Apple từng hợp tác với BYD nhiều năm như một phần trong dự án ô tô bị hủy bỏ hồi tháng 2, nhằm phát triển các loại pin xe điện tầm xa giúp đặt nền móng cho công nghệ được sử dụng ngày nay, theo trang Bloomberg.
Apple và hãng ô tô lớn nhất của Trung Quốc hợp tác vào năm 2017 để xây dựng một hệ thống pin sử dụng các cell lithium sắt phosphate (LFP). Công nghệ này được thiết kế để có tầm hoạt động xa hơn và an toàn hơn so với các loại pin ô tô điện thông thường thời điểm đó.
1. Cell dùng để chỉ các viên pin (hoặc tế bào pin). Trong lĩnh vực năng lượng và ô tô điện, cell thường là một đơn vị cơ bản của pin, có thể được kết hợp thành các mô đun hoặc gói pin lớn hơn để cung cấp năng lượng cho các thiết bị và phương tiện.
2. Pin LFP là một loại pin sạc lại thuộc dòng pin lithium. Trong đó, vật liệu cathode (cực dương) của pin sử dụng hợp chất lithium iron phosphate.
Đặc điểm nổi bật của pin LFP
An toàn cao: So với các loại pin lithium ion khác, pin LFP có độ ổn định nhiệt cao hơn, ít xảy ra tình trạng cháy nổ, đảm bảo an toàn cho người sử dụng.
Tuổi thọ dài: Pin LFP có chu kỳ sạc xả lên đến 2.000 - 3.000 lần, gấp nhiều lần so với các loại pin khác. Điều này giúp giảm chi phí thay thế pin trong dài hạn.
Hiệu suất cao: Mặc dù có độ an toàn cao nhưng pin LFP vẫn đảm bảo được hiệu suất hoạt động tốt, với mật độ năng lượng cao và khả năng xả nhanh.
Khả năng chịu nhiệt tốt: Pin LFP hoạt động ổn định trong một khoảng nhiệt độ rộng, từ -20°C đến 60°C.
Thân thiện với môi trường: Quá trình sản xuất và sử dụng pin LFP ít gây ô nhiễm môi trường hơn so với các loại pin khác.
Ứng dụng của pin LFP
Ô tô điện: Pin LFP được sử dụng rộng rãi trong các loại ô tô điện, xe hybrid nhờ khả năng cung cấp năng lượng ổn định và tuổi thọ cao.
Hệ thống lưu trữ năng lượng: Pin LFP được ứng dụng để lưu trữ năng lượng từ các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.
Thiết bị điện tử: Pin LFP được sử dụng trong các thiết bị điện tử di động, máy tính xách tay, thiết bị y tế...
Thiết bị điện công nghiệp: Pin LFP được sử dụng trong các thiết bị điện công nghiệp như xe nâng, xe golf...
Dù Apple không sở hữu bất kỳ công nghệ nào được sử dụng trong pin Blade hiện tại của BYD, mối quan hệ hợp tác này cho thấy nhà sản xuất iPhone đã tiến xa đến mức nào trong nỗ lực sản xuất ô tô. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã chi khoảng 1 tỉ USD mỗi năm trong 1 thập kỷ qua cho dự án ô tô này, từng được coi là “điều lớn tiếp theo” của công ty, trước khi hủy bỏ vào tháng 2.
Công nghệ mà Apple phát triển cùng BYD sẽ được tùy chỉnh cao cho chiếc ô tô từng được lên kế hoạch. Là một phần quan hệ đối tác bí mật, các kỹ sư Apple đã mang đến chuyên môn về gói pin tiên tiến và quản lý nhiệt, theo nguồn tin của trang Bloomberg. BYD đã đóng góp bí quyết sản xuất và những tiến bộ bằng cách sử dụng các cell LFP.
Người phát ngôn của Apple và BYD từ chối bình luận công việc chung về pin. Thế nhưng, BYD cho biết trong một tuyên bố qua email rằng “khái niệm về pin Blade bắt nguồn từ kỹ sư BYD, những người đã độc lập phát triển loại pin Blade LFP này. BYD nắm giữ toàn bộ quyền sở hữu và quyền sáng chế với pin Blade”.
Ngày nay, toàn bộ dòng ô tô của BYD đều được cung cấp năng lượng bởi hệ thống Blade, sử dụng thiết kế gói pin mà những người tham gia phát triển nói là lấy cảm hứng từ những bài học trong quá trình hợp tác với Apple.
Quá trình hợp tác giữa Apple và BYD bắt đầu từ khoảng 10 năm trước, khi gã khổng lồ công nghệ Mỹ tìm kiếm các công nghệ quan trọng để phát triển ô tô của họ.
