Ở xã Kiến An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, hiện còn tồn tại 2 bãi chứa cát lớn mà người dân nghi do hoạt động khai thác cát lậu tập kết lại đây. Dân nói chẳng hiểu sao đã 6 lần bắt quả tang khai thác cát lậu nhưng đến giờ vẫn ngang nhiên tồn tại và thách thức dư luận. Chính quyền thì phủ nhận chuyện từng bắt quả tang.

An Giang: 2 bãi chứa cát nghi khai thác lậu khiến dân địa phương bức xúc

10/04/2020, 11:09

Ở xã Kiến An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, hiện còn tồn tại 2 bãi chứa cát lớn mà người dân nghi do hoạt động khai thác cát lậu tập kết lại đây. Dân nói chẳng hiểu sao đã 6 lần bắt quả tang khai thác cát lậu nhưng đến giờ vẫn ngang nhiên tồn tại và thách thức dư luận. Chính quyền thì phủ nhận chuyện từng bắt quả tang.

Một bãi tập kết cát nằm cạnh bờ sông Vàm Nao rộng chừng 500 m2 - Ảnh: Tô Văn

Hết lở rồi bồi và nguy cơ… lở tiếp

Ông Nguyễn Tấn Tước (83 tuổi, ngụ ấp Long Thượng, xã Kiến An, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang), cho biết, mấy ngày nay hầu như ngày nào cũng có bà con nhân dân trong ấp kéo đến nhà ông bày tỏ bức xúc về việc tồn tại của 2 bãi cát to đùng ở ấp này. Bởi ông đã từng làm Chủ tịch UBND xã Kiến An và hiện nay là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh và Người cao tuổi xã Kiến An nên được nhân dân tin tưởng, gửi gắm nguyện vọng.

Ông Tước kể, nhà ông và đông đảo nhân dân ở ấp Long Thượng nằm trên cồn Chủ Quân, nơi có ngã ba sông Vàm Nao tiếp giáp với 1 nhánh con sông Tiền và gần bến phà Thuận Giang cũ. Gia đình ông đã sinh sống ở đây 3 đời. Ông bà của ông để lại phần đất 3 héc-ta ở cồn Chủ Quân nhưng đến giờ ông chỉ còn sử dụng được 0,3 héc-ta. Phần đất còn lại đều đã bị “hà bá” nuốt mất. Vì vậy mà ông rất rành về vấn nạn sạt lở đất bờ sông ở vùng này.

Bãi sau nằm nhánh sông Tiền cùng với các dụng cụ lấy cát giống như người dân mô tả. Chỉ có điều máy móc không hoạt động - Ảnh: Tô Văn

Ông Tước cho hay, nhiều thập kỷ trước, vùng đầu cù lao Chủ Quân thuộc ấp Long Thượng là nơi xảy ra nạn sạt lở đất bờ sông Vàm Nao nghiêm trọng. Đất đai, cây trồng của dân khi ấy bị chìm xuống đáy sông. Có biết bao hộ dân phải tháo dỡ nhà đi nơi khác. Phần lớn dân chúng được đưa vào khu dân cư ở, tránh sạt lở. Ông và nhiều hộ còn ở lại vì nằm hơi xa vùng sạt lở nguy hiểm. Sau nhiều năm lở hoành hành thì ở ngã ba sông Vàm Nao nối với nhánh sông Tiền giảm sạt lở. Rồi sau đó đất lòng sông bồi lắng và cạn dần. Nhánh sông Tiền đoạn qua ấp Long Thượng có lúc cạn đến nổi ghe chạy cạn lườn.

Một chiếc sà lan bơm cát neo đậu nhưng không hoạt động - Ảnh: Tô Văn

Theo ông Tước, vào khoảng tháng 10.2019, bỗng dưng ở cồn Chủ Quân mọc lên 2 bãi chứa cát. Theo tìm hiểu của người dân thì 2 bãi này là của ông Lâm Văn K. (xã Long Điền A, H.Chợ Mới, tỉnh An Giang). Ông K. thuê đất của ông Trần Cao Th. (nguyên Phó chủ tịch UBND xã Kiến An) và của gia đình bà Lý Thị Kim C. (thư ký Công an xã Kiến An) để lập nên 2 bãi chứa cát. Một bãi nằm cạnh bờ sông Vàm Nao. Bãi còn lại cạnh bờ nhánh sông Tiền. 2 bãi chứa cát ấy đều nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở nguy hiểm.

