Không ai có thể ngờ bà ngoại giết người hàng loạt Im Chaem lại là một cụ bà nhỏ con người Campuchia, từng giám sát quân Khơme Đỏ giết hàng chục dân ở vùng tây bắc Campuchia từ năm 1977 đến 1978.

Bà ngoại giết người hàng loạt Im Chaem

29/03/2017, 12:46

Không ai có thể ngờ bà ngoại giết người hàng loạt Im Chaem lại là một cụ bà nhỏ con người Campuchia, từng giám sát quân Khơme Đỏ giết hàng chục dân ở vùng tây bắc Campuchia từ năm 1977 đến 1978.

Bà Chaem trong nhà bà-Ảnh: New York Times

Dưới chế độ Khmer Đỏ, đã có 2,2 triệu dân Campuchia bị giết hại, trước khi dân tộc này được quân tình nguyện Việt Nam nhận lời cầu cứu của ông Hun Sen (nay là Thủ tướng Campuchia) đã giải thoát họ khỏi chế độ diệt chủng.

Năm 2015, một cấp tòa được LHQ ủng hộ đã buộc tội bà ngoại Chaem tội danh chống lại loài người, gồm giết người hàng loạt, bắt nô lệ và hủy diệt dân Campuchia.

Ngày 22.2.2017, các thẩm phán điều tra của tòa án lặng lẽ hủy các tội danh đối với bà Chaem. Tòa tuyên bác vụ xét xử bà Chaem, giải thích bà "không phải lãnh đạo cấp cao cũng không phải là một quan chức có trách nhiệm cao nhất của chế độ Khmer Đỏ”.

Khi báo New York Times (NYT) phỏng vấn, bà Chaem nói bà chưa hề nghĩ đến chuyện hầu tòa: “Tôi không thích chuyện họ cáo buộc tôi. Tôi không muốn nghĩ về chuyện đó, chẳng có lý do gì cả. Tôi không muốn gặp bất kỳ rắc rối nào, chỉ muốn được sống yên bình”.

Hồi cuối năm 2016, Công tố viên LHQ Nicholas Koumjian ra tuyên bố, nói rằng bà Chaem giữ một vai trò trong nhóm gây tội ác dẫn đến cái chết của hàng ngàn người nên bà chắc chắn thuộc diện phải chịu xét xử.

Anne Heindel, đồng tác giả cuốn sách “Công lý ngoại lai” viết về tòa án này, nói vụ không xử tội bà Chaem quả là khó hiểu, khi có nhiều chứng cứ chống lại bà: “Đó là trò hề, giả danh công lý để lãng phí nhiều tiền chỉ để buộc tội 3 người, đồng thời giả bộ đấy là một vụ xét xử độc lập, không bị chính trị can thiệp suốt 10 năm”.

Tòa án này đã khiến LHQ và các tổ chức quốc tế tốn 300 triệu USD cho đến nay.

Cán bộ Khmer Đỏ không đạt định mức, bị xử tử

Theo một tài liệu mật do các công tố viên trình năm 2008, bà Chaem cùng Yim Tith đã đến vùng tây bắc Campuchia năm 1977, để kỷ luật những cán bộ thôn xã bị đánh giá là phản bội, thường vì do họ không đạt được định mức nộp gạo vì nguồn lực lao động đói khát và kỹ thuật sơ khai.

Hai người đã giết nhiều cán bộ thôn xã trên đường công tác khắc phục hậu quả. Tài liệu mật nêu bà Chaem và Tith phải chịu trách nhiệm với cái chết của 560.000 người.

Các công tố viên còn ước tính khoảng 40.000 người chết trong nhà tù huyện Phnom Trayoung do bà Chaem nắm quyền kiểm soát trực tiếp.

Một số người bị giết vào ban đêm, còn những người khác phải lao động nặng nhọc trong vườn rau của nhà tù, chỉ được ăn những khẩu phần cháo lỏng.

