Mỗi khi con nước tràn bờ, những cánh đồng trên địa bàn tỉnh An Giang lại mênh mông sóng nước. Đây cũng chính là thời điểm nghề đánh bắt thủy sản vào vụ chính.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Nông dân An Giang mưu sinh theo con nước tràn đồng

Tô Văn 22:10 01/10/2024

Mỗi khi con nước tràn bờ, những cánh đồng trên địa bàn tỉnh An Giang lại mênh mông sóng nước. Đây cũng chính là thời điểm nghề đánh bắt thủy sản vào vụ chính.

11-don1.jpg
Mỗi khi con nước tràn bờ, những cánh đồng trên địa bàn tỉnh An Giang lại mênh mông sóng nước - Ảnh: Duy An

Mưu sinh theo con nước

Khoảng 5 giờ sáng 1.10, ông Phạm Văn Sĩ (48 tuổi, ngụ ấp Phú Tây, xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) xách chiếc cào sắt nặng gần 8 cân lên vỏ lãi, ngược dòng kênh Phú Tây để bắt đầu chuyến cào hến mưu sinh.

2-don.jpg
Từ 5 giờ sáng, ông Sĩ xách chiếc cào sắt nặng gần 8 cân lên vỏ lãi, ngược dòng kênh Phú Tây để bắt đầu công việc cào hến mưu sinh - Ảnh: Tô Văn

Là người có thâm niên làm nghề cào hến, ông Sĩ thông thạo từng khu vực lòng kênh. Theo ông, hến thường xuất hiện nhiều ở những đoạn bờ sông có dòng chảy êm. Năm nay, nước tràn đồng hơi trễ nên hến được giá, thợ cào hến được một mùa bội thu.

1-don1.jpg
Sau khi chạy vỏ lãi ra giữa lòng kênh, thợ hến nhấn chiếc bàn cào bằng sắt rộng khoảng 80cm có buộc dây thừng xuống đáy kênh rồi cho vỏ lãi chạy vòng quanh để cào, gom hến - Ảnh: Tô Văn

Ông Sĩ cho biết, công việc cào hến vất vả, nặng nhọc. Để bắt được hến, mỗi chiếc vỏ lãi thường có hai người làm việc. Sau khi chạy vỏ lãi ra giữa lòng kênh, thợ hến nhấn chiếc bàn cào bằng sắt rộng khoảng 80cm có buộc dây thừng xuống đáy kênh rồi cho vỏ lãi chạy vòng quanh để cào, gom hến.

“Sau khi thả cào xuống, phải cho vỏ lãi chạy vòng quanh khúc kênh, khoảng 10 phút lại kéo lên một lần, hến thu được sẽ nằm lại trong chiếc túi lưới gắn với cào. Một lần cào như vậy được khoảng 2 - 3 cân, nhiều thì 5 cân hến. Sau khi đưa hến lên vỏ lãi, chúng tôi sẽ đãi cho sạch bùn đất”, ông Sĩ điểm lại từng công đoạn cào hến.

Cũng theo ông Sĩ, do trời nắng nóng, đa số những người đi cào hến phải làm việc từ sáng sớm, đến đầu giờ chiều thì nghỉ. Trung bình mỗi ngày một thuyền cào được 1 - 2 tạ hến. Trừ chi phí dầu máy, ăn uống, mỗi người cũng kiếm được 300.000 - 500.000 đồng/ngày.

12-don1.jpg
Đánh bắt thủy sản trên đồng ở An Giang - Ảnh: Duy An
4-don4.jpg
Cá, tôm, cua, ốc nhiều hơn mọi năm nên ngư dân phấn khởi - Ảnh: Tô Văn

Cũng trên cánh đồng ấp Phú Tây, vợ chồng anh Cầu chạy vỏ lãi đến những khu vực nước ngập để đặt lú. Anh Cầu cho biết mỗi ngày gia đình anh đánh bắt được vài chục cân cá, chủ yếu cá lóc, cá rô..., nhưng nhiều nhất vẫn là cá rô.

“Năm nay nước lên sớm hơn mọi năm, nguồn cá tôm nhiều nên công việc mưu sinh khá tất bật. Từ hôm nước tràn đồng đến nay, ngày nào gia đình tôi cũng kiếm được gần 1 triệu đồng từ 20 cái lú bắt cá. Chúng tôi rất phấn khởi về con nước năm nay”, anh Cầu lạc quan nói.

Người dân ở đây cho biết, khi nước tràn vào, cánh đồng là nơi tập trung rất nhiều cá tôm tự nhiên. Cá tôm từ đồng ruộng lại theo con nước đổ ra các nhánh sông. Những ngày này, người dân địa phương tất bật sửa soạn ngư cụ đánh bắt thủy sản để kiếm thêm thu nhập.

