Sau khi bán và tặng hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 cho nước ngoài, Ấn Độ nay lâm vào cảnh thiếu vắc xin tiêm cho người dân nước mình.

Ấn Độ thiếu vắc xin COVID-19, thế giới lo lắng

Cẩm Bình | 16/04/2021, 10:05

Sau khi bán và tặng hàng chục triệu liều vắc xin COVID-19 cho nước ngoài, Ấn Độ nay lâm vào cảnh thiếu vắc xin tiêm cho người dân nước mình.

Trong ngày 15.4, Ấn Độ lần đầu tiên ghi nhận đến hơn 200.000 ca nhiễm/ngày. Số ca nhiễm tăng vọt khiến bệnh viện lại quá tải và giới chức quốc gia Nam Á phải áp dụng giới nghiêm tại thủ đô New Delhi kể từ ngày 17.4.

Nước này đang cố đẩy mạnh chủng ngừa bằng vắc xin sản xuất trong nước. Bất ngờ hơn, họ vừa thay đổi quy định giúp cho phép nhập khẩu vắc xin nhanh chóng hơn mặc dù trước đó từng từ chối hãng sãn xuất nước ngoài (như Pfizer). Ấn Độ sẽ nhập khẩu vắc xin Nga Sputnik V từ tháng này để tiêm cho 125 triệu người.

nz_chennai_160453.jpg
Tình hình dịch bệnh tại Ấn Độ diễn biến xấu - Ảnh: Straits Times

Tình thế đảo ngược ở Ấn Độ cản trở cuộc chiến chống dịch của không chỉ nước này mà còn của cả thế giới. Chương trình COVAX với mục tiêu đảm bảo mọi quốc gia được tiếp cận vắc xin COVID-19 công bằng phụ thuộc rất lớn vào nguồn cung Ấn Độ, nhưng đến nay họ chỉ mới xuất khẩu thêm 1,2 triệu liều – thua xa 64 triệu liều cung cấp ra nước ngoài giai đoạn cuối tháng 1 đến tháng 3.

Tuần trước, Bộ Ngoại giao Ấn Độ - đơn vị giám sát hoạt động cung cấp vắc xin cho nước ngoài - tuyên bố nhu cầu nội địa quyết định mức xuất khẩu. Một quan chức Liên hợp quốc tham gia nỗ lực phân phối vắc xin ở châu Phi cho biết: “Quá phụ thuộc một quốc gia sản xuất rất đáng ngại”.

Giám đốc Trung tâm Kiểm soát - Phòng ngừa dịch bệnh châu Phi (thuộc Liên minh châu Phi) John Nkengasong nhận xét chậm trễ trong cung cấp vắc xin là một thảm họa.

106825762-1610931755395-gettyimages-1230633280.jpg
Nhu cầu nội địa quyết định mức xuất khẩu vắc xin của Ấn Độ - Ảnh: Getty Images

Theo 4 nguồn tin biết về những cuộc thảo luận cung cấp vắc xin, yếu tố gây nên tình trạng khó khăn hiện tại gồm: Ấn Độ và COVAX đặt hàng chậm trễ, thiếu đầu tư cho năng lực sản xuất, thiếu nguyên liệu, đánh giá thấp nguy cơ tái bùng phát dịch tại Ấn.

Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII, nhà sản xuất vắc xin lớn nhất thế giới) cam kết cung cấp ít nhất 2 tỷ liều cho quốc gia thu nhập thấp và trung bình – trong đó 1 tỷ liều sẽ được giao trước cuối năm nay. Tuy nhiên đơn vị này đang chịu áp lực giao đủ hàng cho một số nước như Anh, Canada, Ả Rập Saudi.

Mỹ thì lại hạn chế xuất thiết bị cùng nguyên liệu sản xuất vắc xin, làm SII không thể đạt mục tiêu tăng sản lượng tháng từ 70 triệu liều lên 100 triệu liều.

Một trở ngại nữa mà SII gặp phải là giới chức Ấn do dự đặt hàng. Chính quyền New Deldi mất hàng tháng trời thảo luận giá bán mỗi liều vắc xin và chỉ đặt mua vào khoảng 2 tuần sau khi cơ quan quản lý dược phẩm phê duyệt sử dụng vắc xin của AstraZeneca, nguồn tin tiết lộ.

Ngoài ra, SII hiện đã hết kho trữ hàng. Phía giới chức Ấn đến bây giờ vẫn chỉ thực hiện giao dịch mua đột xuất thay vì chấp nhận thỏa thuận mua dài hạn có lộ trình, chính quyền chưa hỗ trợ gì cho SII tăng năng lực sản xuất.

COVAX cũng không cung cấp sản phẩm của AstraZeneca trước khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt loại vắc xin này vào giữa tháng 2, nghĩa là lượng hàng SII trữ từ tháng 10 năm ngoái đến tháng 2 không được phân phối.

Liên minh vắc xin toàn cầu (GAVI, đồng khởi xướng COVAX) bảo vệ quyết định chờ WHO phê duyệt mới cung cấp vắc xin. Họ thừa nhận hiện tại phải tiếp tục phụ thuộc vào Ấn Độ trong lúc nỗ lực tìm nhà sản xuất khác.

Là nơi đặt nhà máy của nhiều đơn vị sản xuất, Ấn Độ cung cấp đến 60% lượng vắc xin toàn cầu. Thời gian qua quốc gia Nam Á gửi tặng hàng chục triệu liều cho Bangladesh, Nepal, Campuchia,… đồng thời tham gia mạnh mẽ sáng kiến COVAX.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’
một giờ trước Khoa học - công nghệ
Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ấn Độ thiếu vắc xin COVID-19, thế giới lo lắng