Theo cuốn sách “Chế độ Pol Pot” của nhà sử học Ben Kiernan, ngôi làng Chakrey có 400 dân bị giết gần sạch, chỉ còn chưa tới 10 người đàn ông sống sót hồi cuối năm 1978.

Ở nhà tù gần đó, khoảng 6.000 người bị giết, mỗi đêm cứ 20-30 người bị chết oan. Sách dẫn lời kể của một nạn nhân sống sót: “Ở làng Chakrey, chúng tôi có thể nghe tiếng họ trong cánh rừng kề cận. Hôm sau, chúng tôi được phát quần áo của nạn nhân”.

Theo các công tố viên, bà Chaem cũng giám sát công tác xây dựng những công trình tưới tiêu lớn để tăng sản lượng lúa, gồm 2 con đập. Một đập được xây xong nhanh chóng trong 3 tháng, chỉ bằng tay của 1.300 lao động sống được qua ngày bằng những khẩu phần cháo lỏng ít ỏi.

Nhưng bà Chaem kể một câu chuyện khác. Năm 2012, trong cuộc trả lời phỏng vấn của Trung tâm tư liệu Campuchia, một tổ chức nghiên cứu độc lập, bà kể bà nhận lệnh “xử lý các trục trặc”, vì bà giỏi tổ chức nhân sự lao động và giám sát việc trồng lúa.

Bà nói những điều kiện sống nghèo đói kéo dài đã xảy ra trước khi bà đến công tác ở vùng tây bắc Campuchia, và bà đã cải thiện được mọi sự.

Điều trùng hợp là Youk Chhang, lãnh đạo Trung tâm tư liệu Camuchia, từng lao động dưới quyền chỉ huy của bà Chaem.

Lúc 14 tuổi, Youk bị đuổi khỏi nhà cậu ở thủ đô Phnom Penh, bị đưa đến miền tây bắc để đào đắp đập nước. Anh kể điều kiện sống ở đó rất khốc liệt, các lao động đều sống trong nỗi sợ bị giết chết.

Youk kể: “Bà ấy bắt chúng tôi lao động mà không có đồ ăn, đồ uống. Với tôi, dù tòa tuyên bác, tội phạm vẫn là tội phạm cho đến khi nào bà ấy bị trừng phạt.

“Gởi giấy mời họp” là mất tích

Hiện bà cụ Chaem 74 tuổi sống ở AnLong Veng, một ngôi làng miền núi giáp biên giới Thái Lan.

Anlong Veng cách Phnom Penh 7 giờ xe, có một hồ nước lớn, cũng là nơi ở của tội phạm chiến tranh “Đồ Tể” Ta Mok, cấp trên trực tiếp của bà Chaem. Quân Khmer Đỏ phải rút về đây cố thủ sau khi thua trận cho đến năm 1998.

Nơi thiêu xác Pol Pot ở Anlong Veng

Theo NYT, ngày nay nơi này hệt như chốn hưu trí của các cựu chiến bại quân Khmer Đỏ. Ở Anlong Veng có cả xe 4 cầu, tiệm hớt tóc và một tiệm cà phê Ý.

Dân làng nhấn mạnh phần quan trọng của văn hóa địa phương là không bao giờ “soi mói” quá khứ của người khác.

Ông Keo Khuot, 56 tuổi, nói: “Ai cũng biết Bà Ngoại Chaem, biết bà ấy sống ở làng này, nhưng chúng tôi chẳng biết gì về lý lịch của bà ấy, việc bà ấy đã làm”.

Ông kể từng có một thời gian, hễ ai hỏi quá nhiều thì rất có thể bị tịch thu nhà cửa và tài sản, hoặc bị Ta Mok “gởi giấy mời họp” và không bao giờ trở về nữa.

Bà Chaem thích nhai trầu, sống an bình trong một ngôi nhà yên tĩnh, xung quanh là cây đu đủ, chanh và mãng cầu. Nhà bà lớn nhất làng, con và cháu bà sống gần bà và bà trồng đu đủ để tặng các sư ở ngôi chùa.

