Ngày 20.9 vừa qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban thường vụ quốc hội đã đưa ra những ý kiến trong việc sửa đổi để minh bạch trong công tác đấu thầu, đặc biệt trong ngành y tế.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư: Vấn đề của cả hệ thống khám chữa bệnh

Dạ Thảo - Ảnh: Thành Chung | 21/09/2022, 09:57

Ngày 20.9 vừa qua, tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9, Ủy ban thường vụ quốc hội đã đưa ra những ý kiến trong việc sửa đổi để minh bạch trong công tác đấu thầu, đặc biệt trong ngành y tế.

Thiếu thuốc và vật tư: Bộ Y tế cần sự hỗ trợ từ BHXH

Giải trình và làm rõ tình trạng thiếu thuốc, thiếu các vật tư y tế tại các bệnh viện trong thời gian gần đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, cả chủ quan lẫn khách quan. Dễ nhận thấy nhất là sau dịch COVID-19, nhu cầu khám chữa bệnh của người dân tăng vọt so với các năm trước nên việc dự trù cấp thuốc, vật tư không sát với nhu cầu thực tế. Bên cạnh đấy còn có lý do tâm lý e dè sợ đấu thầu, rồi dịch bệnh khiến đứt gãy chuỗi cung ứng. "Ở đâu đó cũng có tâm lý e dè, đặc biệt là người đứng đầu một số đơn vị. Một số đơn vị của Bộ Y tế lại quá tập trung vào phòng chống dịch. Trung tâm mua sắm tập trung ít người, trong khi việc thì nhiều”, ông Thuấn chia sẻ.

Hiện tại, Trung tâm mua sắm tập trung quốc gia (Bộ Y tế) đã giải quyết được 86/106 loại thuốc thầu tập trung; đàm phán được 19/65 thuốc biệt dược nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tại các bệnh viện.

Ông Thuấn cũng chia sẻ rằng thời gian này nếu có sự tham gia của Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) trong đấu thầu tập trung thuốc, thiết bị y tế sẽ rất tốt, giảm được gánh nặng cho Bộ Y tế. Bộ Y tế cho rằng nếu BHXH Việt Nam đảm đương được việc này, Bộ Y tế rất sẵn sàng chuyển giao", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị.

Có người nhà hiện đang chạy thận, chị H.H.Yến (Hà Nội) cho biết gia đình chị đưa anh chị vào bệnh viện chạy thận và tiêm truyền, nhưng bệnh viện thiếu từ thuốc chuyên biệt cho đến găng tay y tế, kim bướm, dây chuyền dịch... Gia đình chị phải tự mua tất cả những vật tư đó ở ngoài để phục vụ cho việc chữa bệnh cho anh trai. "Chúng tôi đóng tiền BHXH để được hưởng BHYT khi đi khám, chữa bệnh. Những loại thuốc, đến cả vật tư y tế mà lẽ ra bệnh viện phải cung cấp và BHYT thanh toán tiền thuốc thì bây giờ chúng tôi phải mua ngoài vì bệnh viện bảo hết thuốc, hết vật tư. Ngoài việc phải trả tiền chạy thận hàng tuần, chúng tôi phải trả thêm cả tiền vật tư thì ai sẽ thanh toán cho chúng tôi? Người bệnh đã khổ chồng thêm khổ" - chị H.Yến cho hay.

Việc thiếu thuốc, sinh phẩm hóa chất, vật tư y tế đang là vấn đề hết sức nóng, không chỉ các bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, mà còn ở trạm y tế xã. Thiếu thuốc ảnh hưởng đến công tác khám, chữa bệnh, đến công bằng trong BHYT, an sinh xã hội. Người bệnh đóng BHYT nhưng vì thiếu thuốc đã phải bỏ tiền túi ra mua khiến nhiều gia đình đã khó khăn vì có người bị bệnh, lại càng khó khăn hơn khi phải bỏ thêm tiền ra mua những loại thuốc, vật tư có sẵn trong hệ thống BHYT mà bệnh viện đang thiếu.

dot-quy.jpg
Việc thiếu thuốc, vật tư y tế là không công bằng với người bệnh, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp

Thiếu thuốc, thiếu vật tư: Vấn đề của cả hệ thống

Đưa ra quan điểm của mình về tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế tại các bệnh viện thời gian gần đây, PGS.TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho rằng việc thiếu thuốc, vật tư đã ảnh hưởng rất nhiều tới người bệnh, đặc biệt là người nghèo, người có công với xã hội. “Chúng ta không có đủ thuốc ngay với giá cả hợp lý thì đây là vấn đề đặt ra với tất cả các ngành, các lĩnh vực, cả hệ thống chính trị, chứ không phải chỉ riêng ngành y. Đặc biệt là những thuốc đặc trị thiết yếu cần gấp cho người bệnh” - bà An nhấn mạnh.

