Theo hãng tin AP, ASEAN thúc đẩy sớm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, khi Ngoại trưởng các nước Hiệp hội Đông Nam Á họp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 6.8 tới.

ASEAN thúc đẩy sớm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông

Trần Trí | 03/08/2017, 12:40

Theo hãng tin AP, ASEAN thúc đẩy sớm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) với Trung Quốc, khi Ngoại trưởng các nước Hiệp hội Đông Nam Á họp người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị vào ngày 6.8 tới.

Cuộc gặp này trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) diễn ra từ ngày 5 đến 8.8 tại thủ đô Manila của Philippines.

Một bản dự thảo đòi hỏi sự uyển chuyển

Vấn đề tranh chấp Biển Đông sẽ là chủ đề chính ở các cuộc gặp giữa cấp Ngoại trưởng ASEAN với các vị đồng nhiệm Mỹ và châu Á vào ngày 5.8.

Ngày 2.8, AP cho biết họ đã được xem dự thảoTuyên bố chung, nêu các Ngoại trưởng ASEAN sẽ kêu gọi các nhà ngoại giao cấp cao lập tức đàm phán về COC trên vùng Biển Đông tranh chấp, sau khi các chính phủ Đông Nam Á đồng ý về một khung làm việc về COC với Trung Quốc hồi tháng 5.

Robespierre Bolivar, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines, mô tả những tiến bộ ban đầu là “một bước tiến rất lớn”, sau nhiều năm các nước Đông Nam Á nỗ lực thương lượng COC với Trung Quốc.

Theo AP, phía chỉ trích nói khung làm việc về COC-do ông Vương Nghị đề xuất-chỉ có tác dụng nhắc lại những nguyên tắc đã được nhất trí, tránh đề cập những mối quan ngại về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trái phép trên Biển Đông, cũng không nhắc đến phán quyết của Tòa trọng tài thường trực LHQ (PCA) hồi năm 2017, là phán quyết bác bỏ việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông. Bắc Kinh từ chối công nhận phán quyết này.

Một phiên bản cuối cùng của khung làm việc COC-mà AP nhận đã được xem-cũng không đề cập chuyện bắt buộc tuân thủ thực hiện COC trên vùng Biển Đông tranh chấp.

AP nêu: đa số các nước ASEAN muốn sự bắt buộc tuân thủ thực hiện COC, nhưng Trung Quốc phản đối.

Trong những cuộc đàm phán, vài quốc gia ASEAN đề cập việc “không có sự nhất trí” về những đề xuất, gồm một đề xuất lập một cơ chế giải quyết tranh chấp, nếu như trong tương lai sẽ có tranh chấp về cách diễn giải COC, theo một báo cáo của ASEAN đính kèm vào khung làm việc COC.

Dự thảoTuyên bố chung cũng không đề cập sự lo ngại về các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây và dàn hệ thống tên lửa phòng thủ.

Trong các tuyên bố chung ASEAN trước đây đều nêu những quan ngại này.

Theo AP, dự thảoTuyên bố chung còn cẩn trọng đề cập những nguy cơ tranh chấp: “Chúng ta tái khẳng định tầm quan trọng của việc tăng cường tin cậy lẫn nhau, tự kiềm chế và tránh những hành động đơn phương trước những vấn đề tranh chấp có thể gây tình hình thêm phức tạp”.

Philippines để mất cơ hội tôn trọng luật quốc tế

Hãng tin Mỹ ghi nhận: Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte là chủ tịch ASEAN năm 2017. Từ khi nhậm chức năm ngoái,ông đã tỏ thái độ quay lưng với đồng minh Mỹ, phục hồi mối quan hệ lâu nay lạnh lẽo giữa Philippines với Trung Quốc.

Ngày 12.7.2016, Tòa trọng tài thường trực LHQ đã ra phán quyết về vụ kiện mà Philippines đã trình, đề nghị xem xét việc Trung Quốc sử dụng bản đồ “đường 9 đoạn” để đòi chủ quyền gần trọn Biển Đông.

Phán quyết khẳng định bản đồ “lưỡi bò” của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý. Đồng nghĩa là Philppines thắng kiện.

Nhưng khi làm Tổng thống, ông Duterte dẹp qua vụ thắng kiện, hứa sẽ nhắc lại với lãnh đạo Trung Quốc khi ông kết thúc nhiệm kỳ 6 năm.

Động thái này của Tổng thống Philippines giúp kéo giảm căng thẳng, nhưng ông bị chỉ trích là để trôi mất một cơ hội kêu gọi tôn trọng luật pháp quốc tế về một vùng biển tranh chấp, mà các chính phủ sợ làm bùng nổ một cuộc xung đột vũ trang tầm cỡ ở châu Á.

Ngoài chuyện Biển Đông, các Ngoại trưởng ASEAN cũng sẽ bày tỏ sự quan ngại nghiêm trọng, về việc CHDCND Triều Tiên thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) ở Diễn đàn khu vực ASEAN tổ chức ngày 7.8 tới.

Cuộc gặp có chủ đề an ninh này sẽ có sự tham gia của các Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và người đồng cấp Triều Tiên Ri Yong-ho, Ngoại trưởng Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Ông Tillerson cũng sẽ dự Hội nghị Bộ trưởng Đông Á, Hội nghị Bộ trưởng Mỹ-ASEAN. Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, ông Tillerson sẽ thảo luận nhiều đề tài nóng trong khu vực, gồm chương trình hạt nhân của Triều Tiên, an ninh hàng hải và khủng bố.

Các chủ đề nói chuyện khác là sự trỗi dậy của các tổ chức Hồi giáo cực đoan tại khu vực, vụ quân khủng bố dính líu tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đánh chiếm một thành phố miền Nam Philippines.

Vĩnh Thụy (theo Washington Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
ASEAN thúc đẩy sớm đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông