Mấy ngày nay, cư dân ở TT.Ba Chúc, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang xôn xao bàn tán khi nghe thông tin sẽ mang 1.159 bộ hài cốt ở nhà mồ tập thể ra tiêu hủy. Nhiều người có thân nhân bị Khơme Đỏ giết hại phản đối kịch liệt, vì cho rằng không nên khơi thêm nỗi đau vốn đã lắng vào quá khứ.

An Giang: Định thiêu hủy 1.159 bộ hài cốt nạn nhân bị Pôn Pốt tàn sát?

Thanh Tuấn | 09/05/2019, 11:28

Mấy ngày nay, cư dân ở TT.Ba Chúc, H.Tri Tôn, tỉnh An Giang xôn xao bàn tán khi nghe thông tin sẽ mang 1.159 bộ hài cốt ở nhà mồ tập thể ra tiêu hủy. Nhiều người có thân nhân bị Khơme Đỏ giết hại phản đối kịch liệt, vì cho rằng không nên khơi thêm nỗi đau vốn đã lắng vào quá khứ.

Dân tình bức bách và kịch liệt phản đối

Từ mấy tháng trước, người dân ở TT.Ba Chúc nghe phong thanh chuyện sẽ mang 1.159 bộ hài cốt đang trưng bày ở Nhà mồ Ba Chúc ra tiêu hủy. Người ta bàn tán xôn xao trước những thông tin này. Bởi họ cho rằng, đó là chứng tích lịch sử chứng minh tội ác tày trời của tập đoàn diệt chủng Pôn Pốt, không thể xóa bỏ được.

Bà Nguyễn Thị Tám (86 tuổi, ngụ khóm Thanh Lương, TT.Ba Chúc) cho biết, hơn 10 năm nay do chứng đau khớp khiến bà ngồi một chỗ. Nhưng khi nghe thông tin có người đòi mang những bộ hài cốt ở nhà mồ tập thể ra tiêu hủy bà muốn... nhảy nhỏm. Bởi chỉ có những người từng chứng kiến hay thân nhân của những người đã chết trong trận thảm sát do Pôn Pốt gây ra năm 1978 mới thấu hiểu nỗi đau này.

Bà Tám khóc khi kể về những người bị thảm sát - Ảnh: Thanh Vĩnh

Bà Tám kể, quê bà ở tỉnh Hậu Giang. Khoảng năm 1975 bà lên vùng núi Tượng (xã Ba Chúc cũ) quy y theo đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa. Bà sống cùng người bạn nữ không chồng và làm nghề thợ may ở đây. Khi giặc Pôn Pốt tràn đến vùng Ba Chúc, bà theo người bạn chạy tản về Cần Thơ. Trong 12 ngày (từ 18 đến 30.4.1978), Pôn Pốt đã giết chết 3.157 thường dân ở Ba Chúc.

Khi giặc lắng, khoảng tháng 5 - 6 của năm 1978, bà cùng người bạn và nhiều người khác quay lại Ba Chúc để lượm lặt, thu gom những bộ hài cốt bị Pôn Pốt thảm sát. Bà Tám nhớ lại: “Chồng tôi là ông Nguyễn Văn Kỉnh, nhà ở khóm Thanh Lương. Ổng có vợ trước được 4 người con gái và 4 đứa cháu ngoại, bị Pôn Pốt giết sạch.

Khi Pôn Pốt lắng yên, tôi và nhiều người xúm đến ở nhà ông Kỉnh, ăn cơm sáng rồi kéo nhau đến chùa Phi Lai, Tam Bửu và ra đồng ruộng nhặt xương, sọ đầu… người chết. Thời ấy giặc đốt sạch nên thiếu ăn dữ lắm. Hầu hết bà con nhặt gạo cháy, hay cơm thừa của quân đội về nấu ăn lại”.

