Giờ nhắc lại, bọn trẻ nghe như chuyện cổ tích. Chúng đâu nghĩ rằng cha ông chúng lúc nhỏ đã sống một thời chưa xa hãi hùng và hãnh diện như vậy.

Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ (tiếp)

Nguyễn Thông | 11/07/2017, 10:08

Giờ nhắc lại, bọn trẻ nghe như chuyện cổ tích. Chúng đâu nghĩ rằng cha ông chúng lúc nhỏ đã sống một thời chưa xa hãi hùng và hãnh diện như vậy.

Tôi còn nhớ như in cái ngày loa truyền thanh thông báo máy bay Mỹ khởi đầu ném bom miền Bắc. Chiếc loa nhỏ xíu màu xanh nhạt bằng gỗ gắn trên tường mà thời ấy quen gọi là loa kim báo rằng hôm 5.8.1964 Mỹ đã ném bom bắn phá ngoài vùng mỏ Quảng Ninh, rồi mấy tỉnh miền trong là Thanh Hóa, Quảng Bình. Vậy là chiến tranh đã lan ra tận Hải Phòng quê tôi. Mấy ngày đầu còn hoảng hốt, nhưng sau cảm giác quen dần, thấy cũng bình thường. Nhiều hôm nhìn hàng đàn tàu bay Mỹ nối nhau cao tít trên trời từ biển phía Bàng La, Quần Mục, cửa sông Văn Úc tiến sâu vào đất liền, đám trẻ con chúng tôi thậm chí không chịu nhảy xuống tăng xê hoặc hố cá nhân mà còn nhí nhố chỉ trỏ, chỉ khi nghe bom nổ ùng oàng ở mạn Thượng Lý, cầu Niệm vọng về mới hơi sờ sợ.

Một hôm, thầy Bài dạy toán kiêm phụ trách Đội tập hợp tất cả học trò các khối lớp 5, 6, 7 lại để nghe phổ biến việc “cực kỳ quan trọng”. Tưởng gì, hóa ra được hướng dẫn cách bện thụt rơm (nùn rơm), mũ rơm để “chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ”. Bện thụt dễ hơn đan mũ. Thì cũng giống như mấy ông nông dân bện cái nùn rơm dài khoảng 2 gang tay, mồi lửa cho nó cháy âm ỉ, đem ra đồng để ở đầu bờ, lúc nào nghỉ hút thuốc lào lại thổi phù một nhát là có lửa ngay, khỏi tốn diêm. Rơm bện thụt được chọn thành từng nắm xuôi đều, bện chéo lại to bằng bắp tay hoặc bắp chân, dài như con trăn, cuộn chặt lại thành vòng rơm tròn đồng tâm, thường to hơn nắp hố cá nhân, lấy nẹp tre nẹp chéo lại cho khỏi bung. Hằng ngày, người lớn đi làm đồng hoặc trẻ con đi học, ra khỏi nhà là lấy chiếc thụt ấy đeo sau lưng, trông chả khác gì chiếc khiên vững chãi đằng lưng, khi có máy bay liền nhảy ào xuống hố cá nhân, đậy thụt rơm lên trên, thách bọn máy bay tha hồ bỏ bom. Nếu mảnh bom hoặc mảnh đạn cao xạ rơi xuống, cắm vào thụt rơm cái phập, rơm giữ nó lại, người chẳng hề hấn gì.

Bện mũ rơm đòi hỏi phải khéo léo hơn chút. Bện nhỏ, chỉ to hơn ngón chân cái, nếu tính ra chắc dài cả mấy mét, cuộn chắc chắn theo hình chiếc mũ rộng vành. Những đứa cầu kỳ chọn từng sợi rơm vàng óng, làm chóp mũ rất đẹp, vành mũ xòe rộng trùm cả vai. Có những cuộc đua ngấm ngầm xem mũ đứa nào đẹp hơn, chắc hơn. Nhiều chiếc mũ trông như tác phẩm nghệ thuật. Đến giờ tôi vẫn vẩn vơ nghĩ không biết ai là người đã bện cái mũ mà nữ tài tử điện ảnh Mỹ nổi tiếng Jane Fonda từng đội khi cô ấy liều mình sang chứng kiến cuộc kháng chiến của chúng ta năm 1966. Thời đó, hầu như ai cũng thuộc câu thơ ông Tố Hữu viết “Chào các em, những đồng chí tương lai/Mang mũ rơm đi học đường dài”. Của đáng tội, mũ rơm tuy gọn và đẹp thật đấy nhưng hiệu quả không bằng thụt (nùn) rơm. Sau này tôi nhớn rồi, tôi hiểu rằng cái mũ rơm ấy mang tính biểu tượng là chính chứ nó không thể cứu được người, nhất là bị mảnh đạn cao xạ sắc lẻm nhọn hoắt từ trời cao phóng xuống.

