Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi đạt khoảng 6.000MW, nhưng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa xác định dự án cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Điện gió ngoài khơi vẫn… xa khơi, phó thủ tướng yêu cầu giải quyết vướng mắc

Lam Thanh 18:03 01/10/2024

Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi đạt khoảng 6.000MW, nhưng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng, chưa xác định dự án cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận của Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn về giải quyết vướng mắc phát triển điện gió ngoài khơi.

Thông báo nêu rõ điện là yếu tố đầu vào nền tảng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của đất nước. Đầu tư phát triển ngành điện là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước; điện phải đi trước một bước để đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững cả cho hiện tại và tương lai.

Trong những năm qua, kinh tế - xã hội Việt Nam có sự phát triển mạnh mẽ, đặt ra yêu cầu tăng trưởng nguồn điện phải ở mức 10 - 12%/năm. Do đó, cần tập trung đầu tư các dự án nguồn điện từ sớm, từ xa để bảo đảm cung ứng đủ điện cho nhu cầu phát triển trong tương lai, nhất là các nguồn điện nền, điện năng lượng tái tạo, điện sạch như điện gió ngoài khơi, điện khí để hướng tới mục tiêu Net Zezo vào năm 2050.

Theo Quy hoạch điện 8, tiềm năng kỹ thuật điện gió ngoài khơi của Việt Nam là rất lớn, lên đến 600.000MW. Mục tiêu đến năm 2030 công suất điện gió ngoài khơi phục vụ nhu cầu điện trong nước đạt khoảng 6.000MW.

dien-gio-1.jpg
Việc phát triển điện gió ngoài khơi vẫn gặp nhiều vướng mắc

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện 8 (Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 1.4.2024) mới chỉ phân bổ phát triển điện gió ngoài khơi theo vùng: Bắc Bộ: 2.500MW; Trung Trung Bộ: 500MW; Nam Trung Bộ: 2.000MW; Nam Bộ: 1.000MW. Kế hoạch chưa xác định dự án điện gió ngoài khơi cụ thể nào và cũng chưa có dự án nào được triển khai.

Thời gian từ nay đến năm 2030 không còn nhiều, do đó việc sớm triển khai các dự án điện gió ngoài khơi là rất cần thiết để bảo đảm thực hiện được mục tiêu Quy hoạch điện 8 đề ra.

Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) để có báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ về các nội dung, thủ tục cần thiết để xem xét việc PVN thực hiện việc khảo sát điện gió ngoài khơi tại dự án cụ thể theo Thông báo kết luận 412/TB-VPCP của cuộc họp Thường trực Chính phủ ngày 12.9.2024, báo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 5.10.2024.

Ngoài ra, cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng hợp ý kiến về các vướng mắc, vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Điện lực và các quy định pháp luật khác có liên quan để hoàn thiện dự án Luật Điện lực (sửa đổi) hoặc gửi Bộ KH-ĐT để tổng hợp, đề xuất trong dự án một luật sửa nhiều luật, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 khóa 15, tháng 10.2024, củng cố hành lang pháp lý triển khai thực hiện các dự án về năng lượng, trong đó có dự án điện gió ngoài khơi.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600GW, triển vọng nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.

Theo WB, Việt Nam thu hút sự quan tâm của quốc tế với các kế hoạch năng lượng tái tạo, nhưng chính sách chậm trễ khiến một số nhà đầu tư tiềm năng xem xét lại kế hoạch.

Theo Bộ Công Thương, nhiều chuyên gia nhận định suất đầu tư cho điện gió ngoài khơi là rất lớn, khoảng 2,5 tỉ USD/1.000MW và thời gian thực hiện từ 6 - 8 năm kể từ lúc bắt đầu khảo sát. Do đó, Bộ Công Thương cho rằng mục tiêu công suất điện gió ngoài khơi theo Quy hoạch điện 8 đạt 6.000MW vào năm 2030 là rất khó khả thi trong bối cảnh hiện nay.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã báo cáo trình Chính phủ về đề án nghiên cứu thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi và phân tích 3 phương án chọn nhà đầu tư làm điện gió ngoài khơi, ưu tiên các tập đoàn kinh tế nhà nước làm thí điểm trong giai đoạn đầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kết quả tích cực từ các tổ công nghệ số cộng đồng
5 giờ trước Nhịp đập khoa học
Tại chương trình chào mừng Ngày chuyển đổi số quốc gia năm 2024 diễn ra sáng 12.10, các đại biểu chia sẻ về kết quả tích cực từ mô hình các tổ công nghệ số cộng đồng.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điện gió ngoài khơi vẫn… xa khơi, phó thủ tướng yêu cầu giải quyết vướng mắc