Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin tiết lộ hải quân nước này đã bí mật triển khai tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6.

Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông thách thức Trung Quốc?

31/08/2020, 06:04

Hãng thông tấn ANI của Ấn Độ dẫn nguồn thạo tin tiết lộ hải quân nước này đã bí mật triển khai tàu chiến tới Biển Đông sau vụ đụng độ với Trung Quốc ở biên giới đất liền khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng hồi tháng 6.

Tàu khu trục Kolkata của Hải quân Ấn Độ - Ảnh: Internet

Hải quân Ấn Độ đã nhanh chóng điều một tàu chiến đến Biển Đông sau vụ đụng độ giữa binh sĩ Ấn Độ với Trung Quốc tại thung lũng Galwan trên cao nguyên Ladakh hôm 15.6.

Trung Quốc phản đối sự hiện diện của Hải quân Ấn Độ ở Biển Đông, nơi Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố chủ quyền gần 90% diện tích cũng như đẩy mạnh các hoạt động bồi đắp các đảo nhân tạo phi pháp và quân sự hóa, bất chấp sự phản đối của nhiều quốc gia.

“Ngay sau khi vụ đụng độ ở Galwan nổ ra khiến 20 binh sĩ thiệt mạng, Hải quân Ấn Độ đã điều một trong những tàu chiến ở tiền phương đến Biển Đông nơi Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền phần lớn vùng biển”, ANI dẫn nguồn chính phủ Ấn Độ, nhưng không nêu tên hay loại tàu.

Nguồn tin cho biết, sự điều động tức thời tàu chiến của Hải quân Ấn Độ đến Biển Đông đã có tác động đối với Trung Quốc khi phía Bắc Kinh phàn nàn về động thái này trong các cuộc đàm phán ngoại giao song phương với phía New Delhi.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai ở Biển Đông, nơi Hải quân Mỹ cũng đã triển khai các tàu khu trục và khinh hạm, tàu chiến Ấn Độ đã liên tục duy trì liên lạc với các đối tác Mỹ thông qua hệ thống liên lạc an toàn. Trong thời gian hoạt động trên Biển Đông, tàu chiến Ấn Độ đã trao đổi thông tin qua các kênh bảo mật với tàu chiến Mỹ tại khu vực. Trung Quốc sau đó đã phát hiện sự xuất hiện của tàu chiến Ấn Độ nhưng chỉ thể hiện sự phản đối qua các kênh ngoại giao, nguồn tin của ANI tiết lộ thêm.

Cũng trong thời gian đó, Hải quân Ấn Độ điều các tàu chiến đến eo biển Malacca gần các quần đảo AndamanNicobar, cũng như tuyến hàng hải mà Hải quân Trung Quốc đi vào Ấn Độ Dương, nhằm theo dõi bất cứ hoạt động nào của Hải quân Trung Quốc. Các nguồn tin cho hay Hải quân Ấn Độ có đủ năng lực để theo dõi bất cứ sự bất ngờ nào của kẻ thù ở phía đông lẫn phía tây.

Hải quân Ấn Độ còn có các kế hoạch mua và điều động các tàu ngầm tự hành và các hệ thống, cảm biến khác nhằm theo dõi sự di chuyển của Hải quân Trung Quốc từ eo biển Malacca vào khu vực Ấn Độ Dương, cũng như các tàu của Trung Quốc ở khu vực Djibouti nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, theo ANI.

Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc đã leo thang kể từ sau vụ ẩu đả chết người giữa binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ ở phía đông vùng Ladakh, gần Đường kiểm soát thực tế (LAC) giữa hai nước hôm 15.6 khiến 20 quân nhân Ấn độ thiệt mạng. Cuộc đụng độ đã khiến phong trào “bài Trung” tăng cao tại Ấn Độ. Nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc và đòi tẩy chay hàng hóa Trung Quốc đã diễn ra tại các bang của Ấn Độ. Thậm chí, một số người đã đốt cờ Trung Quốc, đốt ảnh nhà lãnh đạo Trung Quốc và các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất.

Hiện Ấn Độ và Trung Quốc dường như chưa tìm được tiếng nói chung trong việc xử lý khủng hoảng. Vòng đàm phán gần nhất giữa hai bên không có kết quả đột phá nào. Việc chưa giải quyết ổn thỏa xung đột với Ấn Độ đang khiến Trung Quốc gặp nhiều áp lực hơn, đặc biệt ở phương diện kinh tế.

Hoàng Vũ (theo NDTV)

Bài liên quan
Tesla có thể tiến vào thị trường Ấn Độ
Đài CNN đưa tin tỷ phú Elon Musk dự kiến sang Ấn Độ vào tuần tới. Ông sẽ nhân chuyến thăm công bố kế hoạch xây nhà máy Tesla ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn – Bài 4: Giải pháp bền vững
10 giờ trước Bảo vệ môi trường
Để ứng phó với tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt trong mùa khô, nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL đã đưa ra nhiều giải pháp. Tuy nhiên, để thực hiện đồng bộ, hiệu quả, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư lớn.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ đưa tàu chiến đến Biển Đông thách thức Trung Quốc?