Dự chương trình “Xuân Quê hương 2019” ngày 27.1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

Bà con kiều bào là máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc

Trí Lâm | 27/01/2019, 13:04

Dự chương trình “Xuân Quê hương 2019” ngày 27.1, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc.

          

Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, bà con kiều bào dù ở bất cứ nơi đâu, luôn luôn là một phần máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: "Tổ quốc và Chính phủ luôn luôn nhớ thương các đồng bào, như bố mẹ thương nhớ các người con đi vắng. Đó là nhân tâm thiên lý, đó là tình nghĩa một nhà". 

Năm 2018, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, tạo nền tảng quan trọng để thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng được nâng lên. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, là mức tăng cao nhất từ năm 2008 trở lại đây…

Đặc biệt, năm vừa qua, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí, tiêu cực được đẩy mạnh quyết liệt. Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, phức tạp đã được phát hiện, điều tra và xử lý nghiêm minh.

“Nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao, đương chức hay đã nghỉ hưu có sai phạm đều bị xử lý kiên quyết, đúng pháp luật, được cán bộ, đảng viên và đông đảo các tầng lớp nhân dân trong và ngoài nước rất hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Đạt được những kết quả nêu trên, Tổng bí thư, Chủ tịch nước cho rằng đó là do sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trong đó có sự đóng góp quý báu và rất quan trọng của cộng đồng người Việt Nam ta đang sinh sống, làm việc và học tập ở nước ngoài.

Những năm gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300 - 500 lượt trí thức kiều bào về nước, tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ, giáo dục - đào tạo, đóng góp nhiều ý kiến sâu rộng, thiết thực trong các vấn đề phát triển của đất nước, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển công nghệ trong nước.

“Tôi rất xúc động khi được biết nhiều nhân sĩ, trí thức, nhà khoa học ở khắp nơi trên thế giới dù tuổi cao vẫn miệt mài đóng góp cho công cuộc phát triển, hợp tác quốc tế về khoa học của đất nước, đào tạo nhiều cán bộ khoa học cho quê hương”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Theo đó, Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức trân trọng những ý kiến tư vấn, tham mưu của các nhà khoa học Việt kiều nhằm giúp đất nước nhanh chóng tiếp cận với trình độ tiên tiến về khoa học - công nghệ của thế giới, nhất là trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra hiện nay.

Về thương mại - đầu tư, rất nhiều doanh nhân người Việt ở nước ngoài, các hiệp hội, mạng lưới đã và đang tích cực đưa hàng Việt Nam ra thị trường thế giới, đồng thời đưa các doanh nghiệp nước ngoài, các công ty đa quốc gia vào Việt Nam đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Năm 2018, số kiều hối gửi về nước đã lên tới gần 16 tỉ USD, tăng gấp hơn 100 lần so với năm 1993. Đáng chú ý là, đầu tư từ nguồn kiều hối trong những năm gần đây với khoảng 3.000 dự án tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển, nâng cao mức sống của nhân dân, trước hết là những gia đình được nhận.

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài còn là "chất xúc tác" quan trọng đối với những thành công của hoạt động ngoại giao nhân dân nước ta trong công cuộc đổi mới. Thông qua các hoạt động giao lưu văn hoá, tôn giáo, bà con kiều bào đã và đang góp phần giữ gìn bản sắc và quảng bá những giá trị văn hóa dân tộc, xây dựng hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài, thúc đẩy, lan tỏa và giành được sự yêu mến của bạn bè các nước, góp phần nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

“Những đóng góp đáng trân trọng và đầy tự hào của bà con kiều bào ta đối với quê hương, đất nước xuất phát từ chính lòng yêu nước nồng nàn của mỗi người con đất Việt, là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam”, Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói.

Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, mỗi người Việt Nam ở nước ngoài là một vị đại sứ gắn kết và vun đắp cho tình hữu nghị giữa đất mẹ Việt Nam với quê hương thứ hai của mình, đồng thời trực tiếp tham gia thúc đẩy tiến trình hội nhập quốc tế sâu rộng, công cuộc xây dựng, phát triển bền vững của đất nước, vì sự phồn vinh của dân tộc.

Theo Phó thủ tướng, công tác về người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục được triển khai tích cực và chủ động. Các hoạt động hỗ trợ bà con củng cố địa vị pháp lý, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, duy trì tiếng Việt để gắn kết cộng đồng, công tác thông tin, tuyên truyền được đẩy mạnh, trong đó chú trọng đổi mới về hình thức và nội dung, đáp ứng thiết thực nhu cầu của kiều bào…

Lam Thanh

   
Bài liên quan
Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam
Nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1.5.1904 – 1.5.2024), chiều 16.4, tại Hà Tĩnh, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo Trung ương và Tỉnh ủy Hà Tĩnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Tổng Bí thư Trần Phú - Chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, người con ưu tú của dân tộc Việt Nam”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Lời giải bài toán thiếu nhân lực số tại Việt Nam
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Số lượng nhân sự về công nghệ số mà các công ty tại Việt Nam còn thiếu hằng năm khoảng 170.000 người. Giải pháp nào để tháo gỡ thực trạng này?
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà con kiều bào là máu thịt không thể tách rời của Tổ quốc