Theo người dân ở ấp Long Thượng, ở 2 bãi chứa cát, ghe và sà lan neo đậu sẵn cạnh bờ sông. Hễ vào ngày thuận lợi như không có đoàn kiểm tra hay lễ, thì ghe và sà lan trang bị máy bơm hút cùng nhiều ống dẫn sẵn sàng hút cát từ đáy sông lên bãi chứa. Rồi cũng những chiếc ghe và sà lan đó hút cát từ bãi chứa xuống ghe và sà lan để chở đi. Do vậy mà 2 bãi chứa này cứ đầy rồi vơi và lại đầy theo thời gian.

Nhiều ống dẫn to đùng rất dài đặt sẵn trên bãi chứa ra tới mép sông - Ảnh: Tô Văn

“Đây là vùng sạt lở nên chẳng chính quyền nào cấp phép cho ông K. khai thác mỏ cát. Do đó, hễ thấy ghe và sà lan hút cát từ dưới sông lên bãi là biết ngay họ hút cát lậu. Ban đêm họ hút nhiều hơn ban ngày và như thách thức pháp luật. Bởi việc bắt quả tang rất khó. Nó ngụy trang như kiểu chỉ có hút cát từ bãi chứa xuống ghe thôi chứ không hút cát từ dưới sông lên bãi, nhằm qua mắt người dân với các lực lượng chức năng”, 1 người nói.

Ông Tước bức xúc: “Từ khi có 2 bãi chứa đó thì người dân thấy nó cho ghe hút cát từ dưới sông thổi lên bãi. Người dân báo tui và tui báo công an, bí thư xã để phối hợp bắt. Người dân đã cùng cán bộ bắt quả tang ghe của nó hút cát dưới sông lên nhiều lần nhưng tới giờ vẫn tồn tại. Từ chỗ sông cạn ghe chạy dính lườn, nó hút cát riết mà giờ ghe tàu chạy khỏe re. Sắp tới sạt lở đất đai, nhà cửa của dân thì ai chịu trách nhiệm?”.

Thách thức dư luận, dân chúng bức xúc

Ông Tước còn cho biết, hễ người dân phát hiện việc khai thác cát đáy sông trái phép của nhân công ông K. thì liền báo đến chính quyền. Khi đó thì ông K. cho “lính” ngưng làm. Bởi ca nô của lực lượng CSGT đường thủy cách đó hơi xa nên vừa nổ máy là nhân công của ông K. báo động và ngưng hút cát. Do đó việc bắt quả tang hành vi vi phạm của ông K. rất khó. Mặc dù người dân lúc nào cũng chuẩn bị sẵn ghe xuồng cho lực lượng chức năng mượn đi bắt khai thác cát lậu.

Anh Tùng chỉ chỗ các ghe hút cát từ dưới sông thổi lên bãi chứa - Ảnh: Tô Văn

“Từ năm 2019 đến nay, người dân đã cùng Công an xã Kiến An bắt quả tang ghe, sà lan của thằng K. 6 lần. Bắt 6 lần như vậy mà hổng biết phạt làm sao không bằng gãi ngứa cho nó. Nó còn tuyên bố với dân là phạt vậy nhằm gì. Công an nó cũng chẳng sợ. Khoảng ngày 15.3 vừa rồi, ấp và xã có mời thằng K. đến ấp làm việc. Lúc đó nó ký cam kết là không hút cát dưới sông nữa. Nhưng sau đó, người dân thấy nó hút còn nhiều gấp 3-4 lần so với trước. Thằng này quá ngoan cố! Hổng biết nó dựa vào ai mà làm dữ thần vậy trời?”, ông Tước nói trong căm giận.

Ông Tước và anh Tùng bức xúc trình bày với PV - Ảnh: Tô Văn

Ông Tước còn nói thêm, nếu tình trạng hút cát dưới đáy sông mà người dân từng thấy để chứa ở 2 bãi cát của ông K. kéo dài thì sạt lở là khó tránh khỏi. Khi đó, ngoài chuyện hàng chục hộ dân sống ở cồn Chủ Quân bị ảnh hưởng còn đe dọa đến con đường giao thông nông thôn có nơi cách bờ sông chỉ chừng 20 mét. Nhà máy tưới tiêu phục vụ sản xuất hoa màu của dân trong xã cũng bị đe dọa. Do sự hống hách, ngang nhiên và xem thường pháp luật của ông K. và hút cát đáy sông ngày càng nhiều hơn mà người dân trong ấp Long Thượng cực kỳ bức bách.

“Gần đây, người dân lại thấy ghe và sà lan của thằng K. hút cát dưới sông nên thường kéo đến nhà tui đòi cùng nhau kéo đến huyện và tỉnh bày tỏ quan điểm. Nhưng tui là người có 30-40 năm tuổi Đảng nên khuyên bà con tránh làm quá lùm xùm. Tui đang soạn đơn để gửi đến chính quyền kiến nghị xử lý nghiêm thằng K.”, ông Tước chia sẻ.

Lá đơn thưa vụ 2 bãi chứa cát nghi hút lậu của các hộ dân - Ảnh: Tô Văn

Anh Dương Văn Tùng (48 tuổi, ngụ ấp Long Thượng) cho biết, lúc nào ở 2 bãi chứa cát của ông K. cũng có 2 chiếc ghe đậu cặp kè nhau, rồi sà lan cũng đậu sẵn. Hễ êm xuôi thì các ghe này hút cát từ dưới sông thổi lên bãi chứa. Còn khi nào có động tĩnh thì họ cho hút cát từ bãi chứa xuống ghe và chở đi. Trong 1 tháng, người dân thấy ghe và sà lan của ông K. hút cát dưới sông lên khoảng 20 lần. Và ban đêm thì họ hoạt động nhiều hơn ban ngày. Bà con nhân dân ở đây rất bức xúc và lo âu vì sợ sạt lở xảy ra.

“Do ghe và sà lan của thằng K. hút cát dưới sông dân thấy thường xuyên nên cứ báo tin đến tui. Có khi giữa khuya họ cũng gọi điện báo. Nghe tin thì báo đến chính quyền. Làm riết mà vợ tui mất ngủ. Ông Bí thư và Trưởng Công an xã Kiến An cũng khổ với thằng này lắm, vì bắt nó rất khó. Ông nào cho nó khai thác thì ông đó chịu trách nhiệm”, ông Tước bày tỏ.

Hai bãi chứa cát nghi hút lậu nằm trong khu vực sạt lở nguy hiểm - Ảnh: Tô Văn

Khi PV đến 2 bãi chứa cát được người dân nói là của ông K., nhận thấy cát đã bị lấy đi một phần, còn lại nhiều cát nằm trong những bãi chứa, mỗi bãi rộng khoảng chừng 500 m2. Ghe và sà lan neo đậu sẵn, cùng với các dụng cụ giống như người dân mô tả, chỉ có điều không hoạt động. Ông Nguyễn Thành Trung, Chủ tịch UBND xã Kiến An, khẳng định: “Không có việc bắt quả tang ông K. 6 lần. Nhưng do dân không đồng tình nên sắp tới chúng tôi sẽ quyết tâm dẹp bỏ 2 bãi cát đó. Khả năng trong tháng 4 này sẽ dẹp”.

Ông Nguyễn Phước Tài, Phó trưởng Phòng TN-MT H.Chợ Mới, tỉnh An Giang, cho biết, ông Lâm Văn K. không được cấp phép khai thác mỏ cát nào. Ông K. chỉ có giấy phép mở 1 bãi tập kết vật liệu xây dựng ở ấp Long Thượng. Bãi còn lại thì ông không biết và sẽ cho kiểm tra để xử lý. Từ trước đến giờ chưa phát hiện ông K. khai thác cát trái phép lần nào.

Tô Văn

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
ĐBSCL khát khô giữa mùa hạn - Bài 3: Nỗ lực giải cơn 'khát' cho từng nhà
4 giờ trước Bảo vệ môi trường
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt đang diễn ra gay gắt tại nhiều tỉnh thành vùng ĐBSCL. Để giúp người dân có nước ngọt phục vụ cho sinh hoạt, ăn uống, bằng nhiều cách, lãnh đạo các địa phương đã rất nỗ lực đưa nước sạch đến tận nơi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: 2 bãi chứa cát nghi khai thác lậu khiến dân địa phương bức xúc