Tôi đã tham gia bảo vệ quần thể Angkor từ năm 1980 và chốt tại cửa Nam Angkor Thom hàng tháng trời. Thời chiến tranh chỉ thấy Angkor hùng vĩ. Thoát chết mấy lần trong gang tấc, có lần còn suýt bị bắt sống, tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ quay lại Campuchia. Chẳng hiểu do duyên nợ hay số phận, nghề chọn mình. Tôi làm du lịch và trở lại Campuchia từ 1999, sau 16 năm xa cách. Từ đó, hơn cả thân quen với mấy trăm lần dong ruổi. Mấy bạn Campuchia bảo tôi kiếp trước là người Khmer nên mới nặng nợ như vậy. Tôi không nghĩ thế. Tôi yêu mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình vì đây là nơi mà nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống. Họ chết cho tôi được sống!

Angkor vẫn ngàn đời kỳ bí

14/07/2017, 06:33

Tôi đã tham gia bảo vệ quần thể Angkor từ năm 1980 và chốt tại cửa Nam Angkor Thom hàng tháng trời. Thời chiến tranh chỉ thấy Angkor hùng vĩ. Thoát chết mấy lần trong gang tấc, có lần còn suýt bị bắt sống, tôi từng nghĩ sẽ không bao giờ quay lại Campuchia. Chẳng hiểu do duyên nợ hay số phận, nghề chọn mình. Tôi làm du lịch và trở lại Campuchia từ 1999, sau 16 năm xa cách. Từ đó, hơn cả thân quen với mấy trăm lần dong ruổi. Mấy bạn Campuchia bảo tôi kiếp trước là người Khmer nên mới nặng nợ như vậy. Tôi không nghĩ thế. Tôi yêu mảnh đất này như quê hương thứ hai của mình vì đây là nơi mà nhiều đồng đội tôi đã nằm xuống. Họ chết cho tôi được sống!

Đền Bayon - Angkor Thom

Angkor kỳ bí là chuyện hàng trăm năm nay. Từ năm 1943, học giả Nguyễn Hiến Lê (1912 - 1984) đã nhiều lần đến Angkor. Như một phượt thủ chuyên nghiệp, ông ghi chép tỉ mỉ từng ngôi đền thành ký sự “Đế Thiên Đế Thích” và kết luận, đại ý là “So với Angkor, Vạn Lý Trường Thành không thể là công trình kiến trúc, càng không thể là công trình nghệ thuật”. Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng khi đến Angkor đã cảm thán “Chỉ có thần linh mới làm nổi!”. Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, bởi nhiều người cũng nghĩ và thốt lên như vậy, mà người đầu tiên là Henri Mouhot (1826 - 1861), nhà thám hiểm người Pháp khi diện kiến Angkor lần đầu vào năm 1859. Với tôi “Angkor là kỳ quan số 1 thế giới về điêu khắc và kiến trúc”.

"Con mắt Angkor" thật ra là vết đạn bắn với đầu đạn còn nguyên. Ảnh chụp ở đền Angkor Wat.

Lâu nay, nhiều người cho rằng “Angkor bị quên lãng giữa rừng già nhiệt đới và Henri Mouhot tình cờ phát hiện ra”. Không phải vậy. Công viên bảo tồn Angkor hiện nay rộng 402 km2 (có tài liệu ghi là 420 km2) ở Siêm Reap và vùng phụ cận với 400 di tích. Khu trung tâm có 91 đền thờ chính. Cây cối chỉ mọc sau khi Angkor dời đô từ Siem Reap về Toul Basan (Kampong Cham ngày nay) vào 1431 và ổn định tại Phnom Penh từ 1434. Người Khmer vẫn nhớ Angkor. Khi tiếp cận vùng đất này, Henri Mouhot thấy dân bản địa thỉnh thoảng vẫn vào rừng cúng bái. Tò mò, theo chân họ, ông kinh ngạc đến sững sờ khi nhìn thấy Angkor Wat. Phải dụi mắt mấy lần rồi lẩm bẩm “Chỉ có thần linh mới làm nổi!”. Ông tiếp tục thám sát các đền thờ khác. Hồi ký của ông xuất bản năm 1863 đã làm rúng động giới khảo cổ và lịch sử thế giới về nền văn minh Angkor chói lọi. Tiếc là ông đã mất trước đó 2 năm (1861) ở Luang Prabang vì sốt rét. Mộ và tượng ông giản dị, nép mình bên dòng sông Nậm Tha yên bình.

