Theo nhận định ban đầu của cơ quan chức năng, hiện tượng cá nổi đầu và chết là do mực nước trên sông Cái Vừng xuống thấp, kết hợp dòng chảy yếu tạo nên hiện tượng thiếu oxy cục bộ.
Theo cơ quan chức năng tỉnh An Giang, tính đến chiều 6.2, tại khu vực nuôi cá bè trên sông Cái Vừng (thuộc P.Long Sơn, TX.Tân Châu và xã Long Hòa, H.Phú Tân), đã có 27 hộ nuôi báo hiện tượng cá nổi đầu và chết với tổng sản lượng thiệt hại là 25,31 tấn cá các loại như: chép giòn, lăng, he, điêu hồng, rô phi... Trước mắt, một số hộ nuôi đã di dời bè nuôi cá qua hướng sông Tiền (thuộc tỉnh Đồng Tháp), nhằm tránh thiệt hại, bởi họ nghi ngờ do nguồn nước.
Và sáng 7.2, thông tin từ Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT tỉnh An Giang), cho biết, hiện tượng cá nổi đầu và chết hàng loạt xảy ra trong 2 ngày 5 và 6.2, tại khu vực này. Trong quá trình quan trắc, đoàn phát hiện ngoài khu vực cá nuôi bè có hiện tượng chết từ Km số 3,5 đến Km số 10 thuộc địa bàn P.Long Sơn, TX.Tân Châu và xã Long Hòa, H.Phú Tân (tỉnh An Giang) thì các hộ nuôi cá ở những khu vực khác trên sông Cái Vừng không phát hiện cá chết.
Kết quả test nhanh thông số tại hiện trường cho thấy nồng độ oxy hoà tan trong nước (DO) tại khu vực cá nuôi bè bị chết rất thấp, dao động từ khoảng 0,5 đến 1,0 mg/l (thấp hơn nhiều lần so với mức tối thiểu oxy cho phép trong cho nuôi trồng thuỷ sản DO ≥ 4 mg/l - theo QCVN 38:2011/BTNMT Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt bảo vệ đời sống thuỷ sinh) vào thời điểm nước đứng; vào buổi trưa khi nước chảy thì nồng độ oxy hoà tan tăng lên.
Hiện tượng cá nổi đầu và chết bắt đầu xuất hiện vào khoảng 3 giờ sáng 5.2. Sau khi nhận tin báo, cơ quan chức năng đã tiến hành khảo sát, nắm tình hình các hộ nuôi cá bè bị thiệt hại. Hướng dẫn người dân các biện pháp khắc phục tạm thời như dùng máy sục khí oxy, rải oxy hạt, vớt bỏ số cá chết trên các bè. Đồng thời vận động người dân tìm biện pháp di dời bè sang khu vực khác để hạn chế tình trạng cá nổi đầu và chết, nhanh chóng bán cá thương phẩm để giảm thiệt hại.
Thanh Trần