Apple đang chạy đua để xây dựng kho phần mềm và dịch vụ cho tai nghe thực tế hỗn hợp sắp ra mắt, cố thu hút người dùng bằng các ứng dụng sử dụng giao diện 3D mới lạ trên thiết bị.
Các dịch vụ sẽ bao gồm công cụ chơi game, tập thể dục và cộng tác, các phiên bản mới của các tính năng iPad hiện có, cùng những dịch vụ để xem thể thao. Những người có kiến thức về kế hoạch chia sẻ thông tin này với trang Bloomberg.
Tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple trị giá khoảng 3.000 USD sẽ trình làng tại sự kiện vào tháng 6, với sản phẩm sẽ được bán ra vài tháng sau đó.
Các sản phẩm phần cứng của Apple từ lâu phụ thuộc vào việc có nhiều bộ sưu tập phần mềm mạnh mẽ - tiêu biểu là khẩu hiệu thời Steve Jobs: "Có một ứng dụng cho điều đó". Thế nhưng, Apple phải chịu nhiều áp lực hơn khi nói đến tai nghe thực tế hỗn hợp, một công nghệ sẽ không quen thuộc với nhiều người tiêu dùng và rất đắt tiền ngay từ đầu. Apple sẽ phải thuyết phục cả thế giới về lý do tại sao người dùng cần một thiết bị như vậy và cách sử dụng nó.
Một phần quan trọng của nỗ lực là điều chỉnh các ứng dụng iPad cho tai nghe thực tế hỗn hợp, kết hợp giữa thực tế ảo (VR) và thực tế tăng cường (AR). Người dùng sẽ có thể truy cập hàng triệu ứng dụng hiện có từ các nhà phát triển bên thứ ba thông qua giao diện 3D mới, theo nguồn tin yêu cầu giấu tên vì các kế hoạch vẫn đang được hoàn thiện. Trong số này có các phiên bản được tối ưu hóa của trình duyệt web Safari và các dịch vụ Apple dành cho lịch, danh bạ, file, điều khiển nhà, gửi email, bản đồ, nhắn tin, ghi chú, ảnh, lời nhắc cũng như các ứng dụng âm nhạc, tin tức, cổ phiếu và thời tiết. Ngoài ra còn có một phiên bản của dịch vụ hội nghị FaceTime và ứng dụng Apple TV. Các tính năng sẽ trông giống ứng dụng tương tự trên iPad.
Ngoài các ứng dụng cốt lõi, công ty đang phát triển một phiên bản Apple Books dành cho tai nghe, giúp người dùng đọc trong thực tế ảo. Apple cũng đang thử nghiệm một ứng cho phép chụp ảnh từ tai nghe. Về mặt chăm sóc sức khỏe, một ứng dụng sẽ giúp người đeo tai nghe giảm căng thẳng với hàng loạt đồ họa, âm thanh và giọng nói êm dịu.
Điểm nổi bật khác là Apple cũng đang làm việc trên một phiên bản của dịch vụ Fitness+ cho tai nghe, giúp người dùng tập thể dục khi xem một huấn luyện viên trong thực tế ảo. Đang dẫn đầu thị trường về các tai nghe thực tế ảo, Meta Platforms cũng đã cố gắng tạo các bài tập thể dục cho các sản phẩm của họ.
Apple đang phát triển một phiên bản của ứng dụng hợp tác Freeform cho tai nghe, một nỗ lực mà công ty xem như là điểm bán hàng chính cho sản phẩm. Ra mắt trên các thiết bị khác của Apple vào năm ngoái, Freeform cho phép người dùng làm việc trên các bảng trắng ảo cùng nhau khi ở trong thực tế hỗn hợp.
Trong khi đó, FaceTime sẽ có các phiên bản 3D của người dùng trong các phòng họp ảo, theo Bloomberg. Ý tưởng là làm cho những người tham gia cảm thấy như đang trò chuyện với nhau ở cùng nơi - mục tiêu của kính thực tế ảo trong một thời gian dài. Meta Platforms đã theo đuổi một mục tiêu tương tự với tai nghe Quest của mình, nhưng đến nay nó vẫn chưa được chứng minh là tính năng bắt buộc phải có với hầu hết người dùng.
Thách thức cho tai nghe thực tế hỗn hợp của Apple là trở thành sản phẩm không chỉ ở một thị trường nhỏ. Các mô hình thực tế hỗn hợp hiện có chưa tạo được động lực lớn và thiếu những ứng dụng đột phá giống như những ứng dụng thúc đẩy iPhone trở thành phổ biến như hiện tại.
