Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đua nhau "giành ánh đèn sân khấu" vào ngày đầu tiên của Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023 hôm 18.4, thu hút đám đông lớn khi Tesla vắng mặt.

Các hãng xe điện Trung Quốc khoe tính ưu việt so với Tesla ở Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023

Sơn Vân | 19/04/2023, 10:40

Các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đua nhau "giành ánh đèn sân khấu" vào ngày đầu tiên của Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023 hôm 18.4, thu hút đám đông lớn khi Tesla vắng mặt.

Nio, Xpeng và Li Auto, ba nhà sản xuất ô tô điện cao cấp Trung Quốc, đã tận dụng sự kiện này để thuyết phục khách tham quan rằng sản phẩm của họ vượt trội hơn xe Tesla ngay cả khi cuộc chiến giá cả phủ bóng đen lên triển vọng của ngành công nghiệp ô tô quốc gia.

Tại gian hàng Xpeng, các giám đốc bán hàng khoe chất lượng ô tô điện của công ty, khẳng định họ có lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ về công nghệ lái xe tự động mà không giải thích chi tiết.

cac-hang-o-to-dien-trung-quoc-khoe-tinh-uu-viet-so-voi-tesla1.jpg
Chiếc SUV XPeng G6 ra mắt toàn cầu tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023 - Ảnh: Bloomberg

Được hỗ trợ bởi gã khổng lồ thương mại điện tử Alibaba, Xpeng (có trụ sở tại thành phố Quảng Châu, Trung Quốc) đã ra mắt G6, chiếc ô tô điện thể thao đa dụng hạng trung, mà Chủ tịch Brian Gu của hãng nói có khả năng cạnh tranh về thiết kế, giá cả và hiệu suất.

Sẽ cạnh tranh với Model Y của Tesla, G6 có giá khởi điểm từ 261.900 nhân dân tệ (38.088 USD) và đi được 545 - 610 km sau mỗi lần sạc.

G6 được trang bị phần mềm lái xe tự động độc quyền X NGP của Xpeng, tương tự như hệ thống hỗ trợ lái xe tiên tiến FSD của Tesla.

FSD chưa được chấp thuận sử dụng ở Trung Quốc. Ô tô điện Tesla cũng bị cấm vào các khu liên hợp quân sự và địa điểm họp chính trị của Trung Quốc trong bối cảnh lo ngại về camera lắp trên xe.

Xpeng cho biết hệ thống lái tự động X NGP của họ có thể hiệu quả khoảng 90% so với tài xế và hệ thống cập nhật với tính năng lái tự động trong tất cả tình huống “từ khởi động đến đỗ xe” sẽ được triển khai vào năm 2024. Xpeng không tiết lộ giá của G6.

cac-hang-o-to-dien-trung-quoc-khoe-tinh-uu-viet-so-voi-tesla.jpg
Những chiếc ô tô điện Xpeng, Nio và Li Auto thu hút sự quan tâm của lượng lớn người tham gia Triển lãm ô tô Thượng Hải - Ảnh: AFP

Xpeng, Nio và Li Auto được coi là câu trả lời tốt nhất của Trung Quốc cho Tesla, công ty dẫn đầu hiện tại trong phân khúc ô tô điện cao cấp ở nước này.

Tesla sẽ không bình luận về lý do tại sao không tham gia Triển lãm ô tô Thượng Hải.

Ở lần tổ chức trước vào năm 2021, một phụ nữ mặc áo phông có dòng chữ “trục trặc phanh” và logo Tesla đã nhảy lên đầu ô tô điện hãng này để phản đối về vấn đề chất lượng. Một ngày sau đó, Tesla đã xin lỗi về vấn đề mà người phụ nữ gặp phải.

Tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023, hàng trăm du khách tập trung tại gian hàng Nio, Xpeng và Li Auto để xem xét kỹ hơn ô tô điện của ba hãng này.

William Li, đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Nio, cho biết ông không coi công ty là đối thủ trực tiếp của Tesla. Theo William Li, xe điện Nio có giá cao hơn Tesla, hơn hẳn Model 3 và Model Y về thiết kế, công nghệ và hiệu suất.

Giám đốc bán hàng Li Auto cho biết công ty này đã nhận được một lượng lớn đơn đặt hàng trong ngày đầu tiên triển lãm.

cac-hang-o-to-dien-trung-quoc-khoe-tinh-uu-viet-so-voi-tesla11.jpg
Chiếc Nio ET7 tại Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023 - Ảnh: AFP

Theo các nhà tổ chức, ước tính hơn 1 triệu người sẽ đến tham dự Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023 (kéo dài 10 ngày), nhiều hơn gần 20% so với 810.000 du khách vào năm 2021.

Khoảng 1.000 hãng lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng ô tô sẽ trưng bày các sản phẩm lẫn công nghệ của họ tại triển lãm năm nay.

Tại Trung Quốc, Tesla phải giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trước áp lực ngày càng tăng từ các nhà sản xuất nội địa như BYD, Nio và Zeekr (thương hiệu của Geely Automobile).

Các hãng ô tô điện Trung Quốc có thể nhận được một cú hích nữa nếu CATL (nhà sản xuất pin Trung Quốc) thực hiện kế hoạch giảm giá mạnh các loại pin được sử dụng trong xe của họ.

Các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sản xuất trong nước có cơ hội tốt để tăng thị phần vào năm 2023 khi người tiêu dùng thắt chặt hầu bao và lựa chọn những chiếc xe rẻ hơn trong bối cảnh kinh tế ảm đạm.