Bà An cũng cho rằng điều cần nhất lúc này đối với các Bộ, Ngành chính là cần rà soát lại cơ chế, chính sách xem có vấn đề gì vướng thì tập trung sửa ngay. Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành liên quan rà soát lại ngay và có lộ trình, không nên lâu quá, xem tất các văn bản liên quan đến thuốc, đấu thầu, mua sắm có gì vướng thì sửa ngay.

Được biết, hiện nay BHXH Việt Nam cũng đã có văn bản gửi BHXH các tỉnh, thành phố về việc bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư y tế phục vụ khám, chữa bệnh BHYT cho người dân. BHXH Việt Nam đề nghị BHXH các tỉnh, thành phố phối hợp với sở y tế bảo đảm cung ứng thuốc, vật tư cho người tham gia BHYT, không để bệnh nhân phải tự mua sắm thuốc và vật tư y tế. 

Để tháo gỡ vướng mắc trong đấu thầu thuốc, vật tư y tế, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định: “Dự án Luật Đấu thầu sửa đổi dự kiến sẽ được Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 cuối năm nay. Trong đó có một chương riêng về đấu thầu thuốc và đây sẽ là biện pháp công khai, minh bạch, khắc phục những vướng mắc trong đấu thầu thuốc thời gian qua. Có nội dung gì cần sửa đổi, cần cập nhật kịp thời vào Luật Đấu thấu sửa đổi”. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Thị Bích Ngọc lưu ý, trong mua sắm thuốc và thiết bị y tế, cũng cần phải làm rõ nguyên nhân. “Thứ nhất là vướng ở hai Nghị định: Nghị định số 98/2021/NĐ-CP năm 2021 và Nghị định số 54/2017/NĐ-CP năm 2017. Chính phủ đã có dự thảo nghị quyết để tháo gỡ vướng mắc. Cùng với đó, đề nghị sớm sửa đổi những thông tư liên quan, ví dụ như một số quy định tại Thông tư số 14/2020/TT-BYT của Bộ Y tế. Ngoài ra, trình gia hạn đăng ký lưu hành thuốc rất phức tạp. Bộ Y tế nghiên cứu hai giải pháp bao gồm ngắn hạn và dài hạn. Trong ngắn hạn, xem xét kiến nghị Quốc hội tiếp tục cho cơ chế đặc thù theo Nghị quyết số 30/2021/QH15. Nhưng về lâu dài, cần đánh giá tác động của cơ chế này, từ đó xây dựng cơ chế đáp ứng sự nhanh chóng, kịp thời đối với sản phẩm đã được các quốc gia có nền y học tiên tiến công nhận. Điều này sẽ giảm tải cho các cơ quan Nhà nước, để tập trung vào xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp” - bà Ngọc chia sẻ.

Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế là vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, cụ thể đối với các cơ quan chức năng, trong đó nhiều lần chỉ đạo Bộ Y tế thống kê, đánh giá khoa học, khách quan, trung thực và có hướng khắc phục kịp thời cả trước mắt và lâu dài. Với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng, chúng ta có thể kỳ vọng tình trạng này sẽ nhanh chóng được khắc phục để các bác sĩ yên tâm công tác, phục vụ bệnh nhân tốt hơn.

Trước đó, tại Hội thảo lấy ý kiến vào dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) do Ủy ban xã hội của Quốc hội vừa tổ chức, các chuyên gia về pháp luật và y tế đã hiến kế: Để khắc phục bất hợp lý “bệnh viện công lập không được dùng máy của các đơn vị trúng thầu vật tư, hóa chất cho mượn”, đồng thời phòng tránh những tiêu cực có thể phát sinh từ việc này, Luật Đấu thầu (sửa đổi) sắp tới, trong chương về đấu thầu thuốc và vật tư y tế, chỉ cần quy định: Cơ sở y tế tổ chức đấu thầu rộng rãi vật tư xét nghiệm (gồm cả hóa chất và máy kèm theo) trong thời hạn 5 năm (bảo đảm đủ thời gian khấu hao máy). Việc nước ta chuẩn bị sửa đổi cả 3 luật, gồm: Khám, chữa bệnh; Đấu thầu và Luật giá là cơ hội tốt để thống nhất, khắc phục những vướng mắc, bất cập về pháp lý liên quan đến mua sắm, đấu thầu vật tư, trang thiết bị y tế...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
8 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Thiếu thuốc, thiếu vật tư: Vấn đề của cả hệ thống khám chữa bệnh