Các kỹ sư BYD đã giới thiệu trước những phiên bản đầu tiên của pin Blade cho lãnh đạo Apple, vốn rất ngưỡng mộ khả năng lưu trữ năng lượng và sự an toàn của công nghệ này. Cuối cùng Apple đã tìm kiếm các tùy chỉnh có thể nâng cao phạm vi hoạt động của ô tô điện, theo Bloomberg.
Thời điểm đó, Apple đã nghiên cứu một số loại pin khác nhau, sử dụng các nguyên tố như niken và kiềm. Công ty có trụ sở ở thành phố Cupertino (bang California, Mỹ) đã đầu tư hàng triệu USD vào thiết kế và kỹ thuật gói pin để đưa vào càng nhiều cell càng tốt. Hai hãng đã tìm cách kết hợp các nỗ lực riêng biệt về gói pin và cell để tạo ra một hệ thống pin tầm xa và an toàn cho ô tô Apple.
Về phía Apple, sự hợp tác này được dẫn dắt bởi Alexander Hitzinger, cựu giám đốc cấp cao của Volkswagen và Porsche. Ông giám sát thiết kế sản phẩm cho dự án ô tô của Apple từ năm 2016 đến 2019. Apple đã chiêu mộ Mujeeb Ijaz, chuyên gia từng làm việc tại A123 Systems - công ty khởi nghiệp pin thất bại của Mỹ. Mujeeb Ijaz làm việc tại Apple từ năm 2014 đến 2020.
Mujeeb Ijaz đã giám sát một nhóm gồm khoảng 50 kỹ sư pin làm việc trong dự án. Người đồng cấp so với Mujeeb Ijaz tại BYD là Phó chủ tịch mảng kinh doanh pin Michael He.
Blade hiện là một tính năng đặc trưng trên ô tô BYD và điểm nhấn bán hàng. Công ty đã dựa vào phạm vi hoạt động được cải thiện, độ an toàn tương đối và chi phí thấp hơn để tạo ra doanh số 3 triệu ô tô điện và xe hybrid vào năm 2023, tăng từ 179.054 chiếc trong ba năm trước đó.
Hiện tại, BYD là hãng sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc về doanh số và từng vượt qua Tesla trong một thời gian ngắn để trở thành công ty bán xe điện hàng đầu toàn cầu. Tỷ phú Wang Chuanfu, người sáng lập và Chủ tịch BYD, từng là một kỹ sư pin.
Dù hợp tác nhiều năm với BYD, Apple đã rút lui khỏi quan hệ đối tác và cân nhắc các hệ thống từ nhà sản xuất pin khác, Bloomberg đưa tin. Dự án ô tô của Apple bị trì hoãn nhiều lần và chi phí cũng như thách thức kinh doanh trong lĩnh vực xe điện trở nên quá phức tạp, khó khăn để tiếp tục.
Khi Apple hủy bỏ dự án ô tô, đây là thất bại lớn hiếm hoi với công ty có giá trị nhất thế giới. Thế nhưng, nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ của Apple đã chứng minh là hữu ích theo một số cách. Ngoài những hiểu biết về pin thu được từ nỗ lực này, nó giúp Apple phát triển các sản phẩm như kính thực tế hỗn hợp Vision Pro và bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI) Neural Engine hiện có trong hầu hết thiết bị của mình. Công trình này cũng góp phần vào nỗ lực mới mẻ của Apple trong lĩnh vực robot.
Apple tiến vào ngành robot để tìm bước đột phá khác ngoài iPhone
Apple đang khám phá bước tiến vào ngành robot với mục tiêu không chỉ thâm nhập vào cuộc sống hằng ngày của người dùng mà còn đa dạng hóa sản phẩm cho công ty.
Khi cân nhắc xem nên bán sản phẩm mới nào, các lãnh đạo Apple nhận ra rằng họ đang gặp phải một chút khó khăn: Các thiết bị công ty hiện đã len lỏi vào hầu hết mọi khía cạnh trong cuộc sống của người tiêu dùng.
Họ nhận thông tin và được giải trí thông qua iPhone, iPad, Mac, hộp giải mã Apple TV. Tai nghe AirPods và Beats truyền âm thanh đến tai người dùng. Apple Watch cho phép khách hàng xem tình hình sức khỏe và thể chất của mình. Apple thậm chí còn đang cố gắng thay đổi cách nhiều người nhìn thế giới thông qua kính thực tế hỗn hợp Vision Pro.
Công ty luôn có thể cải tiến các thiết bị đó (làm cho chúng nhỏ hơn, tăng thời lượng pin hoặc tăng tốc bộ xử lý), nhưng rất khó để tìm ra một sự đổi mới mang tính đột phá.
Apple không tạo được danh mục sản phẩm mới với dự án ô tô tự lái của mình. Dự án này đã bị đóng cửa vào đầu năm nay.
