Ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Việt (tỉnh An Giang) chia sẻ: “Tính đến thời điểm này, giá cá tra chỉ còn ở mức 16.000-18.000 đồng/kg. Chưa bao giờ giá cá tra tệ như năm nay”.
Ông Tới cho biết giá cá tra năm 2018 lúc đỉnh cao là 36.000 đồng/kg. “Có thời điểm giá cá lên cao nhưng sau đó rớt một cách thảm hại. Nhiều người có lòng tham nên phá vỡ hết quy hoạch, từ đó nhà nhà nuôi cá, người người nuôi cá, tăng sản lượng và… giảm giá”, ông nói.
Theo báo cáo của UBND tỉnh An Giang, do ảnh hưởng tình hình dịch bệnh COVID-19 nên giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài ở các tháng đầu năm 2020. Hiện giá cá tra thương phẩm dao động từ 18.200 - 18.500 đồng/kg đối với size cá 0,8-1 kg; 17.800 - 18.000 đồng/kg đối với size cá lớn hơn 1 kg. Với giá thu mua hiện tại, người nuôi cá tra vẫn tiếp tục bị lỗ khoảng 4.000 - 5.000 đồng/kg.
Trước đó, vào chiều 7.5, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT cũng đã làm việc tại tỉnh An Giang, lắng nghe ý kiến đề xuất của các doanh nghiệp nuôi, chế biến cá tra và các ngành liên quan. Ông Cường cũng nhìn nhận ngành cá tra hàng chục năm nay cứ trồi sụt liên tục, xuống rồi lại lên.
Đại diện Tổng cục Thủy sản thông tin, tổng diện tích nuôi cá tra năm 2019 đạt 6.205 héc-ta (tăng 15% so với năm 2018), sản lượng đạt 1,72 triệu tấn (tăng 21,1% so với cùng kỳ năm 2018); kim ngạch xuất khẩu đạt 2 tỉ USD (giảm 11,4% so với năm 2018). Mặc dù đã rất nỗ lực nhưng ngành hàng cá tra chưa đạt được mục tiêu tăng trưởng về xuất khẩu theo kế hoạch.
Cũng theo Tổng cục Thủy sản, các tháng đầu năm 2020, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia. Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30.3.2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đại diện Tổng cục Thủy sản cho biết, liên kết cá tra bị phá vỡ, khi giá cá cao thì hộ nuôi tự phá vỡ chuỗi liên kết. Toàn vùng ĐBSCL có 80% hộ nuôi nằm trong chuỗi liên kết và 20% nằm ngoài liên kết, khiến giá cá lên xuống thất thường.
Ông Dương Nghĩa Quốc - Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định: “Giá cá tra thương phẩm xuống thấp kéo dài từ năm 2019 đến đầu 2020 và gặp dịch bệnh dẫn đến thiệt hại nặng cho nông dân và doanh nghiệp. Hiện có hộ treo ao hoặc cho ăn cầm chừng. Các doanh nghiệp và hộ nuôi rất khó khăn về vốn, nợ xấu gia tăng. Không riêng các doanh nghiệp chế biến và người nuôi cá tra, các doanh nghiệp sản xuất thuốc thú y và thức ăn thủy sản cũng bị thiệt hại nặng nề. Tồn kho ở các doanh nghiệp chế biến cá tra còn nhiều”.
Cũng theo ông Quốc cần phải thúc đẩy việc cải thiện chất lượng giống cá tra, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến các thị trường mới. Các bộ ngành cần có dự báo thị trường xuất khẩu tương đối. Từ đó Bộ NN&PTNT đưa ra chương trình quy hoạch, kế hoạh sản xuất nhằm đáp ứng cho xuất khẩu và tiêu thụ nội địa phù hợp. Cần có chính sách ưu đãi về tín dụng, đất đai, lãi vay để xây dựng nguồn kho lạnh dự trữ cá tra…
Đa số các doanh nghiệp chế biến cá tra đều than khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ để doanh nghiệp vượt qua khó khăn trong bối cảnh dịch bệnh. Việc thống kê, dự báo thị trường chưa chính xác cũng là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại cho người nuôi cá.
Tô Văn