Angkor Wat có hơn 1.800 điêu khắc Apsara nhưng Apsara nào cũng có nét riêng. Chẳng hạn Apsara đang cười, khoe nguyên hàm răng
Tất cả Apsara đều có ngực không đều, bên to, bên nhỏ
Apsara le lưỡi, có người giải thích là vừa hôn người yêu

Hàng trăm chuyên gia về khảo cổ, địa chất, kiến trúc, điêu khắc, lịch sử của thế giới nghiên cứu mấy chục năm qua vẫn chưa tìm ra đáp số về cách xây đền nên không thể bàn chuyện phục chế. Chỉ có thể làm vệ sinh, thay thế một số bộ phận. Nhiều đền đổ sụp mà không thể phục dựng. Khách nào đến Angkor cũng tranh luận “Đá đưa lên mới điêu khác hay ngược lại?”, “Sao không thấy những khối đá vụn hoăc bị hỏng?”. “Làm sao xây nhà không cần chất kết dính, lợp mái không cần đòn tay, dù mỗi viên gạch hay ngói đá nặng hàng tấn?”, “Đá làm sao có thể điêu khác tinh xảo như gỗ?”. “Sao không thấy sử liệu hay bia kí ghi lại quá trình xây dựng, tên tuổi tổng công trình sư thiết kế, chỉ huy thi công, đội ngũ điêu khắc?”. “Lý do nào Angkor dời đô”… Hiện vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Sau gần hai chục năm tìm hiểu với mấy trăm lần qua lại, tôi tìm ra vài manh mối tin cậy. Angkor từng bị quân Xiêm xâm chiếm nhiều lần, dù vương quốc Sukhothai chỉ mới thành lập vào năm 1238, từ lãnh thổ của đế chế Khmer. Năm 1431, khi chiếm được kinh thành Angkor, quân Xiêm vơ vét hàng trăm tấn vàng, bạc, đá quí và thu gom tất cả nhân tài, mỹ nữ người Khmer mang về nước. Đồng thời tiến hành hủy diệt tất cả mọi thư tịch, bi kí nhằm xóa sổ nền văn hóa Angkor. Tương tự như nhà Minh đã làm với Đại Việt vào năm 1406. Khi bị chiếm đóng, vùng đất này có tên là Siemnakhon (Thành phố của người Siem), Siemmarat (Đất của người Siem). Người Khmer giành lại và đổi tên là Siem Reap (Đuổi người Siem xếp lớp, nằm rạp). Đất nước nào cũng vậy. Sau cực thịnh là suy vong. Vua chúa Khmer đã vắt kiệt sức dân vì tham vọng bất tử với những đền đài hoành tráng. Cộng thêm hạn hán, chiến tranh, dịch bệnh, xung đột giữa Hindu và Phật giáo của các vua Khmer. Mạng lưới thủy lực quan trọng bị hư hỏng và sự thay đổi khí hậu. Cả “Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa” đều không có, dời đô là đương nhiên.

Các đền đều xây dựng theo phong cách Hindu hoặc Buddhist nhưng các vua sau lại chuyển từ Hindu qua Buddhist như Angkor Wat hoặc ngược lại như Ta Prohm. Đền nào ngày xưa cũng có hàng tấn và hàng chục tấn vàng bạc, đá quí. Nhiều nhất là đền Preah Khan, xây dựng năm 1191, được trang trí bởi 60 tấn vàng ròng. Lớn và kỳ vĩ nhất trong quần thể là Angkor Wat (1113 - 1150), rộng 195 ha (1,3 km x 1,5 km) là phức hợp kiến trúc tôn giáo bằng đá lớn nhất thế giới. Đây là công trình duy nhất quay mặt về hướng Tây. Đạo Hindu thờ thần Siva (Hủy diệt) thì mặt trời lặn là hướng của các lăng mộ. Đạo Hindu thờ thần Visnu (Bảo vệ) thì hướng Tây là của thần Nước, nguồn gốc của sự sống. Người Khmer thời ký Angkor là những nhà trị thủy đại tài. Các hồ nước quanh đền không chỉ là phong thủy, điều hoà khí hậu, biển rửa tội để lên thiên đàng mà còn để chống các mạch nước xói mòn chân đền. Phía Tây là đền Bakheng, biểu tượng của đỉnh núi thiêng Meru trong thần tích đạo Hindu, là điện thờ trung tâm nên cả Angkor Wat và Angkor Thom đều không thể quay lưng với cội nguồn thần thánh. Giáo sư Sam Promonie, cựu Quốc vụ khanh, Bộ Du lịch Campuchia cho rằng “Móng Angkor vững chãi hàng ngàn năm do được đối trọng tỉ lệ 1/1 bằng đá ong và lèn trấu để chống nước xâm nhập”.

Nhiều khối đá sa thạch bị nước mưa dãi dầu nên có các vệt đỏ như ứa máu. Hiện tượng này cũng tạo nên Yến sào đỏ vì đá chứa sắt bị oxy hóa.

