Chính phủ Ấn Độ đã yêu cầu các nhà mạng viễn thông nước này tìm cách chặn các ứng dụng nhắn tin OTT như Facebook, WhatsApp...
Chính phủ Ấn Độ thực hiện bước đi này, sau khi những ứng dụng OTT - viết tắt từ Over-the-top, thuật ngữ chỉ những dữ liệu được cung cấp trên nền tảng Internet nhưng không một nhà cung cấp mạng hay bất kỳ tổ chức nào có thể can thiệp tới - bị lạm dụng phát tán tin giả, gây hậu quả nghiêm trọng.
Cụ thể, trong một bức thư hồi tháng 7 được Cục Viễn thông thuộc Bộ Truyền thông Ấn Độ gửi cho các nhà mạng viễn thông, mạng di động và ngành công nghiệp Internet đã đề cập đến việc những đơn vị này phải tìm cách để chặn Facebook, WhatsApp, Instagram và Telegram khi cần thiết.
Theo một quan chức của Cục Viễn thông nói với Reuters thì cơ quan giám sát truyền thông này đang tìm cách chặn những ứng dụng OTT trong "tình huống khẩn cấp".
Reuters cho hay cả Facebook (cũng là chủ WhatsApp và Instagram) và Telegram đều không đưa ra lời bình luận nào liên quan đến thông tin trên. Cục Viễn thông Ấn Độ cũng không bình luận, hay bác bỏ gì thông tin này.
Theo CNet, yêu cầu được đưa ra sau khi một loạt cuộc tấn công chết người tại Ấn Độ, xuất phát từ những thông tin sai trên WhatsApp. Hôm 1.7, 5 người đã bị đám đông dân làng giết chết ở thành phố Dhule, sau khi có tin đồn rằng họ bắt cóc trẻ em. Ít nhất 12 người đã bị bắt trong vụ việc vì tội giết người.
Hồi tháng trước, WhatsApp đã có những bước đi để chống lại các tin đồn thất thiệt trên nền tảng của họ bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận của những tin nhắn được chia sẻ mà chưa được kiểm chứng. Ấn Độ là thị trường lớn nhất của WhatsApp, đất nước tỉ dân này có tới 200 triệu người dùng ứng dụng này.
Thiên Hà (theo Cnet)