Thời đó đau thương lắm! Hầu hết xác chết đã sình thối và phân hủy nên chỉ còn trơ lại xương. Bà Tám cùng nhiều người lượm từng cái xương ống chân, ống tay, hộp sọ. Tới mắc lóng tay còn lượm, rồi đem xuống kênh rửa sạch, gom về một chỗ mới có đống xương ở nhà mồ tập thể như bây giờ. Ngày nào bà cũng thấy ông Kỉnh bới từng chén cơm nấu bằng gạo cháy ít ỏi để lên bàn thờ cúng mà khóc nức nở.

“Ổng kể khi Pôn Pốt sắp xả súng vào đám đông người khi dồn vào chùa Tam Bửu, ổng giả vờ ngã chết trước. Có hàng chục xác đè lên người ổng. Khi Pôn Pốt đi khỏi, ổng vẹt xác chết ngoi lên, bò đi mà cả người dính máu. Ban đêm ổng bò đến chỗ người còn sống tụ về núi Dài, người ta cứ ngỡ ổng là… ma hiện hồn. Thấy hoàn cảnh ổng vậy nên tui mới ưng và thành vợ sau của ổng”, bà Tám tâm sự.

Bia nhà mồ Ba Chúc - Ảnh: Thanh Vĩnh

Bà Tám bày tỏ, có biết bao nhiêu đau thương mất mát và kỷ niệm gắn với trận thảm sát này. Do vậy, “thủ tiêu” đống xương đó ở nhà mồ là che lấp tội ác của bọn Khơme Đỏ. Bà muốn trước đây trưng cất thế nào thì bây giờ giữ y như vậy. Bởi về tâm linh thì những người đã chết được gửi vào chùa yên tĩnh, không nên xới lại nỗi đau của người còn sống có thân nhân bị giết hại thêm lần nữa bằng hỏa táng hay chôn. Nhà mồ Ba Chúc trở thành di tích lịch sử, góp phần nuôi dưỡng biết bao hoàn cảnh khó khăn ở vùng này.

“Đem đống xương ở Nhà mồ Ba Chúc ra thiêu đốt hay chôn cất khiến thân nhân những người chết thêm một lần đau khổ, chạnh lòng. Ký ức đau khổ này không thể nào xóa được dù đống xương ấy có còn hay không. Nhưng nếu giữ lại thì sau này con cháu người chết còn thấy được hài cốt, còn có nơi cúng kiến, nhớ về ông bà của họ. Chúng tôi phản đối chuyện mang hài cốt ở nhà mồ tập thể ra tiêu hủy”, bà Nguyễn Thị Yến (72 tuổi, người có 12 người thân chết do Khơme Đỏ giết) nói.

Không tư cách và thẩm quyền vẫn bàn tính?

Ông Võ Văn Dễ (63 tuổi, ngụ khóm An Định A, TT.Ba Chúc) cho biết, ông có 72 người thân cả bên ngoại, bên nội, bên chồng, bên vợ bị Pôn Pốt tàn sát. Ông nghe Trưởng Gánh (cấp cơ sở của tổ chức tín ngưỡng Tứ Ân Hiếu Nghĩa), đi họp về báo lại sắp tới người ta sẽ mang những hài cốt ở nhà mồ này ra thiêu đốt hoặc chôn cất. Ý của ông và nhiều bà con là giữ nguyên hiện trạng trưng bày xương cốt như hiện nay. Bởi đem ra đốt hay chôn làm xáo trộn thêm vong linh người chết lần nữa, rất đau lòng!

“Cực khổ lắm bà con mới gom được đống xương đó về nhà mồ. Gìn giữ nó hơn 40 năm nay có ảnh hưởng gì đến môi trường chung quanh đâu mà phải đem đốt hay chôn? Nếu ai đem những hài cốt này đốt hoặc chôn là chúng tôi kéo đi biểu tình”, ông Dễ bức bách.