Theo chân người dân đi gỡ dớn

Thời điểm này, bên cạnh các đê bao khép kín khu vực sản xuất lúa ba vụ, những cánh đồng xả lũ ở xã Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội, huyện An Phú nước đã ngập rất sâu. Những địa phương này được coi là rốn lũ, đa số người dân nơi đây đều theo nghề đánh bắt thủy sản.

Hàng trăm hộ dân ở đây bám con nước để mưu sinh. Người giăng lưới thả câu, người đặt dớn, đặt lợp,… mỗi ngày kiếm được vài trăm ngàn đồng. Mỗi mùa nước nổi, thu nhập của họ cũng đủ trang trải cuộc sống.

3-don.jpg
Người dân gỡ dớn - Ảnh: Tô Văn

Hơn 6 giờ sáng 1.10, chúng tôi lội nước theo ông Năm Nhỏ (ngụ xã Vĩnh Hội Đông, huyện An Phú) đi gỡ dớn (dụng cụ dùng để bắt cá). Đồ nghề ông mang theo trên chiếc xuồng (được đóng bằng ba mảnh ván phẳng đẹp và chắc) chỉ là cái thau nhựa để đựng cá.

Đến vị trí đặt dớn quen thuộc, ông Năm Nhỏ dừng xuồng rồi nhảy nhanh xuống nước lội bộ, tay kéo xuồng đi chầm chậm đến miệng dớn. Ông cẩn thận đưa hai tay xuống nước gỡ dớn thì nghe tiếng lụp bụp. “Cá hôm nay nhiều đấy”, ông Năm Nhỏ phấn khởi.

“Ở xứ này, mỗi hộ đều đặt từ 1 - 5 cái dớn được bố trí khá bài bản trên các cánh đồng. Dớn được đặt xuyên suốt từ đầu mùa mưa. Người đặt dớn phải có kinh nghiệm và biết cách chọn địa thế, địa hình phù hợp, cũng như bố trí lưới ven sao cho đúng hướng đi của cá thì mới dính được nhiều loại cá, lươn...

Chú thường đặt dớn bố trí theo hình chữ V và lưới ven được bố trí tới cửa miệng dớn. Với lú, cá tôm có thể thoát ra ngoài, còn dớn một khi đã vào thì không thể thoát ra được. Dớn chủ yếu đặt cá lóc, cá rô, rắn, lươn”, ông Năm Nhỏ nói.

8-don8.jpg
Một điểm thu mua cá, tôm, cua, ốc trên địa bàn huyện An Phú, tỉnh An Giang - Ảnh: Tô Văn
5-don5.jpg
Một phiên chợ quê trên địa bàn tỉnh An Giang nhộn nhịp bán cá đồng - Ảnh: Tô Văn

Vì là thực phẩm sạch nên những loại cá, tôm bắt được từ dớn vô cùng hút khách, có bao nhiêu thương lái đến tận nhà mua bấy nhiêu.

Chị Trần Thị Diễm (thương lái chuyên mua cá đồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang) cho biết, từ tháng 9 đến tháng 12 là thời điểm thu mua nhiều nhất.

“Đầu mùa nước nổi, lượng cá, tép, lươn, cua, ốc… đại lý tôi thu mua từ 300 - 500kg/ngày. Từ đầu tháng 9 đến nay, số lượng tôi mua tăng lên 500 - 800kg/ngày, có ngày mua được cả tấn cá các loại”, chị Diễm nói.

10-don1.jpg
Cá linh được người dân đánh bắt nhiều hơn mọi năm - Ảnh: Tô Văn
9-don9.jpg
Từ đầu tháng 9 đến nay, lượng cá, tôm, cua, ốc được thương lái thu mua khá cao - Ảnh: Tô Văn

Cũng theo chị Diễm, đến thời điểm này, mực nước trên đồng ruộng khá cao, dù vậy cá còn khá ít, chủ yếu là cá linh, cá chạch, tôm, tép, lươn..., giá thu mua từ 30.000 - 200.000 đồng/kg tùy loại.

“Sau khi thu mua xong, chúng tôi bán cho các bạn hàng cá, nhà hàng, quán ăn trong và ngoài huyện An Phú hoặc vận chuyển đi các tỉnh thành khác”, chị Diễm nói.

Mùa này, không chỉ giăng câu, thả lưới, đặt dớn, lú, cào hến… nhiều người dân còn ra đồng hái bông súng, bông điên điển, rau nhút bán ở chợ để tăng thêm thu nhập.

Tuy nhiên, những người làm công việc này, chỉ làm theo thời vụ khi mùa nước nổi về. Những năm nước lũ thấp, thủy sản ít, họ lựa chọn công việc khác để mưu sinh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gặp mặt doanh nhân tiêu biểu
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 11.10 tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã gặp mặt đoàn đại biểu doanh nhân tiêu biểu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13.10.2004 - 13.10.2024).
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Nông dân An Giang mưu sinh theo con nước tràn đồng