Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, việc kỳ thị đồng tính sẽ khiến cho nền kinh tế của một quốc gia bị thiệt hại. Cụ thể, Ấn Độ bị thất thoát khoảng 30,8 tỷ USD mỗi năm và đó là hậu quả của sự phân biệt đối xử cộng đồng LGBT (đồng tính nam – nữ, song tính và chuyển giới).
Theo chuyên gia nghiên cứu kinh tế M.V.Lee Badgett đến từ Viện Williams của Đại học California, các tác động của việc kỳ thị người LGBT bao gồm:
1. Kỳ thị trong học đường và tại nơi làm việc sẽ khiến người LGBT thụ hưởng mức lương thấp hơn và do đó tiền thuế nộp vào ngân sách cũng sẽ tụt giảm.
2. Tỉ lệ nghèo khổ của người LGBT cao hơn do thu nhập thấp đồng nghĩa với việc chính phủ phải gia tăng chi tiêu vào các chương trình trợ cấp xã hội.
3. Sự kỳ thị còn ảnh hưởng đến sức khỏe của người LGBT, làm gia tăng tỉ lệ trầm cảm, tự tử và lây nhiễm HIV. Những hậu quả này sẽ đặt gánh nặng vào các chương trình chăm sóc sức khỏe và y tế của nhà nước.
Trong một cuộc phỏng vấn với Tờ Wall Street Journal, bà Badgett cho biết nghiên cứu kể trên có thể được áp dụng ở bất kỳ quốc gia nào còn tồn tại các chính sách phân biệt đối xử với người LGBT. Sở dĩ bà chọn Ấn Độ bởi vì nước này có các số liệu kinh tế sẵn có do các Tổ chức làm về quyền của người LGBT thực hiện trước đây. "Ngay cả ở các quốc gia có hệ thống luật pháp thật sự bình đẳng, bạn vẫn có thể bị phân biệt đối xử. Đối với tôi, biện pháp giải quyết là mỗi nước cần phải tự đề ra các khoản chi tiêu vào mục đích chống lại nạn kỳ thị người đồng tính và chuyển giới", Bà Badgett cho biết
Đầu năm nay, Tòa án Tối cao Ấn Độ đã ra quyết định hồi phục luật cấm quan hệ tình dục đồng tính có từ thời chính quyền thực dân Anh. Phán quyết đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động quyền LGBT cũng như chính Đảng cầm quyền ở quốc gia này. Tòa án cho biết bất kể ai vi phạm lệnh cấm có thể bị phạt tù lên đến 10 năm. Chính phủ Ấn Độ và 7 nhóm hoạt động nhân quyền đã đệ trình lời kêu gọi Tòa án đình chỉ phán quyết của mình.
Dựa trên các dữ liệu sẵn có, bà Gadgett ước tính rằng cùng một công việc và vị trí thì người LGBT sẽ bị trả lương thấp hơn 10% so với những người dị tính.
|
Một người chuyển giới biểu tình phản đối sau phán quyết của Tòa án Ấn Độ |
Bên cạnh đó, bà Badgett còn đề cập đến những bất bình đẳng trong chăm sóc y tế giữa người LGBT và người dị tính. Dựa trên tỉ lệ trầm cảm, suy nghĩ tự tử và tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS của trong cộng đồng LGBT, bà đã đưa ra các tính toán về những thiệt hại trong sản xuất kinh tế do các vấn đề sức khỏe trên gây ra.
Bà Badgett nhận xét nhiều khả năng trên thực tế con số thiệt hại tính trên GDP của Ấn Độ sẽ còn cao hơn rất nhiều. Bởi vì các dữ liệu nghiên cứu vẫn còn thiếu các tác động của sự kỳ thị đối với những thành viên khác trong gia đình của người LGBT. Họ cũng là những người chịu ảnh hưởng gián tiếp hoặc trực tiếp của các hành động phân biệt đối xử. "Đây chỉ mới là phần nổi của tảng băng", Bà Badgett phát biểu trong phần công bố kết quả nghiên cứu đến Ngân hàng Thế Giới vào tháng 3.2014.
Ở Mỹ, có rất nhiều bằng chứng cho thấy việc chấp nhận cộng đồng LGBT sẽ giúp cho nền kinh tế phát triển tốt hơn. Chẳng hạn ngân sách của một tiểu bang đã tăng lên hàng trăm triệu đô-la sau khi tiểu bang này thừa nhận hôn nhân đồng giới. Hay chỉ một năm sau khi bang New York thông qua Đạo luật Hôn nhân Bình đẳng, sự bùng nổ của ngành ‘công nghiệp lễ cưới’ chỉ tính riêng thành phố New York đã đem lại tổng doanh thu lên đến 259 triệu đô-la. Bà Badgett khẳng định nếu sự kỳ thị cộng đồng LGBT còn tiếp diễn chắn chắc sẽ gây thiệt hại lớn cho nước Mỹ trên nhiều mặt.
Bà đề xuất một số sự thay đổi trong chính sách liên bang mà sẽ giúp làm gia tăng các lợi ích kinh tế đến từ những người LGBT, trong đó bao gồm việc ban hành các đạo luật chống phân biệt đối xử cấp liên bang. Điều đó sẽ tạo ra một môi trường học tập và làm việc tích cực để những người LGBT có thể cảm thấy tự do cống hiến cho quốc gia.
Tuy nhiên, bà Badgett cũng cảnh báo: "Ngay cả khi nếu bạn có các chính sách tốt nhất trên thế giới, bạn vẫn có thể phải đối mặt với những kỳ thị hoặc những thái độ thiếu tích cực từ một bộ phận của xã hội. Vấn đề này đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta và không dễ gì có thể loại bỏ ngay lập tức chỉ bằng một sự thay đổi chính sách".
Anh Khang (Theo Huffington Post)