Năm 2022 sẽ được nhớ tới với cuộc khủng hoảng lớn nhất của ngành năng lượng thế giới.
Cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine đã làm đổ vỡ các chuỗi cung ứng năng lượng vốn tồn tại trong hàng thập niên, khiến các nền kinh tế lớn trên thế giới phải tìm kiếm những nguồn thay thế và gây ra tình trạng hỗn loạn trên thị trường toàn cầu.
Cơ hội
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng khí đốt, thì tình thế bức thiết này là bước ngoặt quan trọng để thế giới chuyển mình hướng đến những nguồn năng lượng sạch hơn, bền vững hơn. Điện mặt trời, điện gió, điện khí, điện từ rác thải sinh hoạt hay điện hạt nhân trở thành các nguồn cung cấp “chủ động” trong mọi hoàn cảnh để tránh phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch vốn đang bị bào mòn một cách thái quá dẫn đến cạn kiệt.
Nằm ở vùng bán sơn địa tỉnh An Giang, Nhà máy Điện mặt trời An Hảo nổi lên và làm dậy sóng cộng đồng mạng, khách du lịch trong và ngoài nước bởi vẻ tráng lệ rất đỗi hùng vĩ: Tựa lưng vào Thiên Cấm Sơn - một ngọn núi vô cùng xinh đẹp về cảnh sắc, khí hậu trong lành và rất uy linh; xung quanh là đồng ruộng bát ngát xanh, xen lẫn những phum sóc người dân tộc Khmer yên bình. Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ làm say đắm lòng người.
Nếu xét về hiệu quả, có thể khẳng định đây là nhà máy điện mặt trời đang hoạt động ổn định nhất và phát công suất thiết kế tối đa. Ngay từ khi mới chỉ là trên dự án, nhà đầu tư đã đặt yếu tố “tuổi thọ của pin”, chất lượng, giá trị đầu tư và trên hết là uy tín, danh tiếng của “người tiên phong” khai thác năng lượng sạch lên hàng đầu. Do đó, thật dễ hiểu vì sao nhà đầu tư đã cất công sàng lọc để chọn ra đối tác xứng đáng nhất cho việc thi công công trình.
Sáu năm trước, được sự tư vấn ngay từ ban đầu của USAID Việt Nam, Nhà máy Điện mặt trời An Hảo có tổng vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng, công suất phát điện 210MWp, trải rộng trên diện tích khoảng 275ha, do Sao Mai Group làm chủ đầu tư, đã thể hiện được những bước đi thật sâu sắc, tính chuyên nghiệp và chiến lược tham gia lĩnh vực năng lượng sạch rất khoa học. Công trình nằm tại xã An Hảo, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang, có sức sản xuất lượng điện năng hơn 302 triệu KWh/năm.
Từ khi nhà máy đi vào vận hành, đoàn USAID Việt Nam đã nhiều lần trở lại xem xét để có sự đánh giá khách quan. Mới đây, đoàn đã đến thăm và bất ngờ về sự ấn tượng về kiến trúc cảnh quan, tính hiệu quả mang lại cho ngành năng lượng quốc gia. Đặc biệt, sự khởi sắc từng ngày đã nâng tầm đẳng cấp của Sao Mai Solar trở thành nhà máy điện mặt trời đẹp nhất Việt Nam. Chính điều đó càng khẳng định tầm nhìn thông thái của nhà đầu tư cho lộ trình”bén duyên” với nắng. Nơi đây là điểm đến của rất nhiều đoàn du khách trong và ngoài nước về sự hùng vĩ và sắc màu cuộc sống ở vùng tây nam tổ quốc.
Trong khu tham quan Nhà máy Điện mặt trời An Hảo trồng rất nhiều các loại cây khác nhau như thông, vạn tuế, tùng và có những cây di sản như cây me cổ thụ trên 300 năm tuổi, cây da cô đơn vạn niên được bảo tồn, vun bồi. Bên cạnh đó là khu thiền niệm Bàn Tay Phật có hướng nhìn về núi Cấm được nhà đầu tư tôn tạo thật công phu. Những ngày mờ sương nơi rẻo cao, các khu vườn xanh đung đưa trước những giọt sương sớm lấp lánh, làm cho bầu không khí càng trở nên bừng sáng và trong trẻo hơn, gột rửa tâm hồn trở nên thanh khiết tĩnh lặng trước bộn bề áp lực.
Chất lượng cuộc sống ngày càng được nâng cao, vì thế, những đòi hỏi của du khách sẽ không có giới hạn. Nhà máy Điện mặt trời An Hảo là điểm đến thật xanh - sạch - đẹp, chứng minh cho một phong cách làm du lịch văn minh. Áp xanh An Hảo mang sứ mệnh không gian đáng mong đợi trong năm 2023 đang trỗi lên khúc chào xuân mới với những diệu kỳ chốn non thiêng.