Nhà mồ Ba Chúc cách điệu hình hoa sen trắng - Ảnh: Thanh Vĩnh

Anh Lê Văn Đạt (43 tuổi) cho biết, do nghe phong thanh chuyện mang những bộ hài cốt ở Nhà mồ Ba Chúc ra tiêu hủy nên anh bức xúc. Từ đó anh làm đơn gởi đến Ban đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa nhằm làm rõ vấn đề này. Ngày 27.4, anh được nơi đây mời làm việc. Nội dung biên bản làm việc ngày 27.4 thể hiện, Ban đại diện Đạo hội Tứ Ân Hiếu Nghĩa (đóng tại khu vực chùa Phi Lai và chùa Tam Bửu) cho rằng, chính nơi đây đã tổ chức họp với các Trưởng Gánh, về việc xử lý hài cốt nhà mồ tập thể.

Qua tham khảo ý kiến các vị chức sắc, chức việc thì có 2 ý kiến đề xuất thổ táng (tức chôn), 1 ý kiến đề xuất hỏa táng (hỏa thiêu, đốt) và 1 ý kiến giữ nguyên hiện trạng. Tại buổi làm việc anh Đạt đề nghị Đạo hội và Nhà nước họp dân lấy ý kiến về việc xử lý hài cốt ở nhà mồ tập thể.

Ông Nguyễn Ngọc Trác (Trưởng Ban Đại diện đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa) cho rằng, các cuộc họp trước đây chỉ là tham khảo ý kiến của các vị Trưởng Gánh. Sau này sẽ đưa ra dân và thân bằng đồng đạo họp tham khảo ý kiến về cách xử lý hài cốt ở nhà mồ tập thể…

Anh Đạt cho rằng, nhà mồ Ba Chúc đã được công nhận di tích lịch sử quốc gia nên việc xử lý hài cốt phải do Nhà nước cấp Trung ương quyết định. Hơn nữa, nhà mồ này hiện đã giao về cho chính quyền quản lý nên Ban Đại diện đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa không có tư cách và thẩm quyền quyết định chuyện đốt hay chôn những hài cốt này.

Ông Nguyễn Ngọc Trác - Trưởng Ban Đại diện đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, cho biết, Nhà mồ Ba Chúc do báo chí phản ánh thiết kế chưa phù hợp. Có người nói nó hình củ tỏi, trái bần. Chuyện sắp xếp xương cũng không phù hợp, mưa thấm ướt… Vì vậy Đạo hội mới đề nghị huyện hỗ trợ họp lấy ý kiến dân, để làm sao sửa lại cho “ngon” hơn.

Quan điểm của Đạo hội là thăm dò ý kiến người dân để sửa thế nào cho tốt. Dân muốn chôn bằng kính để sau 5 năm không cần phục dưỡng thì làm theo. Nói chung các vị Trưởng Gánh chưa ai dám quyết định. Khi nào dân quyết định sao thì làm vậy.

Xương cốt đựng trong khay nhựa bị cho là phản cảm - Ảnh: Thanh Vĩnh

Ông Nguyễn Thanh Bình, quyền Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cho biết, hiện tại tỉnh đã giao H.Tri Tôn làm việc với các hộ dân.Theo ông, vừa qua, tỉnh đã thành lập đoàn đến khảo sát nên nhận thấy Nhà mồ Ba Chúc đã có phần xuống cấp.Tỉnh cũng nhận được nhiều phản ánh từ du khách cho rằng Nhà mồ Ba Chúc thiết kế chưa phù hợp, âm u về mỹ quan. Do vậy, Tỉnh ủy - UBND tỉnh có chủ trương thuê đơn vị thiết kế lại nhà mồ Ba Chúc theo hướng khang trang, sáng sủa hơn.

“Chúng tôi sẽ thiết kế và sắp xếp lại các bộ hài cốt trong nhà mồ cho phù hợp, bảo quản, không bị phá hủy và giữ cho tốt. Còn chuyện hỏa táng hay thổ táng sẽ không bàn tới nữa”, ông Bình khẳng định.

Thanh Vĩnh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Định thiêu hủy 1.159 bộ hài cốt nạn nhân bị Pôn Pốt tàn sát?