Dù giấc mơ bán ô tô tự lái không thành hiện thực, Apple vẫn tận dụng những công nghệ cốt lõi từ dự án đó để phát triển sản phẩm khác. Vào khoảng năm 2020, Apple bắt đầu khám phá ý tưởng để các sản phẩm khác di chuyển thông qua robot và nỗ lực này vẫn tiếp tục đến ngày hôm nay.
Thế nhưng, Apple vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm ra cách tốt nhất để sử dụng robot. Trường hợp đang thử nghiệm sẽ là thiết bị để bàn có tên mã J595, kết hợp màn hình lớn giống iPad với camera và đế có bộ truyền động robot. Sản phẩm đó có thể sẽ ra mắt vào khoảng năm 2026 hoặc 2027, tiếp đến là robot di động và thậm chí có thể là mô hình giống người trong thập kỷ tới.
Với robot, Apple tin rằng có thể giải quyết hàng loạt các vấn đề của thế giới thứ nhất, chẳng hạn:
- Thiết bị chỉ hữu ích nếu người dùng có thể chạm vào nó. Có nhiều trường hợp bạn có thể muốn sử dụng máy tính nhưng nó không ở gần, hoặc tay đang bận làm việc khác. Có thể bạn đã để quên một thiết bị trong văn phòng tại nhà, nhưng đang ở trong bếp hoặc phòng khách và cần đến nó.
- Bạn có thể muốn chụp ảnh đồ vật hoặc khởi chạy phiên họp hội nghị truyền hình, nhưng không cầm thiết bị hoặc ngồi trực tiếp trước nó.
- Bạn có thể muốn vận hành hoặc kiểm tra một thứ gì đó trong nhà khi không ở nhà.
Ví dụ, việc gắn một cánh tay robot vào iPad có khả năng giúp thiết bị hữu ích hơn cho hội nghị truyền hình hoặc duyệt web. Nếu bạn đang bận rộn trong bếp, nó có thể xoay màn hình để hướng về phía bạn.
Thế giới thứ nhất là thuật ngữ thường được sử dụng để chỉ các quốc gia phát triển, có nền kinh tế ổn định, chất lượng cuộc sống cao và công nghệ tiên tiến. Những quốc gia này thường có thu nhập bình quân đầu người cao, hệ thống y tế và giáo dục phát triển và đóng góp lớn vào nền kinh tế toàn cầu.
Một ngày nào đó, robot của Apple có thể tiến xa hơn nữa. Công ty đã hình dung ra những cỗ máy có thể làm việc nhà như chất đồ vào máy giặt hoặc rửa sạch đĩa bẩn, nhưng điều đó vẫn còn quá xa trong tương lai. Thế nên những ý tưởng này chưa vượt ra ngoài những bản phác thảo trên bảng trắng.
Những tiến bộ trong AI cũng sẽ thúc đẩy phát triển ý tưởng trên. Rõ ràng là AI sẽ là cốt lõi của bất kỳ thiết bị robot nào trong tương lai. Tuy nhiên, Apple cũng có thể áp dụng chuyên môn của mình về cảm biến, silicon tiên tiến, kỹ thuật phần cứng và pin, cũng như khả năng lập bản đồ không gian xung quanh các thiết bị.
Với tất cả những điều đó, một số người trong nội bộ Apple cho rằng đây là thời điểm hoàn hảo để giải quyết vấn đề robot. Việc đóng cửa dự án ô tô, vốn có hàng trăm kỹ sư giàu kinh nghiệm về công nghệ tự lái và hệ thống robot, đã giúp giải phóng nguồn lực để theo đuổi ý tưởng này một cách tích cực. Song, những người khác lại cho rằng thật cường điệu khi mô tả robot là một ranh giới mới lớn mà Apple có thể chinh phục.
Một thiết bị robot thành công có thể giúp Apple đột phá vào ngôi nhà thông minh, lĩnh vực mà công ty vẫn còn kém xa Amazon và Google. Robot để bàn có thể là thứ giúp các thiết bị trong nhà của Apple nổi bật.
Công việc về robot do Kevin Lynch, Phó chủ tịch công nghệ của Apple trước đây điều hành đội ngũ ô tô cũng như kỹ thuật phần mềm đồng hồ, chỉ đạo. Kevin Lynch sẽ báo cáo với trưởng bộ phận AI của Apple và làm việc cùng các nhóm robot trong bộ phận kỹ thuật phần cứng. Gần đây, Apple đã tuyển dụng các chuyên gia hàng đầu về robot từ những nơi khác, gồm cả Technion ở Israel.
Một phần quan trọng của công việc về robot là tạo ra một đặc tính. Khi Siri là trợ lý kỹ thuật số trên các thiết bị hiện tại của Apple, công ty đang nghiên cứu giao diện giống con người khác dựa trên AI tạo sinh. Theo nhà báo công nghệ nổi tiếng Mark Gurman, giao diện này có thể chạy trên sản phẩm để bàn và các thiết bị robot khác của Apple trong tương lai.