Nói về vụ 3 anh em ruột ăn chả lụa bị ngộ độc botulinum, bà Phạm Khánh Phong Lan – Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM khẳng định chả lụa mà nhiễm botulinum là rất hiếm.
Theo bà Lan, botulinum là vi khuẩn kỵ khí, có thể phát triển trong môi trường kín. Nếu bị nhiễm trong nguyên liệu hay quá trình sản xuất thì môi trường kỵ khí (hộp kín…) sẽ phát triển. Botulinum không phổ biến bằng mấy con vi khuẩn khác, nhưng triệu chứng nguy hiểm hơn. “Tuy nhiên, chả lụa mà nhiễm botulinum cũng hiếm”, bà Lan nói.
Đề cập đến vấn đề truy xuất nguồn gốc chả lụa mà 4 người nhà ăn chả lụa bị nôn ói, tiêu chảy, trong đó có 3 anh em ruột bị ngộ độc botulinum nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch, bà Lan cho biết việc này rất khó khăn. Theo lời khai ông Nguyễn Văn Tùng (66 tuổi, quê huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh) – người trực tiếp bán chả lụa và bánh mì cho 4 nạn nhân sử dụng, trong đó 3 anh em bị ngộ độc botulinum nguy kịch, ông mua chả lụa của một người phụ nữ bán dạo, nhưng người phụ nữ này ở đâu thì không ai biết. “Từ ngày xuất hiện thông tin, những người ăn chả lụa của bà bị botulinum nguy kịch thì người dân ở đây không còn thấy người phụ nữ này xuất hiện nữa”, bà Lan cho biết.
Trong lúc các cơ quan chức năng đang truy tìm người phụ nữ cung cấp chả lụa cho ông Tùng thì người đàn ông này cũng “biến mất”.
Theo bà Lan, công an địa phương đang phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương truy lùng người phụ nữ này. “Dù bán hàng rong, nhưng chắc chắn người phụ nữ này cũng có khu vực quen, nên cũng sẽ tìm ra. Tuy nhiên, nếu bây giờ có phát hiện được người phụ nữ này thì cũng quá trễ, chẳng còn gì để xác minh”, bà Lan chia sẻ.
Điều đáng quan tâm hiện nay, đó là không biết người phụ nữ cung cấp chả lụa này là do bà tự làm hay lấy ở một cơ sở sản xuất nào, nếu chậm tìm ra người phụ nữ này khiến việc truy xuất nguồn gốc chậm sẽ rất nguy hiểm. Nguồn thực phẩm này sẽ tiếp tục tuồn ra thị trường có nguy cơ gây nguy hiểm cho những người sử dụng khác.
“Khổ nỗi người dân cứ mua thực phẩm trôi nổi như vậy, khi xảy ra sự cố việc truy xuất nguồn gốc rất khó khăn, nhiều trường hợp không biết đâu để truy xuất nguồn gốc”, bà Lan phân trần.
Trước đó, Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM đã có kết quả điều tra bước đầu về nguồn gốc của chả lụa bán cho 4 người nhà ăn bị nôn ói, tiêu chảy, trong đó có 3 anh em ruột bị ngộ độc botulinum nặng và rơi vào tình trạng nguy kịch.
Theo đó, người bán bánh mì và chả lụa cho 4 người trên là ông Nguyễn Văn Tùng (66 tuổi, quê huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh), tạm trú tại lò bánh mì Thành Đạt (số 448, đường Lã Xuân Oai, phường Long Trường, TP.Thủ Đức, TP.HCM).
Theo lời khai của ông Tùng, bánh mì được ông lấy từ lò bánh mì Thành Đạt, còn chả lụa thì mua từ một người phụ nữ bán hàng rong xung quanh lò bánh mì.
Ngày 13.5, ông Tùng lấy 45 ổ bánh mì từ lò bánh mì Thành Đạt và 4 cây chả lụa (mỗi cây 2kg) từ người phụ nữ trên. Sau đó, ông Tùng đã bán hết 3 cây chả lụa và 37 ổ bánh mì trước đó; còn 1 cây chả lụa và 8 ổ bánh mì bán hết cho ông Hai Ký (gia đình của 4 bệnh nhân).
Gia đình bệnh nhân gồm 4 người là bà H. cùng 3 anh em ruột N.V.H (15 tuổi), N.V.Đ (12 tuổi) và N.T.X (10 tuổi). Chiều cùng ngày, cả 4 người trên đều có triệu chứng đau bụng, tiêu chảy, nôn ói nhưng không điều trị gì.
Đến sáng 14.5, cả 4 người trên đi khám tại phòng khám tư nhân và lấy thuốc về nhà uống. Buổi chiều cùng ngày, người nhà chở bé N.V.Đ đi khám tại Bệnh viện Quân y miền Đông. Khoảng 19 giờ cùng ngày, bé Đ. được chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 điều trị. Riêng bà H. đã khỏi bệnh.
Ngày 15.5, người nhà chở 2 bé N.V.H và N.T.X đến Bệnh viện Nhi đồng 2 nhập viện điều trị. Hiện bé Đ. đang được điều trị tại phòng hồi sức tích cực; còn 2 bé H. và X. đang được theo dõi và điều trị tại Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Nhi đồng 2.
Bệnh viện Nhi đồng 2 chẩn đoán ban đầu là ngộ độc thức ăn. Riêng bé Đ. bị suy hô hấp phải đặt nội khí quản và chuyển qua hồi sức tích cực để điều trị với chẩn đoán ngộ độc thức ăn do độc tố botulinum.