Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đoàn Văn Việt, để phục hồi, phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới cần có 3 mục tiêu.

Ba mục tiêu để phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới

P.V | 25/12/2021, 17:20

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) Đoàn Văn Việt, để phục hồi, phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới cần có 3 mục tiêu.

Ngày 25.12, hội thảo du lịch năm 2021 với chủ đề "Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển" do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ VH-TT-DL tỉnh Nghệ An tổ chức theo hình thức trực tiếp, trực tuyến với sự tham gia của 300 đại biểu là các đại biểu Quốc hội, nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài nước.

Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, du lịch là một trong những ngành kinh tế được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo sát sao, với mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Trong hai năm qua, du lịch Việt Nam đã phải đối mặt với nhiều khó khăn chưa từng thấy khi đại dịch COVID-19 xảy ra. Trong bối cảnh "bình thường mới", ngành du lịch đang tìm cách phục hồi theo tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt.

Tuy nhiên, vấn đề phục hồi của du lịch còn gặp rất nhiều khó khăn, thách thức. Tiếp nối thành công của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 với chủ đề “Phục hồi và phát triển bền vững” cùng các diễn đàn trao đổi về phục hồi kinh tế, du lịch trong thời gian qua, hội thảo du lịch năm 2021 “Du lịch Việt Nam - phục hồi và phát triển” nhằm làm rõ những chính sách, giải pháp hỗ trợ ngành du lịch - một ngành kinh tế quan trọng của đất nước, có sức lan tỏa tới nhiều ngành, lĩnh vực khác.

Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt chia sẻ, theo đánh giá của tổ chức du lịch thế giới, đại dịch COVID-19 bùng phát từ đầu năm 2020 đã khiến ngành du lịch rơi vào giai đoạn khủng hoảng chưa từng có. Ông Việt cũng đưa ra bức tranh tổng thể của du lịch Việt trong 2 năm chịu ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.

thutruong.jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt phát biểu tại hội thảo - Ảnh: ĐCS

Theo đó, Việt Nam trong suốt 4 đợt bùng phát của dịch COVID-19, các hoạt động du lịch quốc tế đóng cửa hoàn toàn, khách nước ngoài chủ yếu là các chuyên gia, khách công vụ. Du lịch nội địa hoạt động phụ thuộc vào chu kỳ bùng phát dịch và diễn ra hết sức cầm chừng.

Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; khách nội địa đạt 56 triệu lượt, giảm 34% so với cùng kỳ năm 2019; tổng thu từ du lịch đạt 312.200 tỉ đồng, giảm 59% so với năm 2019. Năm 2021, tình hình càng tồi tệ hơn, khách du lịch quốc tế chưa đón, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm gần 30% so với cùng kỳ năm 2020.

Trong 11 tháng đầu năm 2021, khách du lịch nội địa đạt 34,7 triệu lượt khách, tổng thu đạt khoảng trên 167 nghìn tỉ đồng. Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành rơi vào khủng hoảng, 90 đến 95% doanh nghiệp ngừng hoạt động.

Trong bối cảnh đó, ông Việt đề nghị lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn cho ngành du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động nói chung và ngành du lịch nói riêng vượt qua tác động của dịch COVID-19.

Ông Việt chỉ ra 3 mục tiêu để phục hồi, phát triển ngành du lịch trong giai đoạn mới. Đầu tiên, cần từng bước mở lại hoạt động du lịch chắc chắn, ổn định và an toàn, có lộ trình phù hợp với chiến lược phòng, chống dịch, đưa du lịch sang trạng thái bình thường mới sớm nhất có thể…

Thứ hai là khơi thông, phát triển thị trường du lịch nội địa, từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc xin và thứ ba là không ngừng nâng cao năng lực cạnh trạnh, sức chống chịu và tạo động lực phát triển mới cho ngành du lịch trong bối cảnh mới.

Để kịp thời nắm bắt xu thế và thích ứng linh hoạt, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo tập trung thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển du lịch trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm 2022-2023, tạo đà cho du lịch phục hồi và đóng góp ngày càng hiệu quả cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Bên cạnh đó, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, lao động ngành du lịch vượt qua khó khăn hiện nay, giảm bớt sự tan rã hệ thống đã được củng cố từ nhiều năm nay.

Thứ trưởng Đoàn Văn Việt cũng đề nghị Quốc hội, Chính phủ chỉ đạo ban hành các cơ chế, chính sách mới theo hướng tạo thuận lợi cho ngành du lịch tiếp tục phát triển như: phát triển hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi cho khách quốc tế đến Việt Nam (visa, xét duyệt nhân sự nhập cảnh tại chỗ, tăng thời gian miễn thị thực...), cho phép thành lập văn phòng đại diện du lịch ở nước ngoài; đẩy mạnh thu hút đầu tư vào phát triển các sản phẩm du lịch ban đêm, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe, du lịch theo hướng tăng trưởng xanh, du lịch trải nghiệm cộng đồng hướng tới phát triển bền vững...

Ông đưa ra thêm giải pháp là đẩy mạnh chuyển đổi số và phát triển công nghệ liên quan đến du lịch nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả vận hành, quản lý, tăng cường sáng tạo các sản phẩm du lịch độc đáo, đáp ứng nhu cầu trong giai đoạn mới. Thúc đẩy xu hướng du lịch hạn chế tiếp xúc thông qua tăng cường ứng dụng công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong phục vụ du lịch; liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ trong sáng tạo và đưa ra các giải pháp công nghệ phục vụ du lịch an toàn.

Cuối cùng là xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực du lịch trong giai đoạn bình thường mới; tăng cường chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch cho giai đoạn phục hồi của ngành thông qua các chương trình đào tạo thực tiễn tại các doanh nghiệp, triển khai rà soát và xây dựng các chương trình đào tạo nguồn nhân lực tương lai chất lượng cao.

Trong khi đó, bà Julia Simpson – Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) chia sẻ: "Chúng tôi đang kêu gọi thực hiện 5 biện pháp quan trọng để đảm bảo chúng ta có thể khôi phục du lịch quốc tế và đẩy nhanh sự phục hồi của lĩnh vực này. Trong đó, điều quan trọng để có thể đi du lịch quốc tế là các vắc xin đã được WHO được cấp phép phải được công nhận đi du lịch".

Hội thảo bao gồm 2 phiên diễn ra trong sáng và chiều 25.12. Trong phiên chuyên đề được tổ chức vào sáng 25.12, hội thảo nghe báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia và các doanh nghiệp về chính sách, giải pháp phục hồi, phát triển du lịch, xu hướng và kinh nghiệm thế giới vượt qua khủng hoảng COVID-19 để phát triển du lịch.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Công nghiệp bán dẫn - Việt Nam cần nắm bắt cơ hội 'nghìn năm có một'
11 giờ trước Nhịp đập khoa học
Việt Nam đang có cơ hội “nghìn năm có một” để tham gia vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ba mục tiêu để phục hồi, phát triển ngành du lịch Việt Nam trong giai đoạn mới