Khi mùa mưa đến là lúc những bụi tre rừng trên vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang bắt đầu cho măng. Đây cũng là mùa bận rộn của những người lao động nghèo.
Kinh tế - đầu tư - dự án

An Giang: Vùng Bảy Núi vào mùa măng rừng

Tô Văn - Dương Việt Anh 12:19 02/10/2024

Khi mùa mưa đến là lúc những bụi tre rừng trên vùng Bảy Núi của tỉnh An Giang bắt đầu cho măng. Đây cũng là mùa bận rộn của những người lao động nghèo.

Một ngày đi tìm măng

Sáng 2.10, khi mặt trời vừa lên, những người dân "săn" măng rừng hướng về núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) để bắt đầu hành trình của mình.

Mùa măng rừng từ khoảng tháng 6 đến tháng 10 âm lịch, thời điểm tre cho nhiều măng nhất thường vào tháng 7 âm lịch. Đây là lúc cao điểm mùa mưa.

3-mang3.jpg
Một người dân đang bẻ măng trên núi Cấm (xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) - Ảnh: Dương Việt Anh

Măng rừng ở núi Cấm chủ yếu là măng tre Mạnh Tông. Đây là loại cây trồng đặc hữu, chịu được khô hạn nên phù hợp với điều kiện khí hậu ở xứ núi. Cây tre Mạnh Tông thường được người dân canh tác trên đất núi, dưới tán rừng, dọc theo sườn đồi… vừa có tác dụng giữ đất, vừa giúp cư dân địa phương có thêm thu nhập từ nguồn măng thu được mỗi khi vào mùa.

Ông Ba Lớn, một thành viên trong nhóm người đi bẻ măng (ngụ ấp Vồ Đầu, xã An Hảo, thị xã Tịnh Biên) cho biết măng Mạnh Tông bắt đầu mọc lai rai từ tháng 4 - 5, nhiều nhất là từ tháng 6 - 7 (âm lịch). Bình quân mỗi ngày ông Lớn bẻ khoảng 10 ký măng, sau khi bóc vỏ, còn được khoảng 7 - 8 ký với giá bình quân khoảng 20.000 - 35.000 đồng/kg (tính theo thời điểm đầu và cuối mùa, do sản lượng ít nên bán được giá) và giá sẽ giảm dần khi măng vào mùa thu hoạch rộ.

“Tre Mạnh Tông cho măng khá lớn, trọng lượng trung bình từ 2,5 - 3kg/mụt (chồi măng) trở lên. Có mụt măng lớn đến 6 - 7kg, có mụt lên đến 10kg. Ngoài ra, măng Mạnh Tông có hương vị riêng biệt, được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Có lẽ do đặc trưng được canh tác ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng đặc biệt nên măng rất giòn, ngọt, chế biến món nào cũng ngon”, ông Ba Lớn bộc bạch.

1-mang1.jpg
Măng Mạnh Tông có hương vị riêng biệt, được người tiêu dùng rất ưa chuộng - Ảnh: Dương Việt Anh

Cũng theo ông Ba Lớn, hiện ở xứ núi có một số người không có đất sản xuất nông nghiệp nên mùa măng rừng đối với họ là thời điểm kiếm tiền khá nhất trong năm.

Trong khi đó, anh Bảy Hưng (ngụ xã Lương Phi, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) cho biết, mỗi năm cứ vào mùa là vợ chồng anh đi hái măng mỗi ngày. Năm nay, măng rừng vừa trúng mùa lại được giá, vợ chồng anh mỗi ngày bẻ được hơn 20 ký măng lột vỏ và bán được gần 500.000 đồng. Với nhiều người dân Bảy Núi, mùa măng rừng như một sự ban tặng của thiên nhiên dành cho người lao động nghèo.

Nhộn nhịp mua bán măng

Từ sáng 2.10 đã có những chuyến xe thồ và đoàn người gánh mướn vội vã chuyển măng xuống núi để kịp giao cho bạn hàng. Bình quân mỗi ngày lượng măng tươi chuyển xuống chân núi khoảng từ 1 - 3 tấn. Vào chính vụ mỗi ngày lên tới hàng chục tấn.

4-mang4.jpg
Một hộ dân bẻ măng xong rồi vội vã chuyển măng xuống núi để kịp giao cho bạn hàng - Ảnh: Dương Việt Anh

Một chủ vựa măng ở chân núi Cấm cho biết, mỗi ngày cơ sở thu vô từ 1 đến 2 tấn măng, bán cho các thương lái chở đi Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ và các chợ trong khu vực. Ngoài ra, thương lái còn chở sang tận Campuchia bán.

Theo một thương lái (ngụ huyện Tri Tôn) chuyên thu mua măng, măng Mạnh Tông xứ Bảy Núi nổi tiếng. Các cơ sở tại chân núi đều bán măng tươi, măng khô. “Thời điểm này, măng Mạnh Tông vô mùa rộ nên giá không còn cao như hồi đầu vụ nữa. Măng khô, măng chua được bán dễ nhất, vận chuyển bao lâu cũng được, còn bán măng tươi hơi cực vì thu hoạch xong là phải đóng thùng, chuyển lên xe đi liền vì nếu để càng lâu thì măng bị già, vị ngọt bị giảm dần”, người này nói.

2-mang2.jpg
Măng Mạnh Tông xứ Bảy núi, tỉnh An Giang nổi tiếng. Các cơ sở tại chân núi núi Cấm đều bán cả măng tươi và măng khô - Ảnh: Dương Việt Anh

Theo ước tính, hiện nay, tại các vồ Thiên Tuế, vồ Bồ Hong, vồ Đầu, vồ Chư Thần, núi Cấm có hơn 50% hộ nông dân trồng tre lấy măng, nhiều nhất là tre Mạnh Tông. Hộ trồng ít nhất cũng vài chục bụi, nhiều nhất đến hàng trăm bụi.

Một cán bộ UBND xã An Hảo cho biết, trồng tre Mạnh Tông trên núi là một mô hình mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho hàng trăm hộ gia đình. Măng tre Mạnh Tông là món ăn truyền thống. Măng không chỉ được dùng để hầm xương, hầm thịt, xào lăn, nấu canh, làm đồ chay… mà còn được chế biến thành món măng chua, được nhiều người ưa thích. Cố nhà văn Sơn Nam từng xếp món măng tre Mạnh Tông hầm thịt vào hàng “cao lương mỹ vị”.

Măng Mạnh Tông còn được gọi là măng Bát Độ, măng của tre Điềm Trúc (Điền Trúc). Cây có thể cho thu hoạch măng sau 12 tháng trồng. Cây giống khỏe mạnh, bầu rễ ổn định, phù hợp trồng làm kinh tế hộ cá thể…

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tăng trưởng quý 3 vượt kỳ vọng, mục tiêu đạt 6,5 - 7% cả năm khả thi
một giờ trước Thị trường và chính sách
Theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khả năng đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 theo Nghị quyết Chính phủ từ 6,5 - 7% là khả thi.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Vùng Bảy Núi vào mùa măng rừng