BYD cùng công ty khởi nghiệp như Li Auto và Leapmotor sẽ hưởng lợi từ việc hạ tiêu chuẩn tiêu dùng khi những tài xế chuyển hướng sang các mẫu xe rẻ hơn sau những lo lắng về triển vọng việc làm và tiền lương của họ, các nhà phân tích và đại lý bán hàng cho biết.

Trung Quốc là thị trường ô tô và xe điện lớn nhất thế giới. Có 6,9 triệu ô tô điện được bán ra ở Trung Quốc vào năm 2022, gần gấp đôi con số trong 2021, theo dữ liệu của ngành.

Đây là thị trường rất quan trọng với Tesla, lớn thứ hai sau Mỹ về doanh số. Nhà máy ở Thượng Hải là trung tâm sản xuất lớn nhất của Tesla, bắt đầu hoạt động vào cuối năm 2019. Đó là nhà máy ô tô đầu tiên ở Trung Quốc do một công ty nước ngoài sở hữu hoàn toàn.

Nhà máy ở Thượng Hải sản xuất hai mẫu ô tô điện phổ biến nhất củaTesla, Model 3 và Model Y, phục vụ thị trường châu Á và châu Âu. Nơi đây sử dụng khoảng 20.000 công nhân, có năng lực sản xuất hơn 750.000 ô tô điện mỗi năm và chiếm hơn một nửa sản lượng toàn cầu của Tesla vào năm 2022.

Vào năm 2022, Tesla đã tạo ra doanh thu 18,15 tỉ USD từ Trung Quốc, chiếm hơn 1/5 tổng doanh thu của hãng.

Nhà máy này cắt giảm sản lượng vào tháng 12.2022 và kéo dài thời gian nghỉ lễ hồi tháng 1 để đối phó với lượng hàng tồn kho tăng, trước khi thông báo giảm giá ô tô điện từ 6% đến gần 14% tại Trung Quốc. Đây là một phần của làn sóng giảm giá mà Tesla thực hiện trên toàn cầu trong năm 2023 để kích thích nhu cầu.

Tesla đã thăng chức cho Tom Zhu, Giám đốc điều hành Tesla ở Trung Quốc, để giám sát hoạt động sản xuất và bán hàng toàn cầu của công ty vào đầu năm nay. Việc thăng chức này giúp Tom Zhu trở thành một trong những người kế nhiệm tiềm năng cho Elon Musk với tư cách Giám đốc điều hành Tesla.

Dưới thời Tom Zhu, nhà máy Tesla ở Thượng Hải đã phục hồi nhanh chóng từ sản lượng bị sụt giảm vào năm ngoái do các phong tỏa do đại dịch ở Trung Quốc.

Vào thời gian phong tỏa, Tom Zhu là một trong số những người đầu tiên ngủ trong nhà máy khi Tesla cố gắng duy trì sản lượng ở bối cảnh giới hạn nghiêm ngặt về di chuyển với các công nhân và nhà cung cấp.

Hôm 9.4, Tesla tuyên bố sẽ mở một nhà máy mới ở Thượng Hải. Ban đầu nhà máy này sẽ sản xuất 10.000 pin Megapack mỗi năm, tương đương với khoảng 40 gigawatt giờ lưu trữ năng lượng và bổ sung cho hoạt động của nhà máy sản xuất ô tô điện hiện có ở Thượng Hải.

Tesla hiện có một nhà máy Megapack ở bang California (Mỹ) và các đơn đặt hàng tồn đọng cho đến đầu năm 2025. Theo trang web của Tesla, một pin Megapack có giá dưới 2,7 triệu USD ở California.

Cuối tháng 3, Reuters đưa tin Elon Musk lên kế hoạch đến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4 và tìm kiếm cuộc gặp với Thủ tướng Lý Cường.

Ông Lý Cường đang dẫn đầu các nỗ lực của đất nước để thuyết phục các công ty quốc tế tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc. Cuối tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc phát biểu tại các sự kiện kinh doanh có sự tham dự của Giám đốc điều hành Apple Tim Cook và Giám đốc điều hành Pfizer Albert Bourla.

Trước khi trở thành Thủ tướng Trung Quốc vào tháng 3 vừa qua, Lý Cường từng là Bí thư Thành ủy Thượng Hải, nơi ông giám sát việc xây dựng và khai trương nhà máy của Tesla. Ông Lý Cường và Elon Musk từng gặp nhau trước đó, tại lễ khai trương nhà máy ở Thượng Hải năm 2019. Vào năm 2020, họ đã tham gia một cuộc họp trực tuyến, nơi Elon Musk cảm ơn Bí thư Thành ủy Thượng Hải lúc bấy giờ vì hỗ trợ hoạt động của nhà máy trong thời gian đại dịch bùng phát, theo các phương tiện truyền thông địa phương.

Chuyến đi trước đó của Elon Musk đến Trung Quốc từ đầu năm 2020. Thời điểm này, hình ảnh Elon Musk nhảy múa trên sân khấu tại nhà máy ở Thượng Hải đã lan truyền khắp thế giới, giúp ông càng được nhiều người biết đến.

Bài liên quan
Những vụ triệu hồi ô tô điện gây xôn xao, Tesla báo thêm tin xấu về Model S
Chủ sở hữu ô tô điện Tesla có thể cần phải mang xe đi sửa chữa như một biện pháp phòng ngừa an toàn.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Các hãng xe điện Trung Quốc khoe tính ưu việt so với Tesla ở Triển lãm ô tô Thượng Hải 2023