Len lỏi giữa đám cỏ dại cao quá đầu mọc lẫn trong rừng tràm, tận mắt chứng kiến tổ ong với tiếng vo ve đinh tai của hàng ngàn con ong là trải nghiệm khó quên của nhiều người khi đến rừng U Minh Hạ.

‘Ăn ong’ gác kèo ở rừng U Minh Hạ

Nguyên Việt | 18/02/2021, 15:00

Len lỏi giữa đám cỏ dại cao quá đầu mọc lẫn trong rừng tràm, tận mắt chứng kiến tổ ong với tiếng vo ve đinh tai của hàng ngàn con ong là trải nghiệm khó quên của nhiều người khi đến rừng U Minh Hạ.

Rừng U Minh Hạ có diện tích gần 8.300 héc-ta, trải dài qua hai huyện U Minh và Trần Văn Thời. Ngoài ra, khu rừng này còn 25.000 héc-ta vùng đệm bao quanh. Du khách khi đến tham quan rừng U Minh Hạ thường dạo quanh vùng đệm này.

an-ong.jpg
'Chiến lợi phẩm' sau chuyến 'ăn ong' - Ảnh: Thanh Ngọc

Không nổi bật bởi quang cảnh đặc sắc, nhưng U Minh Hạ vẫn có sức hút riêng của nó. Nếu du khách có nhu cầu tận hưởng một không gian tĩnh lặng, mát mẻ dưới những tán rừng tràm để nghỉ dưỡng thì U Minh Hạ là một lựa chọn.

a1-chuan-bi-an-ong.jpg
Du khách chuẩn bị đi “ăn ong”- Ảnh: Nguyên Việt

Cảm giác ngồi xuồng máy đi giữa rừng tràm để cái gió, cái nắng đầy hoang sơ lướt qua làn da sẽ khiến du khách khó quên. Hấp dẫn hơn là những khu du lịch sinh thái kiểu bản địa, nơi du khách có thể trải nghiệm đặt dớn, trúm để bắt các loại lươn, cá đồng. Nhiều du khách đến đây không khỏi thích thú khi tự tay lôi trong bụi cỏ ra các dụng cụ đựng đầy tôm cá bên trong.

a2-du-khach-phai-len-loi-giua-dam-co-dai-de-den-to-ong.jpg

Du khách phải len lỏi giữa rừng lau sậy, xen lẫn trong rừng tràm để đến được tổ ong - Ảnh: Nguyên Việt

Nhưng điểm đặc biệt nhất ở U Minh Hạ là du khách có thể trải nghiệm tận tay cắt những tổ ong mật trong rừng tràm. Đây là trải nghiệm được du khách mong chờ nhất khi đến rừng U Minh Hạ. Để bắt đầu “ăn ong”, người hướng dẫn sẽ cho du khách mặc áo lưới, tay cầm bùi nhùi được bó từ xơ dừa để tạo khói đuổi ong.

a3-xong-khoi-vao-to-ong.jpg

Khói được xông vào để đuổi ong đi trước khi lấy mật - Ảnh: Nguyên Việt

Du khách phải len lỏi giữa đám lau sậy, cỏ dại mọc cao quá đầu người, xen lẫn trong rừng tràm mới tiếp cận được với các tổ ong. Khi làn khói xộc vào tổ ong, chúng ùa ra và tạo nên tiếng kêu "đinh tai nhức óc". Du khách sẽ trải qua cảm giác vừa sợ hãi vừa thích thú. Khi gạt ong ra hết, du khách sẽ dùng dao và cắt từng phần tổ ong xuống, dòng mật vàng óng ánh tứa ra từ tổ, ngọt đến lịm người. Những trải nghiệm này không phải nơi nào cũng có được.

a4-mon-an-tu-ong.jpg

Gỏi nhộng ong và tàng ong tẩm bột chiên - Ảnh: Nguyên Việt

Ong gác kèo là một phương pháp tạo điều kiện tự nhiên để ong về làm tổ và có thể dễ dàng lấy mật hơn. Người ta sẽ chọn những cây gỗ, hay nhánh tràm bằng cổ tay rồi chọn một vị trí khuất và thuận tiện trong rừng tràm để dẫn dụ ong làm tổ. Với diện tích rừng tràm hàng chục ngàn héc-ta như ở U Minh Hạ, số lượng ong ở đây cũng vào dạng khủng. Khi ong đã chịu về làm tổ, thì sẽ chẳng mất nhiều thời gian để bắt đầu thu hoạch mật.

a5-mot-to-ong-sap-duoc-thu-hoach.jpg

Một tổ ong gác kèo sắp được thu hoạch - Ảnh: Nguyên Việt

Anh Phạm Duy Khanh ở khu du lịch sinh thái Mười Ngọt cho biết với phương pháp gác kèo ong này, hằng năm anh thu hàng trăm lít mật ong. Ngoài ra với tổ ong, sáp ong, tàng ong còn được sử dụng vào những việc khác như ngâm rượu, chế biến món ăn. Hai món ăn được chế biến nhiều nhất ở đây là tàng ong trộn bột chiên và gỏi nhộng ong đều khiến du khách khen ngợi.

a6-trai-nghem-an-ong-rat-thu-vi.jpg
“Ăn ong” ở rừng U Minh Hạ là một trải nghiệm khó quên - Ảnh: Nguyên Việt

Ẩm thực ở U Minh Hạ cũng rất phong phú đa dạng, đặc biệt các loài tôm cá ở đây đều hoàn toàn tự nhiên, chúng được người dân đánh bắt tại những vùng đệm của rừng. Với những đặc sản này, đầu bếp thường chế biến đơn giản để thực khách tận hưởng được vị ngon tự nhiên của chúng.

149022922_4202942676386562_4309083753609466357_n.jpg
Một du khách tự tay xông khói đuổi ong - Ảnh: CTV

Không chỉ ong, tôm cá tự nhiên, Rừng U Minh Hạ còn nhiều điều hấp dẫn hơn thế đang chờ du khách đến trải nghiệm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
4 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
‘Ăn ong’ gác kèo ở rừng U Minh Hạ