"Giờ chúng ta đã phát hiện những sản phẩm giả danh VietGAP. Nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn còn phải cạnh tranh với những trường hợp chẳng phải VietGAP nhưng cũng tìm cách len lỏi vào”.

Bà Phạm Khánh Phong Lan: Cần xử lý mạnh tay những trường hợp giả danh VietGAP

Hồ Quang | 22/09/2022, 14:52

"Giờ chúng ta đã phát hiện những sản phẩm giả danh VietGAP. Nhiều doanh nghiệp đạt chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn còn phải cạnh tranh với những trường hợp chẳng phải VietGAP nhưng cũng tìm cách len lỏi vào”.

PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đã nhấn mạnh như thế tại cuộc Họp báo Triển lãm quốc tế ngành lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022) vào sáng nay (22.9).

Theo bà Lan, những doanh nghiệp đã đạt chuẩn VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn phải đảm bảo chất lượng đúng như những gì đã cam kết đã là một việc khó khăn, mà còn phải cạnh tranh với các mặt hàng giả danh VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn len lỏi vào.

ba-pham-hanh-phong-lan-co-nhung-san-pham-gia-danh-vietgap-hinh-anh-1(1).png
PGS.TS Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ tại cuộc họp - Ảnh: PV

Theo bà Lan, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước lúc này là phải tập trung giám sát kỹ hơn và xử lý mạnh tay hơn. Tuy nhiên, bản thân mỗi doanh nghiệp phải cố gắng giữ vững chất lượng của mình, giữ vững được những gì đã cam kết. Có như vậy mới giữ được niềm tin người tiêu dùng.

Bà Lan mong muốn, thông qua triển lãm lương thực thực phẩm lần này, chúng ta lan tỏa thông tin để những người đến đây "rút ra được điều gì" và "đem về nhà được điều gì".

"Chúng ta có thể sản xuất và phân phối được những mặt hàng chất lượng cho người dân", bà Lan khẳng định.

Cũng theo bà Lan, VietGAP hay không VietGAP, chuỗi thực phẩm an toàn hay không an toàn là những cái chuẩn để căn cứ vào đó quản lý mà thôi. Điều quan trọng là thực phẩm trên thị trường phải được giám sát, kiểm nghiệm chất lượng để phát hiện kịp thời những hóa chất hay những chất không cho phép đang tích tụ.

Không phải những sản phẩm đạt chuẩn, những sản phẩm xuất khẩu là an toàn, vì điều đó còn phụ thuộc rất nhiều vào nỗ lực của doanh nghiệp trong việc giữ vững cam kết của mình, tùy thuộc vào việc chúng ta quản lý làm sao để các sản phẩm giả danh không len lỏi vào được.

Tuy nhiên, những sản phẩm còn lại trên thị trường chưa đạt chuẩn VietGAP hay chưa là chuỗi thực phẩm an toàn không có nghĩa là không an toàn, vì có những sản phẩm doanh nghiệp chưa làm thủ tục để đạt chuẩn.

“Mục tiêu của chúng ta là một nền nông nghiệp an toàn nên các sản phẩm ra thị trường, dù lưu hành tại chợ hay siêu thị, các phương tiện thương mại điện tử cũng phải trải qua kiểm soát về mặt chất lượng thì mới khẳng định được có an toàn hay không”, bà Lan nói.

Ông Trần Phú Lữ - Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP.HCM - cho biết, ngành chế biến lương thực, thực phẩm là 1 trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm ưu tiên phát triển của TP, chiếm 13,78% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp, đóng góp 13,69% giá trị gia tăng toàn ngành công nghiệp.

Chỉ số sản xuất công nghiệp ngành chế biến lương thực, thực phẩm giai đoạn 2015-2019 tăng trưởng bình quân 7,04%/năm. Ngành chế biến lương thực, thực phẩm TP đã từng bước chuyển sang phát triển theo chiều sâu, nhiều sản phẩm có chất lượng, thương hiệu uy tín chiếm lĩnh thị trường trong nước, thay thế hàng nhập khẩu và đã xuất sang nhiều nước trên thế giới.

Dù bị tác động nặng nề của đại dịch COVID-19, nhưng theo ông Lữ trong 6 tháng đầu năm 2022 ngành lương thực thực phẩm và đồ uống Việt Nam đạt mức tăng trưởng 7%. Theo một báo cáo đánh giá được đưa ra đầu tháng 8 của Tổ chức Nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới Mordor Intelligence Inc, ngành lương thực thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng kép hàng năm lên tới 8,65% trong giai đoạn 2021-2026.

Triển lãm Quốc tế ngành Lương thực thực phẩm TP.HCM 2022 (HCMC FOODEX 2022) với chủ đề “Kết nối giá trị cùng phát triển" sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22.10 tại Trung tâm Hội chợ và Triển lãm Sài Gòn - SECC. Dự kiến triển lãm sẽ thu hút sự tham gia của hơn 300 doanh nghiệp, tổ chức, hiệp hội trong nước và quốc tế với gần 300 gian hàng được trưng bày.

Ngoài ra, trong khuôn khổ của triển lãm còn có hội thảo chuyên đề “Xu hướng phát triển ngành lương thực thực phẩm”; hội thảo giới thiệu và tập huấn cho doanh nghiệp nội dung chuyên đề “Tiêu chuẩn thực phẩm xuất khẩu vào các thị trường tiềm năng”; hoạt động B2B “Kết nối giao thương về ngành lương thực thực phẩm và công nghệ chế biến, đóng gói, bảo quản lương thực, thực phẩm”…

Đặc biệt, điểm nhấn của chương trình là các hoạt động giới thiệu, tổ chức trình diễn quảng bá văn hóa ẩm thực Việt Nam và quốc tế diễn ra xuyên suốt trong thời gian triển lãm. Các chủ đề: “Phở Việt Nam - Tinh túy từ hạt gạo", “Thế giới qua những sợi mì”, “ Văn hóa bánh mì”, “Văn hóa cà phê Việt Nam và thế giới”, “Bánh truyền thống dân gian Việt Nam - Hương xưa, mũi nhớ, vị quê nhà” sẽ được thực hiện bởi các nghệ nhân, chuyên gia ẩm thực nổi tiếng đến từ các vùng miền trong cả nước và quốc tế; kết hợp với chương trình biểu diễn, chế biến món ăn, thức uống đặc sắc đến từ các doanh nghiệp Việt Nam và thế giới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bà Phạm Khánh Phong Lan: Cần xử lý mạnh tay những trường hợp giả danh VietGAP