Diễn biến nóng bỏng của thị trường xăng dầu thời gian qua đã đặt áp lực lên giá của mặt hàng này cuối năm.
Giá xăng, dầu bán lẻ trong nước đã có 2 đợt giảm liên tiếp gần đây, đưa mặt hàng này về ngang mức giá hơn 21.000 đồng/lít. Tuy nhiên, giá bán lẻ trong nước phụ thuộc vào giá thành phẩm xăng dầu thế giới. Theo Bộ Công Thương, bình quân giá thành phẩm thế giới vẫn sẽ biến động bất thường, khó lường trong quý cuối năm.
Từ 15 giờ ngày 1.12, giá xăng E5RON92 không cao hơn 21.679 đồng/lít, giảm 992 đồng/lít; giá xăng RON95-III không cao hơn 22.704 đồng/lít, giảm 1.083 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 23.213 đồng/lít, giảm 1.588 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành lần này (từ ngày 21.11.2022 - 1.12.2022) chịu tác động của các yếu tố như: diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19 tại Trung Quốc; kế hoạch áp giá trần đối với dầu của Nga; diễn biến đồng USD; những thông tin về triển vọng Trung Quốc sẽ nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm và lo ngại OPEC+ sẽ giữ sản lượng không đổi trong cuộc họp sắp tới… Các yếu tố trên đã tác động làm giá xăng dầu có diễn biến tăng giảm đan xen nhưng nhìn chung là giảm.
Bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới giữa kỳ điều hành giá ngày 21.11 và kỳ điều hành ngày 1.12.2022 là: 89,324 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92 (giảm 6,217 USD/thùng, tương đương giảm 6,51% so với kỳ trước); 93,965 USD/thùng xăng RON95 (giảm 7,235 USD/thùng, tương đương giảm 7,15% so với kỳ trước); 115,686 USD/thùng dầu hỏa (giảm 8,788 USD/thùng, tương đương giảm 7,06% so với kỳ trước); 117,690 USD/thùng dầu điêzen (giảm 14,763 USD/thùng, tương đương giảm 11,15% so với kỳ trước); 391,780 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 37,006 USD/thùng, tương đương 8,63% so với kỳ trước).
Sang quý 4, giá thành phẩm xăng dầu thế giới được dự báo hạ nhiệt, về 89 - 93 USD một thùng, giúp giảm giá bán lẻ trong nước đáng kể, về mức 21.000 - 22.000 đồng/ lít; dầu dao động 14.000 - 23.000 đồng.
Từ đầu năm 2023, thuế bảo vệ môi trường trở lại mức trước đây, tức 4.000 đồng một lít xăng, 3.000 đồng với dầu, giới chuyên gia nhận định giá cơ sở bình quân bình quân năm 2023 với xăng E5RON92, RON 95-III dao động 25.000 - 26.000 đồng một lít; dầu diesel khoảng 20.000 đồng. Các mức giá này được tính toán trên cơ sở dự báo giá thành phẩm xăng dầu thế giới bình quân 100 - 105 USD một thùng, giảm 23 - 25% so với 2022.
Nguồn cung xăng dầu là yếu tố quan trọng quyết định cung ứng đủ cho nhu cầu trong nước, gián tiếp tác động tới giá bán. Ở nửa đầu năm, có thời điểm nguồn cung trong nước "trục trặc" do Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn - đơn vị chiếm 35 - 40% thị phần trong nước - giảm công suất vào cuối tháng 1. Để bổ sung nguồn thiếu hụt từ Nghi Sơn, nhà điều hành phải phân giao tăng nhập khẩu 2,4 triệu m3 xăng dầu trong quý 2 cho 10 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn và Nhà máy lọc dầu Dung Quất cũng phải chạy tăng công suất lên 103 - 105%.
Nửa cuối năm, Bộ Công Thương dẫn báo cáo của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cho biết, kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn khoảng 8,3 triệu m3.
Trong đó, sản lượng cung cấp của 2 nhà máy này trong quý 3 là 3,9 triệu m3 (Dung Quất là 1,98 triệu m3, Nghi Sơn khoảng 2,09 triệu m3).
Lượng cung ứng từ hai nhà máy này sẽ tăng lên khoảng 4,4 triệu m3 trong quý cuối năm. Cùng với sản lượng pha chế condensate từ Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Bộ Công Thương tính toán nguồn cung trong nước 6 tháng cuối năm sẽ đáp ứng 70 - 80% nhu cầu, còn lại 20 - 30% sẽ phải nhập khẩu.
Vì thế, Bộ này cho hay sẽ có kịch bản phân giao sản lượng nhập khẩu cho các doanh nghiệp xăng dầu để bổ sung, bù đắp nguồn hàng thiếu hụt và không để gián đoạn nguồn cung trong nước. Đồng thời, cơ quan quản lý thị trường sẽ tăng kiểm tra, giám sát thị trường và xử lý hành vi găm giữ hàng trong kinh doanh xăng dầu.
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thẳng thắn thừa nhận, đảm bảo nhu cầu tiêu dùng xăng dầu đang là vấn đề hết sức quan trọng, cấp thiết trong thời điểm hiện nay. Bản chất của thị trường nằm ở nguồn cung. Dù nguồn cung xăng dầu trong nước hiện nay đảm bảo được 70 - 80%, nhưng 20 - 30% phải nhập khẩu và dự báo nguồn cung từ nước ngoài từ nay đến cuối năm vẫn “rất căng thẳng”.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú nhận định vấn đề của thị trường xăng dầu "nóng" thời gian qua là "giọt nước tràn ly" sau thời gian dài các chi phí tính vào giá cơ sở không được điều chỉnh đúng thực tế. Theo ông, việc chậm điều chỉnh chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp là trách nhiệm của Bộ Tài chính, hành động chậm. Việc để cho doanh nghiệp đầu mối, phân phối có hàng nhưng không nhập về cửa hàng để bán lẻ cho người tiêu dùng là trách nhiệm của Bộ Công Thương trong quản lý nguồn dự trữ.