Bà Chaem sống chung với con gái trưởng Kaing Rin, và sau những bữa cơm tối với rau nhà trồng, cá và thịt heo, gia đình cùng xem phim nhiều tập Thái Lan.

Kaing Rin, con gái cả của bà Chaem

Kaing Rin thời nhỏ từng làm việc cho một đội lao động nữ dưới quyền “Đồ tể” Ta Mok ở Tây Nam Khu, địa bàn đầu tiên lập hợp tác xã lao động (bắt buộc) của Campuchia.

Khi cha mẹ cô đi “xử lý sai phạm” ở vùng tây bắc, họ để Kaing Rin và 6 đứa em ở nhà và suốt 10 năm không gặp lại con. 4 người con đã chết trong những năm tháng đó.

Dù bị mất tuổi thơ, Kaing Rin vẫn bênh vực mẹ: “Mẹ tôi không giết nổi một con cá thì làm sao có thể giết người cơ chứ?”.

Bà khẳng định Ta Mok “rất nghiêm khắc với bọn xấu, bọn sai phạm, và mẹ bà là một lãnh đạo địa phương được kính trọng của đảng cầm quyền Nhân dân Campuchia (PPP) sau khi Khmer Đỏ ở Anlong Veng bị tan rã.

Kaing Rin nói tiếp: “Người kết tội mẹ tôi chưa bao giờ nhìn thấy mặt bà. Bất kỳ ai đã gặp mẹ tôi đều thật sự yêu bà”.

Bà Chaem làm vườn

Khi NYT hỏi có thể tìm bà Chaem ở đâu, cô con cả nói mẹ đi chơi xa. Nhưng một người hàng xóm cho NYT biết bà đang ở ngôi nhà thứ hai.

Vừa nghe đọc kinh Phật, bà cho biết bà ở nhà này nhiều hơn, lo trồng dưa leo, dưa gang, niệm Phật và chờ chết. Bà nói: “Tôi nghe lời Phật dạy, ráng giữ đạo để sống tốt, không giết hoặc phê bình bất kỳ ai”.

Khi được hỏi bà có biết bị kết án tội danh gì, bà Chaem đáp: “Anh chẳng cần hỏi tôi. Anh biết hết rồi còn gì”.

Lúc đó, chồng bà đến nhà. Ông Nob Nhem, 78 tuổi, vẫn còn mặc quân phục toàn màu đen và đeo khăn rằn như thời còn là cán bộ Khmer Đỏ. Ông từng là huyện đội trưởng, hiếm khi nói chuyện nhưng khi ông xuất hiện, cả gia đình ông nín khe…Bà Chaem nói: “Tôi phải đi chăn bò đây”, rồi đi mất.

+ Năm 2006, LHQ và chính phủ Campuchia cùng lập một phiên tòa xử những người bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm về những tội ác nghiêm trọng họ đã phạm trong 4 năm mà Khmer Đỏ cầm quyền ở Campuchia.

+ Theo NYT, chính phủ Campuchia không muốn truy tố các quan chức chính quyền địa phương và quân đội từng là người bỏ trốn khỏi Khmer Đỏ.

+Đến nay, tòa chỉ mới xử tội 3 người là 2 lãnh đạo cấp cao và tay quản ngục. Nghi phạm thứ tư đã cao tuổi, qua đời khi bị truy tố, và một người khác đã bị lú lẫn, được miễn xử tội. Còn 3 nghi phạm cấp trung cũng đang bị điều tra nhưng chưa bị bắt.

+Thủ tướng Hun Sen đã liên tục cảnh báo nếu có thêm nhiều phiên tòa nữa thì có nguy cơ bùng nổ nội chiến và hỗn loạn.

Kim Hương (theo New York Times)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
10 giờ trước Theo dòng thời sự
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội được phân công điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thay ông Vương Đình Huệ vừa miễn nhiệm.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà ngoại giết người hàng loạt Im Chaem