UBND tỉnh An Giang yêu cầu bà con gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia không được tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

An Giang: Yêu cầu bà con gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia không tự ý qua lại biên giới

Tô Văn | 17/06/2021, 10:33

UBND tỉnh An Giang yêu cầu bà con gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia không được tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền.

Sáng 17.6, UBND tỉnh An Giang cho biết đã ra thông cáo báo chí để thông tin về tình hình buộc tháo dỡ hoặc di dời bè cá, nhà nổi trên sông thuộc địa bàn thủ đô Phnôm Pênh, Campuchia đối với bà con người Campuchia gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia.

Theo số liệu thống kê từ Hội Khơme – Việt Nam tại Campuchia, hiện có khoảng 1.300 hộ gia đình gốc Việt với hơn 11.000 cư dân đang sống trên các thuyền, bè tại Phnôm Pênh. Họ mưu sinh chủ yếu bằng nghề nuôi cá trên bè, kinh doanh nhỏ lẻ và lao động phổ thông. Đa số hộ gia đình gốc Việt, kể cả người Khơme và người Chăm đã sống lâu đời tại đây, nhiều người có quốc tịch Campuchia và được cấp thẻ ngoại kiều để cư trú và sinh sống hợp pháp tại Campuchia.

Vừa qua, từ ngày 2.6, chính quyền thủ đô Phnôm Pênh (Campuchia) đã có thông báo số 038/21, yêu cầu tất cả chủ bè nuôi cá, nhà nổi trên sông thuộc địa bàn thủ đô Phnôm Pênh phải khẩn trương tháo dỡ hoặc di dời trong 1 tuần kể từ ngày ra thông báo (kể từ ngày 2- 9.6).

Đến ngày 13.6, Ban Thường trực Hội Khơme – Việt Nam tại Campuchia cũng đã có thông báo gửi bà con người Campuchia gốc Việt đang sinh sống dọc theo sông Mê Kông, sông Tonle Sap và sông Tonle Bassac.

Nội dung thông báo có nêu, hiện nay do tình hình dịch bệnh ở Việt Nam diễn biến phức tạp nên các cửa khẩu Việt Nam đã đóng cửa không tiếp nhận người từ nơi khác nhập cảnh về Việt Nam trong thời gian này.

Hội Khơme – Việt Nam tại Campuchia khuyến nghị bà con hãy tạm dừng di chuyển về Việt Nam, hãy ở yên tại chỗ không di chuyển ghe, bè về Việt Nam trong lúc này.

Tuy nhiên, do việc chính quyền thủ đô Phnôm Pênh thực hiện kế hoạch di dời chưa hợp lý, thời gian gấp, chưa bố trí khu vực tái định cư, chưa tạo điều kiện cho người dân tìm được chỗ ở mới và chuyển đổi công việc… nên hiện rất nhiều hộ dân có nhà nổi, bè nuôi cá trên sông thuộc khu vực thủ đô Phnôm Pênh phải thả trôi về hạ lưu sông Mê Kông.

Việc hàng trăm nhà nổi, bè nuôi cá di chuyển, neo đậu tại khu vực gần biên giới, không chỉ ảnh hưởng và gây khó khăn rất lớn đến việc kiểm soát và triển khai công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn các tỉnh có chung đường biên giới giữa 2 nước, mà còn gây khó khăn trong việc đảm bảo đời sống, sinh hoạt cho hàng trăm hộ gia đình, hàng ngàn nhân khẩu người Campuchia gốc Việt. Bởi trong quá trình di dời, họ không có nơi ở, việc làm, ổn định đời sống.

Trước tình hình trên, UBND tỉnh An Giang đã chủ động phối hợp tỉnh Đồng Tháp có buổi làm việc với Tỉnh trưởng tỉnh Kandal (địa phương hạ nguồn sông Mê Kông thuộc Campuchia, tiếp giáp 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp). Các bên đã trao đổi, thống nhất một số giải pháp cấp bách trước mắt, nhằm bước đầu hỗ trợ và ổn định đời sống cho bà con.

Hiện lãnh đạo tỉnh An Giang đã báo cáo, kiến nghị với Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương trao đổi, đề nghị Campuchia tiếp tục quan tâm, giải quyết vấn đề địa vị pháp lý và đảm bảo tính nhân đạo cho người Campuchia gốc Việt tại Campuchia. Nhất là hàng trăm hộ, hàng ngàn khẩu đang ở trên các ghe, bè cặp bờ neo đậu tạm ở đoạn bờ sông thuộc xã Prek Tamlop, huyện Leuk Deuk, tỉnh Kaldal, Campuchia.

UBND tỉnh An Giang mong muốn chính quyền Phnôm Pênh trong quá trình triển khai thực hiện thông báo cần quan tâm quyền lợi chính đáng người dân trên các thuyền, bè. Có lộ trình di dời hợp lý, có các biện pháp hỗ trợ thiết thực cho bà con tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi tối thiểu theo tinh thần nhân đạo cho những người bị ảnh hưởng sớm ổn định cuộc sống, duy trì hoặc chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp.

Đồng thời có biện pháp xử lý đối với những người có hành vi chặt dây, đẩy đuổi, không tạo điều kiện cho các thuyền, bè của người Campuchia gốc Việt neo đậu ở các vị trí an toàn trên địa phận Campuchia và ổn định tạm chỗ ở.

UBND tỉnh An Giang không cho phép các thuyền, bè nói trên và người dân đang sinh sống tại Campuchia sang Việt Nam trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Đồng thời cần sự phối hợp giữa chính quyền tỉnh An Giang nói riêng và các tỉnh có đường biên giới chung Việt Nam – Campuchia ngăn chặn các hành vi xâm phạm trái phép biên giới 2 quốc gia.

UBND tỉnh An Giang yêu cầu bà con gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia bình tĩnh, tuân thủ luật pháp, tôn trọng quyết định của chính quyền địa phương. Phải cùng tính toán các phương án di dời, không được tự ý qua lại biên giới khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đảm bảo an toàn cho cá nhân, gia đình và cộng đồng.

Các ngành chức năng của tỉnh An Giang tăng cường phối hợp quản lý chặt chẽ khu vực biên giới, không để xảy ra các trường hợp vi phạm, gây mất an ninh chính trị, trật tự an toàn tuyến biên giới, ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn. Cương quyết không để những vấn đề trên ảnh hưởng đến mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa 2 nước.

Bài liên quan
Tuyên án tử hình kẻ chém nam thanh niên tử vong ở An Giang
Chiều tối 20.11, TAND tỉnh An Giang tuyên án 8 bị cáo trong vụ vô cớ chém người khiến một thanh niên tử vong.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Temu, Shein... 'đổ bộ' Việt Nam, chuyển đổi số cấp thiết hơn bao giờ hết
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
Chuyển đổi số trong linh vực bán buôn, bán lẻ đang cấp thiết hơn bao giờ hết khi các sàn thương mại điện tử như Temu, Shein... "đổ bộ" thị trường Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
An Giang: Yêu cầu bà con gốc Việt đang sinh sống tại Campuchia không tự ý qua lại biên giới