Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn nguồn tin tiết lộ giới chức Hồng Kông đã tăng cường tuần tra trên biển nhằm ngăn người vi phạm pháp luật ở đặc khu trốn đến Đài Loan.
Hoạt động tuần tra được tăng cường sau khi xuất hiện thông tin cảnh sát biển Đài Loan cuối tháng trước chặn bắt một chiếc thuyền chở 5 người Hồng Kông -trong đó có 1 người là nhà hoạt động 24 tuổi ở đặc khu bị cáo buộc gây bạo loạn, hành hung cảnh sát, sở hữu vũ khí tấn công; 1 người liên quan đến vụ xâm nhập trụ sở Hội đồng Lập pháp Hồng Kông năm 2019.
Giới chức Đài Loan cho biết thuyền của họ hết nhiên liệu và trôi dạt về phía quần đảo Đông Sa. Hiện 5 người nàyở thành phố Cao Hùng. Văn phòng sự vụ Đại lục tại Đài Bắc (MAC) chưa đưa ra bình luận gì.
Cục An ninh Hồng Kông tuyên bố: “Chúng tôi yêu cầu các nơi khác giữ đúng quan điểm không chứa chấp tội phạm và trao trả cho Hồng Kông. Chính quyền đặc khu sẵn sàng tiếp nhận để xử lý theo pháp luật”.
Vụ việc trên đặt giới chức Đài Loan vào thế khó xử: cho phép 5 người Hồng Kông ở lại làvi phạm luật an ninh mà phía Bắc Kinh áp đặt với đặc khu, dẫn độ họ trở về thì đi ngược lại lập trường chính trị của chính quyền hòn đảo (cam kết giúp đỡ người Hồng Kông nếu cần thiết).
Học giả luật Trương Đạt Minh thuộc Đại học Hồng Kông đánh giá Đài Loan lưỡng lự vì xem đây là vấn đề chính trị thay vì là vấn đề pháp lý. Ông cho biết hoạt động trả người không đòi hỏi bất kỳ thỏa thuận dẫn độ nào giữa hai bên mà chỉ cần một thỏa thuận hành chính.
Trong tuần qua, cảnh sát biển tỉnh Quảng Đông cũng thông báo bắt 12 người Hồng Kông vượt biên phi pháp qua Đài Loan (trong đó có nhà hoạt động dân chủ Andy Li bị cáo buộc rửa tiền và thông đồng với thế lực nước ngoài). Nguồn tin của SCMP nhận định vụ bắt giữ nhằm mục đích răn đe những ai có ý định chạy qua hòn đảo này.
Từ lúc luật an ninh có hiệu lực cho đến nay, lực lượng an ninh Hồng Kông đã tổ chức ít nhất 3 đợt bắt giữ nhắm đến người biểu tình phản đối chính quyền, nhà hoạt động dân chủ lẫn “ông trùm” truyền thông sở hữu tờ báo ủng hộ phe đòi dân chủ.
Cẩm Bình (theo SCMP)