Apple muốn chứng minh rằng tai nghe thực tế hỗn hợp là một cách mới, hấp dẫn để vừa tạo vừa tiêu thụ nội dung. Hy vọng của Apple là tạo ra một nền tảng có thể thay thế iPhone, song điều này có lẽ còn xa vời. Việc thu hút các nhà tạo ứng dụng đến với sứ mệnh này là rất quan trọng. Điều đó được nhấn mạnh bởi nơi mà Apple chọn để ra mắt tai nghe thực tế hỗn hợp: Hội nghị các nhà phát triển toàn cầu (WWDC). Một số kỹ sư của Apple đã làm việc liên tục 80 giờ/tuần để chuẩn bị cho sự kiện đó, được lên lịch vào ngày 5.6.
Một điểm bán hàng cho tai nghe thực tế hỗn hợp sẽ là xem thể thao theo cách nhập vai. Công ty đã cung cấp các game từ Major League Soccer và Major League Baseball trên Apple TV+, nhưng đang tìm cách làm cho trải nghiệm đó trở nên phong phú hơn. Vào năm 2020, Apple đã mua lại một công ty ở bang Nam California (Mỹ) có tên NextVR để tăng cường nỗ lực này.
Video nhập vai cũng sẽ mở rộng sang ứng dụng TV, nơi công ty đang lên kế hoạch cho phép người dùng xem video trong các môi trường ảo khác nhau, chẳng hạn sa mạc hoặc bầu trời.
Apple nhắm đến việc định vị tai nghe như một thiết bị để hoàn thành công việc. Nền tảng này sẽ hỗ trợ xử lý văn bản Pages, bảng tính Numbers và ứng dụng bản chiếu Keynote, cũng như iMovie và GarageBand để sản xuất video và âm nhạc.
Game sẽ là yếu tố trung tâm tạo sức hút của thiết bị. Điều này là sự đảo ngược so với lập trường của Apple trước đây trong quá trình phát triển sản phẩm, khi hãng không có kế hoạch tập trung nhiều vào danh mục đó.
Apple đã làm việc với một số nhà phát triển trong nhiều tháng để giúp họ nâng cấp phần mềm hiện có của mình cho thực tế hỗn hợp. Khoảng thời gian giữa việc công bố tai nghe thực tế hỗn hợp và bán ra sản phẩm sẽ cho phép các nhà phát triển có thời gian tối ưu hóa ứng dụng của họ cho nền tảng mới.
Một phần quan trọng của sản phẩm sẽ là dial, giống vương miện kỹ thuật số trên Apple Watch, cho phép người đeo chuyển đổi giữa VR và AR. Khi ở chế độ VR, người dùng sẽ hoàn toàn đắm chìm trong ứng dụng của họ. Khi AR được kích hoạt, họ sẽ nhìn thấy thế giới thực xung quanh một cách tương tự như trải nghiệm ARKit trên iPhone và iPad.
Thiết bị mới của Apple có khả năng chạy nhiều ứng dụng cùng lúc, nổi trên giao diện thực tế hỗn hợp. Giống như các tai nghe đầu cuối khác, sản phẩm sẽ ghi nhớ vị trí vật lý của bạn khi dùng các ứng dụng. Ví dụ, nếu người dùng chạy trình duyệt web từ căn bếp, đi vào một phòng khác và sau đó trở lại, trình duyệt sẽ xuất hiện trở lại.
Nhiều ứng dụng iPad từ App Store sẽ có thể chạy trên tai nghe thực tế hỗn hợp, tự động hoặc với những sửa đổi nhỏ. Hệ điều hành của thiết bị là xrOS, được xây dựng dựa trên iOS, tạo nền tảng cho khả năng tương thích đó. Tất cả đều nằm trong nỗ lực rộng lớn hơn của Apple nhằm giúp các ứng dụng chạy liền mạch hơn trên phần cứng của hãng, gồm cả máy Mac, iPhone và iPad.
Người đeo sẽ có thể vận hành tai nghe thực tế hỗn hợp bằng cử chỉ mắt và tay. Nó có thể xác định nơi người dùng đang tìm kiếm và sau đó bạn có thể chụm ngón tay để chọn các mục rồi di chuyển qua các menu. Thiết bị sẽ có bàn phím ảo trong không khí nhưng cũng có thể kết nối với bàn phím thực để cải thiện năng suất.
Màn hình chính của tai nghe thực tế hỗn hợp sẽ trông giống iPad và cung cấp trung tâm điều khiển quen thuộc để điều chỉnh Wi-fi, Bluetooth, mức âm lượng. Giống như iPad, tai nghe thực tế hỗn hợp cũng sẽ có một hệ thống sinh trắc học để mở khóa thiết bị. Tuy nhiên, nó sẽ dựa vào việc quét mắt của người dùng thay vì khuôn mặt hoặc dấu vân tay.
Tai nghe thực tế hỗn hợp còn sẽ có một nét quen thuộc khác: Điều khiển bằng giọng nói Siri.