Em đội mũ rơm đi học - Ảnh tư liệu/Internet

Sau khi có lệnh sơ tán, vài ngày sau, dân từ nội thành lục tục kéo về. Thường là những nhà thị dân có họ hàng, người thân ở quê thì tự động về nhà người thân, còn gia đình nào không có bà con họ tộc nơi mình đến nơi sơ tán sẽ được HTX sắp xếp vào những nhà còn lại trong xóm. Tình cảm con người đùm bọc nhau lúc giặc giã tao loạn khó khăn thật xúc động, đẹp đẽ. Sau này nhiều đứa trẻ thành thị lớn lên ở vùng quê sơ tán cứ nhớ mãi những kỷ niệm đẹp về mảnh đất và con người nông thôn. Riêng đám trẻ con bản xứ chúng tôi, được làm quen, được chơi, học chung với chúng cũng học hỏi được nhiều điều. Chúng nó ngoài dáng vẻ sạch sẽ, xinh đẹp hơn mình, còn nhanh nhẹn, thông minh hơn, biết nhiều thứ hơn. Mình chỉ nhỉnh hơn chúng tí chút sự chất phác, thật thà, rụt rè thôi.

Cùng lứa với tôi hồi học cấp 2 (1966-1969) trường Thụy Hương, H.Kiến Thụy có những đứa thật khó quên. Tôi vẫn nhớ các bạn Nguyễn Ngọc Châm, Hoàng Liên Thái, Hồ Văn Sử, Trần Hùng, Dương Thế Hùng, Đặng Ngọc Linh, Trần Đức Hậu, Vũ Văn Bình… đều từ phố ngoài Hải Phòng về. Đứa nào cũng cao to, trắng trẻo, giọng nói nhẹ nhõm dễ thương, nhanh nhẹn, học giỏi. Bạn Châm sơ tán ở nhà bác Đạm - bác Đám của tôi xóm trong, bạn Thái ở nhà bác Khể, cu Hậu ở nhà chị Nhắt, cu Bình ở nhà ông Thúy xóm Bến, cu Linh ở nhà ông Hiếu là bác của Linh gần Mả Đò, gia đình cu Sử ở ngay kho HTX Thụy Sơn…

Bạn Châm mới 12 tuổi nhưng cao to phổng phao, rất xinh, ngực đã nhô hẳn lên phải mặc áo ngực, bạn bè gọi là Châm gà tồ, nghe nói là cháu gọi ông Lê Thanh Nghị bằng cậu. Nó học giỏi nhất lớp, cả môn văn và toán, thầy Bài dạy hình học rất quý nó, thầy Phất dạy văn cũng cưng nó, thầy Tơ vật lý thường khen nó. Sau này năm 1969 khi đám sơ tán thấy chiến sự yên yên liền kéo nhau về Phòng gần hết thì nó vẫn ở lại, học chung với tôi xong hết lớp 8 trường cấp 3 Núi Đối rồi mới hồi cư. Nó tốt nghiệp lớp 10 được chọn đi học bên Liên Xô, về nước làm ở Bộ Giáo dục, từng đóng đến chức Vụ phó Vụ Giáo dục mầm non. Làm to nhưng nó vẫn hay về thăm trường cũ, thăm hỏi các thầy cô, bỏ tiền túi góp vào quỹ trường, giúp các thầy cô hoàn cảnh khó khăn. Thầy cô, bạn bè cũ ai cũng quý Châm. Điều buồn nhất là Châm yểu mệnh, mắc ung thư mất sớm khi mới ngoài 40, để lại quá nhiều thương tiếc.

Bạn Hoàng Liên Thái là con một vị giám đốc nhà máy lớn (hình như nhà máy điện Cửa Cấm hoặc cơ khí Duyên Hải chi đó) ở nội thành. Chị nó là Hoàng Liên Hợp còn xinh hơn nó, học trước chúng tôi 1 năm, anh trai cả nó là Hoàng Kim Giao sĩ quan quân đội hy sinh năm 1968 sau này được phong anh hùng, truy tặng giải thưởng Hồ Chí Minh. Trong đám nữ sinh sơ tán, cái Thái là đứa dễ thương nhất, mặt tròn, má phúng phính, cột tóc hai túm hai bên, học văn rất giỏi chả kém gì cái Châm. Tôi rất thích nó, sự yêu thích ngấm ngầm của đứa trẻ nông thôn chất phác trước một cô gái thành thị duyên dáng cùng tuổi mình. Nhưng chỉ thích thế thôi chứ chả dám nói gì, sợ chúng nó chế (ghép đôi), cười cho. Thái hay chia cho tôi kẹo bánh mà cậu mợ (bố mẹ) nó mỗi chủ nhật về thăm đem cho chị em nó. Những viên kẹo có cảm giác còn ngọt trong miệng mãi về sau. Thái và Châm tuy gái thành thị nhưng bện mũ rơm cực giỏi, đẹp, nhanh, đám nông thôn chúng tôi còn khướt mới theo kịp.