Cuối năm 2013, các nhà khảo cổ lại làm chấn động thế giới vì những phát hiện mới về Angkor. Nhóm nghiên cứu do TS Damian Evans (Đại học Sydney, Australia) đã lập bản đồ chi tiết khu vực rộng 370 km2 bao quanh Angkor. Thiết bị viễn thám Lidar gắn trên trực thăng, di chuyển khắp các vùng, bắn hàng triệu tia laser, cứ mỗi 4 giây lần, xuyên qua tán lá rừng già và ghi lại những thay đổi mỗi phút trên bề mặt trái đất. Cả thành phố sầm uất, chưa từng biết, được ghi lại với các đền đài cùng hệ thống đại lộ và thủy lộ tinh vi trải dài trên bề mặt địa hình. TS Damian Evans phấn khích “Đó là thời khắc chúng tôi thốt lên “Eureka!” (Tìm thấy rồi) khi mà lần đầu tiên các dữ liệu hiện lên rõ mồn một trên màn hình, chình ình trước mặt là một đô thị trung cổ”.

Các cột đền gồng mình chịu sức nặng của hàng triệu tấn đá. Chân cột là tượng các tu sĩ đạo Hindu. Hiện nay đạo Phật là quốc giáo ở Campuchia nhưng trong lễ tấn phong vua toàn bộ đội hình là tu sĩ Hindu.

Những khám phá mới đã làm thay đổi nhận thức về Angkor, đô thị trung cổ lớn nhất thế giới. Vào thời hoàng kim khoảng cuối thế kỷ XII, Angkor là siêu đô thị rộng hơn 1.000 km2, là kinh đô của đế chế Khmer; bao gồm cả Campuchia, Thái Lan, Lào, Nam Việt Nam, một phần Bắc Malaysia và Myanmar. Một vài bản khắc chữ ít ỏi còn sót lại cho thấy, đế quốc Khmer thành lập vào đầu thế kỷ IX (802) bởi hoàng đế Jayavarman II và vương quốc ban đầu là Mahendraparvata, ở vùng núi Kulen, hợp nhất Thủy Chân Lạp và Lục Chân Lạp. Thám sát bằng Lidar đã khám phá ra những phác thảo kinh ngạc trên sàn rừng của các ngôi đền bị quên lãng. Một mạng lưới phức tạp với các đại lộ nghi lễ, kênh đào và những hồ nước nhân tạo của đô thị trung cổ. Ấn tượng nhất là kỹ thuật thủy lực quy mô lớn. Khi dời đô từ Kulen về Angkor khoảng đầu thế kỷ X (902), các kỹ sư Khmer đã lưu trữ và phân phối một lượng nước mưa khổng lồ, bằng cách sử dụng phức hợp mạng lưới các kênh đào và hồ chứa nước đồ sộ.

Nhiều trần đền thờ được đóng lưới để ngăn dơi. Phân dơi sẽ làm hỏng nên đá.

Nghiên cứu các mẫu vòng thân cây đã ghi lại sự thay đổi đột ngột khí hậu lớn. Lidar khám phá ra rằng lụt lội đã gây ra những thiệt hại thảm khốc do mạng lưới thủy lợi trục trặc. Khi cuộc sống bình yên bị đổ vỡ, Angkor bước vào vòng xoáy suy tàn và không thể phục hồi. Theo tín ngưỡng Hindu, ngoài các đền đài vĩnh cửu được xây bằng đá, các nhà dân và cung điện hoàng gia đều được làm bằng gỗ, không đủ sức chịu đựng với thời gian và khí hậu, cả thiên tai lẫn nhân tai. Hiện nay ở quần thể Angkor đang diễn ra cuộc tỉ thí âm ỉ mà quyết liệt, một bên là cây (đa phần là cây tung và cây đa), một bên là đá; thời gian là trọng tài. Mấy trăm năm nay bất phân thắng bại.

Những phiến đá mới có đường nét sắc cạnh, không mềm mại và sống động như nguyên thủy.

Sau hơn 20 năm ổn định, từ thàng 2.2017, quần thể Angkor đổi chủ quản lý; từ tập đoàn tư nhân Sokha và ủy ban Apsara qua liên bộ Du Lịch, Văn Hóa, Tài Chính. Đồng thời tăng giá vé từ 20 usd lên 37 usd ngày, trích lại 2 usd mỗi vé vào quỹ Từ thiện cho bệnh viện Nhi Boupha ở Siem Reap. Giá 3 ngày là 62 usd, 1 tuần là 72 usd. Tất cả người Khmer và những ai sinh ra ở Campuchia đều được miễn vé tham quan các di sản do tổ tiên họ để lại. Quần thể Angkor là đền thờ theo phong cách Hindu và Buddhist pha trộn. Người dân viếng các đền trong quần thể để cầu “Quốc thái dân an” chứ không cầu dành lợi, bổng lộc, chức tước. Mời bạn đọc xem một số ảnh thú vị ở Angkor.

Nguyễn Văn Mỹ (Lửa Việt Tours). Ảnh: Vũ Linh Phương

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
3 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Angkor vẫn ngàn đời kỳ bí