị là các trường đại học, cao đẳng nên tạm đóng cửa mấy năm để xuất khẩu cho hết hàng tồn kho cao cấp. Chứ kiểu này, hàng tồn kho, cứ năm sau cao hơn năm trước. Vậy mà mấy doanh nghiệp kêu gào là thiếu nhân sự quản lý, thiếu lao động chất xám, có trình độ… Hàng trăm ngàn thạc sĩ và cử nhân đang thất nghiệp mà cứ kêu thiếu là sao? Ước mơ xuất khẩu cử nhân, cao đẳng đâu ai cấm. Cứ mơ thoải mái nhưng xin đừng vẽ vời thành dự án để tìm cách phết phẩy.

Cử nhân cao đẳng Việt Nam, trong nước còn chê làm sao xuất khẩu. Có ai xuất khẩu hàng dạt bao giờ? Con người chứ có phải hàng hóa đồ vật đâu mà xay ra rồi tái chế. Nhiều người chứng minh là con em họ, từng nỗ lực và tìm mọi cách chen chân vào đại học nhưng ra trường vẫn “ế”, kể cả công lập. Khối khoa học kỹ thuật và tự nhiên thì đỡ hơn nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn khá lớn, chưa kể phải làm trái nghề. Thế là lại xoay xở, chạy chọt, thế chân hàng trăm triệu để được đi làm công nhân xuất khẩu. Dĩ nhiên phải giấu nhẹm bằng đại học của mình. Muốn xuất khẩu lao động thì cứ học nghề. Ai rỗi hơi và thừa tiền, tốn 4 năm đại học (nếu không bị đúp lớp) và biết bao công sức, thời gian, tiền bạc chỉ để lấy tấm bằng làm kỷ niệm? Hàng xịn, thiên hạ sẽ tìm mua, sẵn sàng trả giá cao, chứ sao phải tốn cả ngàn tỉ. Chưa kể là lộ trình thu hồi vốn cho cả nhà nước lẫn cá nhân còn rất mù mờ.

Ông Nam cho hay: “Ngân sách nhà nước chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho các chính sách và cơ chế. Kinh phí này dành để mở thị trường, phát triển thị trường, hỗ trợ các trường nghề nhập module, chuyển giao kỹ thuật từ nước ngoài, hỗ trợ LĐ vay vốn đi XKLĐ… Nếu DN và trường nghề tham gia vào đề án này sẽ được vay vốn ưu đãi để xây dựng cơ sở vật chất”. Thời gian qua, nhà nước đã đầu tư nhiều tỉ đồng để nhập khẩu chương trình đào tạo nghề nước ngoài, đào tạo giáo viên, đầu tư trang thiết bị ở các cấp độ. Các DN tham gia xuất khẩu và tuyển dụng cũng bỏ tiền hỗ trợ đào tạo ngoại ngữ, kỹ năng cho LĐ Việt Nam. Nếu thấy hiệu quả, các doanh nghiệp sẽ đầu tư và người LĐ sẵn sàng chia sẻ, không cần phải tốn hàng ngàn tỉ của nhà nước.

Hàng hóa nào cũng vậy. Muốn xuất khẩu được thì phải tốt hơn hàng nội địa. Đằng này, nội địa chê lại tính chuyện xuất khẩu là ngược đời. Với chương trình đào tạo lỗi thời và không giống ai như hiện nay, cho không chưa chắc thiên hạ đã dám nhận mà còn vẽ dự án xuất khẩu. Phải nói là táo bạo liều lĩnh chứ không phải đột phá. Nhìn qua láng giềng Trung Quốc, để có được thành tựu kinh tế như hôm nay, cách đây gần 30 năm, Trung Quốc đã thay đổi hơn 70% chương trình đào tạo theo xu thế chung của thế giới.

Quyết định số 761/QĐ-TTg ngày 23.5.2014 của Thủ tướng về việc Phát triển Trường nghề chất lượng cao đến năm 2020 nhằm "Hỗ trợ đào tạo trình độ cao về kỹ năng nghề, ngoại ngữ và ngành nghề đặc thù cho khoảng 8.800 LĐ để đưa khoảng 6.200 người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng". Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 20.6.2017 về Chương trình mục tiêu giáo dục nghề nghiệp - việc làm và an toàn lao động 2016 - 2020 còn xác định "Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp". Mục tiêu đến năm 2020 sẽ hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp trình độ cao đẳng, trung cấp cho khoảng 1,35 triệu người (trong đó khoảng 5% đạt cấp độ quốc tế) đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập.

Bộ LĐTB&XH nên tìm cách làm tốt hơn việc XKLĐ như hiện nay và cùng với Bộ Giáo dục & Đào tạo có kế hoạch cụ thể giảm dần hàng tồn kho thạc sĩ, cử nhân, cao đẳng. Có người đề nghị thay vì xuất khẩu cử nhân, cao đẳng thì nên xuất khẩu cán bộ, vừa để tinh giản biên chế, vừa PR cho đất nước. Cán bộ Việt Nam bây giờ toàn giáo sư, tiến sĩ, bằng cấp đầy mình.

Nghe cũng có lý.

Nguyễn Văn Mỹ

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Xuất khẩu cử nhân - đâu ai cấm ước mơ?