Hai thằng Trần Hùng và Dương Thế Hùng cùng sơ tán về thôn Tú Đôi xã Kiến Quốc bên cạnh nhưng lại sang học bên trường cấp 2 Thụy Hương. Cả hai đều học giỏi, nhất là thằng Trần. Thằng này cao to đẹp giai như diễn viên Liên Xô, đến khi học lớp 7 mấy đứa con gái thích nó lắm. Con trai mà lại có má núm đồng tiền. Năm 1969 nó về lại Phòng, nhưng không vào hẳn nội thành mà ở bên này cầu Niệm, gần ngã ba Quán Trữ, vừa đi học vừa giúpbố nó sửa xe đạp cho khách. Những năm ấy thỉnh thoảng tôi phụ thày tôi đẩy xe cải tiến chở dưa hấu ra bán ngoài chợ An Dương, lúc về có vài lần gặp nó, nhưng chỉ nói dăm ba câu là vội về quê bởi đi bộ mà lại kéo xe cải tiến, đường xa gần 20 cây số, có những hôm về đến nhà thì đã tối mịt. Cái thụt rơm của thằng Trần Hùng được nó lấy sơn vẽ hoa văn hình trống đồng Ngọc Lũ trông hệt hiện vật ở nhà bảo tàng trên Hà Nội. Phảicông nhận bọn ngoài phố giỏi, có đầu óc, chứ không quê một cục như lũ chăn trâu chúng tôi.

Thằng Hồ VănSử là đứa nhỏ con nhất trong đám sơ tán, da đen, mặt choắt nhưng khôn ngoan nhất đám. Tôi nhắc đến nó bởi nó là đứa rất khéo tay. Nùn rơm, thụt rơm, mũ rơm mà do nó đan thì nhất hạng, nhiều đứa con gái đan cũng chả khéo đẹp bằng. Nó chọn từng cọng rơm vàng óng, chuốt thật sạch thật đều, đan đều tăm tắp không chìa ra thụt vào như mũ chúng tôi đan. Cái mũ rơm nào của nó ai nhìn cũng thích. Nhiều người nhờ nó đan, nó hãnh diện lắm. Thằng Sử bện thụt rơm cũng giỏi. Hàng thụt chất lượng cao của thằng Sử to dày đẹp nhất lớp. Người nó nhỏ, nó đeo cái thụt rơm sau lưng, trông như cái phản rơm phía sau, chả còn thấy người đâu.

Hôm ấy đang tiết học của cô Cúc dạy địa lý thì báo động. Lớp học sơ tán bên thôn Phương Đôi để cách xa trận địa tên lửa Mả Đò. Cả lớp nhào ra, đứa thì chui vào hầm chữ A, còn đứa nào có thụt rơm thì xuống hố cá nhân đậy thụt lên trên. Có kẻng báo yên, cả bọn lại vào lớp. Nghe thằng Sử kể lại, đang ngồi dưới hố bỗng nghe phựt một nhát trên đầu, trúng ngay thụt rơm. Nói xong, thằng Sử giơ cái lá chắn rơm của nó lên cho cả lớp xem, một mảnh đạn cao xạ màu xanh đen sắc nhọn như lưỡi dao cắm phập vào đó. Cả cô giáo lẫn học trò đều lắc đầu lè lưỡi. Không có cái thụt rơm thì chiều hôm ấy chắc đám ma thằng Sử. Cái thụt rơm đã cứu nó. Sự cẩn thận tài hoa đã cứu nó. Cũng cần nói thêm, hồi chiến tranh phá hoại, dân chúng sợ bom Mỹ thì ít mà sợ mảnh đạn cao xạ thì nhiều. Có hôm tôi ngồi trong hầm chữ A nhà bác Bình tôi ở khu thành phủ cũ xóm Trợ, nghe đạn cao xạ nổ đì đùng trên đầu, mảnh đạn phạt xuống bờ tre rào rào mà phát khiếp.

Giờ nhắc lại, bọn trẻ nghe như chuyện cổ tích. Chúng đâu nghĩ rằng cha ông chúng lúc nhỏ đã sống một thời chưa xahãi hùng và hãnh diện như vậy.

Nguyễn Thông
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện vặt thời đã qua: Chuyện rơm rạ (tiếp)