Sau khi ăn món rau trộn cá ngừ, một phụ nữ lên cơn khó thở nặng, phải nhập viện cấp cứu, suýt mất mạng. Bệnh nhân được chẩn đoán là do mắc bệnh hen khi ăn một loại cá nước mặn nên gây ra tình trạng nguy hiểm trên.

Ăn rau trộn cá ngừ, một phụ nữ suýt mất mạng do lên cơn hen

29/04/2020, 19:06

Sau khi ăn món rau trộn cá ngừ, một phụ nữ lên cơn khó thở nặng, phải nhập viện cấp cứu, suýt mất mạng. Bệnh nhân được chẩn đoán là do mắc bệnh hen khi ăn một loại cá nước mặn nên gây ra tình trạng nguy hiểm trên.

Một phụ nữ bị khó thở vì lên cơn hen suyễn - Ảnh: minh họa

Ngày 29.4, TS.BS Nguyễn Như Vinh - Trưởng khoa Thăm dò chức năng hô hấp, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cho biết, bệnh nhân rơi vào tình trạng trên là bà N.T.C.V.(56 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM). Qua điều tra bệnh sử, bà V. mắc hen phế quản kèm theo viêm mũi dị ứng và chàm nhiều năm qua. Từ khi được chẩn đoán, bà V. dùng thuốc thường xuyên và tái khám định kỳ nên tình trạng hen được kiểm soát tương đối tốt qua các lần thăm khám.

Trong thời gian gần đây, bệnh nhân thấy sức khỏe ổn nên đã thử ăn món rau trộn cá ngừ. Sau khi ăn vài giờ, bà lên cơn khó thở nặng và được người nhà đưa đến Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM cấp cứu.

Theo bác sĩ Vinh, bà V. mắc bệnh hen có cơ địa dị ứng nên đã từng được các bác sĩ khuyên không ăn các loại thức ăn mà bà đã biết bị dị ứng như tôm, một số loại cá nước mặn và mực. Tuy nhiên, do chủ quan, thấy sức khỏe ổn nên đã ăn món cá ngừ - một loại cá nước mặn nên đã gây ra tình trạng trên.

“Chúng tôi phải nhanh chóng cho bệnh nhân thở oxy, phun khí dung dãn phế quản, sử dụng các thuốc cấp cứu khác và theo dõi tình trạng sức khỏe. Sau 6 giờ theo dõi, người bệnh khỏe hoàn toàn, được xuất viện để điều trị ngoại trú”, bác sĩ Vinh nói và cho biết rất may cho bệnh nhân này là đã đến bệnh viện kịp thời và được xử lý nhanh chóng, nếu không sẽ bị suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Theo bác sĩ Vinh, thống kế mới nhất vào năm 2020 của Tổ chức phòng chống hen toàn cầu (GINA), hiện trên thế giới có khoảng 358 triệu người mắc hen suyễn. Tại Việt Nam, tỷ lệ người bệnh hen chiếm khoảng 4% đến 5% dân số. Số lượng người bệnh là trẻ em nhiều hơn so với người lớn. Tần suất hen ở trẻ 13 - 14 tuổi tại nước ta khoảng 14,8%, đứng hàng thứ 4 trên thế giới.

Riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược, ông Vinh cho biết, mỗi ngày bệnh viện này có hơn 50 lượt người bệnh đến khám vì hen. Mỗi năm, phòng khám Hen - COPD có khoảng 12.000 lượt khám, trong đó khoảng 50% người bệnh tái khám với tình trạng bệnh tương đối ổn định, 50% người bệnh đến khám lần đầu với các triệu chứng ho kéo dài, khò khè và khó thở.

Các chuyên gia về về hô hấp cho biết, hen suyễn là một bệnh mạn tính, đòi hỏi phải điều trị lâu dài, phần lớn thời gian điều trị diễn ra tại nhà thông qua việc người bệnh sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, chủ động tránh các yếu tố bất lợi cho bệnh và xử lý các cơn hen cấp nhẹ nếu xảy ra.

“Bệnh hen có được kiểm soát tốt hay không, tình trạng cấp cứu hay tử vong có xảy ra hay không phụ thuộc rất lớn vào việc tuân thủ điều trị tại nhà của người bệnh. Tuy nhiên, trên thực tế đã có không ít người bệnh phải nhập viện cấp cứu vì không tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ khi tự chăm sóc tại nhà. Không sử dụng thuốc theo toa của bác sĩ, sử dụng thuốc cắt cơn thường xuyên mà không dùng thuốc dự phòng, tự ý ngưng thuốc, không tránh các loại thực phẩm hoặc các yếu tố môi trường có thể gây hại… là những sai lầm thường gặp ở người bệnh hen suyễn. Những sai lầm này có thể khiến người bệnh nhanh chóng lên cơn hen cấp, khó thở nặng phải nhập viện cấp cứu. Nếu không được cấp cứu kịp thời, người bệnh có nguy cơ suy hô hấp, thậm chí khó thở dẫn đến tử vong”, bác sĩ Vinh chia sẻ.

Bác sĩ Vinh khuyến cáo trong quá trình điều trị bệnh hen, nếu người bệnh ho thành tràng dài, khò khè và khó thở thì cần nhận biết đây là các triệu chứng cho thấy người bệnh có thể bị lên cơn hen cấp. Khi đó cần dùng thuốc cắt cơn theo hướng dẫn của bác sĩ để làm dứt hoặc giảm các triệu chứng, nên lặp lại thuốc cắt cơn mỗi 15-20 phút nếu triệu chứng chưa giảm. Khi đã dùng thuốc cắt cơn 3 lần (trong vòng 1 giờ) mà triệu chứng không được cải thiện (hoặc nặng hơn sau 1-2 lần cắt cơn đầu tiên) thì phải nhanh chóng liên hệ bác sĩ điều trị và đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Hồ Quang

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thủ đô Praha, bắt đầu thăm Cộng hòa Séc
9 giờ trước Sự kiện
Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Ba Lan, vào lúc 13 giờ ngày 18.1, giờ địa phương (tức 19 giờ giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng phu nhân Lê Thị Bích Trân và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới sân bay Václav Havel, thủ đô Praha, bắt đầu thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 18 - 20.1, theo lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Petr Fiala.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ăn rau trộn cá ngừ, một phụ nữ suýt mất mạng do lên cơn hen