Chỉ còn chưa đầy 1 năm nữa (ngày 1.4.2023), Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM sẽ kết thúc chu kỳ 2 thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, trong thời gian qua đơn vị này hoạt động quá “im ắng”, chưa tạo được dấu ấn gì… Liệu đây có phải là thời điểm để đơn vị này kết thúc sứ mệnh của mình?
Thực phẩm hiện nay an toàn hơn so với trước
Chia sẻ tại cuộc họp báo vào chiều 4.4, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM cho biết, trong 3 năm đầu của chu kỳ đầu tiên thực hiện thí điểm đơn vị này đã làm rất tốt, nhưng đến chu kỳ 2 thực hiện thí điểm thì bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Đặc biệt, trong năm 2021, TP gặp rất nhiều khó khăn về dịch bệnh. Do đó những số liệu cũng như công việc làm được còn nhiều hạn chế.
“Chúng tôi đã làm hết sức. Dù về mặt luật pháp, vĩ mô, hạ tầng cơ sở, việc kinh doanh, sản xuất manh mún chưa sửa đổi được nhiều nhưng ít ra chúng ta đã thống nhất về lực lượng, có sức mạnh để làm những chuyên đề”, bà Lan khẳng định.
Theo bà Lan, với 350 cán bộ, nhân viên hiện có của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM (không thêm một biên chế nào vì được nhập từ 3 ngành: y tế, công thương và nông nghiệp) đã nhường phần lớn nhân lực cho lực lượng thanh tra nên đủ lực lượng để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời các vấn đề về an toàn thực phẩm TP. Lực lượng thanh tra này không chỉ xử phạt mà là cánh tay nối dài của ban trong việc lấy mẫu giám sát nguy cơ, tập huấn, xử lý ngộ độc…
Để đánh giá về hiệu quả hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM trong suốt gần 2 chu kỳ thí điểm vừa qua, theo bà Lan phải dựa vào tình hình an toàn thực phẩm có cải thiện không; số vụ việc thanh tra, kiểm tra đi vào thực chất hay không, số vụ ngộ độc thực phẩm có giảm không… Điều quan trọng nhất là giám sát chỉ số độ an toàn, kiểm nghiệm thực phẩm trên thị trường.
“Thực phẩm hiện nay ở TP so với trước chắc chắn phải an toàn hơn. Ngoài ra, người dân cảm thấy an tâm hơn, ý thức người dân trong vấn đề an toàn thực phẩm cũng khá hơn”, bà Lan khẳng định.
Việc thành lập Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP chính là thể hiện sự trăn trở, quan tâm của Thành ủy, UBND TP và lãnh đạo các cấp về vấn đề an toàn thực phẩm. Nếu để manh mún giữa ngành này, ngành kia, khi xảy ra sự việc về mất an toàn thực phẩm sẽ mất thời gian, chậm chạp xử lý, rất cần có một nơi thống nhất giữa các ngành, đó chính Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Khi có sự thống nhất một lực lượng chịu trách nhiệm để tham mưu cho UBND TP về vấn đề an toàn thực phẩm thì sẽ tăng cường chịu trách nhiệm, không đỗ lỗi cho ai nếu như có sự cố về an toàn thực phẩm.
“Chúng tôi rất mong được phép hoạt động để thực hiện hết mục tiêu đề ra của mình và cải thiện tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn TP. Nếu bỏ Ban Quản lý An toàn thực phẩm là chúng ta bỏ cuộc. Giờ đây, rất mong Chính phủ xem xét, nếu thấy hoạt động của chúng tôi có lợi cho vấn đề an toàn thực phẩm thì hãy chính thức hóa bằng một mô hình, đơn giản nhất là mô hình của một sở với tất cả các chức năng và nhiệm vụ. Rất cần một “danh chính ngôn thuận” của Ban Quản lý An toàn thực phẩm”, bà Lan mong muốn.
Không có chuyện thịt heo “bẩn” tràn lan
Liên quan đến đường dây cung cấp thịt heo “bẩn” cực lớn tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam, bà Lan cho biết TP đang xem xét kỷ luật các cán bộ thú y và tiến hành rà soát lại quy trình giết mổ cũng như vận chuyển và tiêu thụ thịt heo.
Trong 5 đơn vị, hộ kinh doanh cá thể được phản ánh tiêu thụ thịt heo “bẩn”, Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã kiểm tra thì có 2 cơ sở hoàn toàn không kinh doanh thịt heo; 2 cơ sở tại huyện Hóc Môn có kinh doanh 953 kg thịt heo “bẩn” đã bị xử phạt 50 triệu đồng và buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ số thịt heo trên; 1 cơ sở còn lại là ở quận Bình Thạnh đã bị các ngành chức năng ở địa phương xử phạt về việc kinh doanh thịt heo không có nguồn gốc, xuất xứ.
“Dù Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP không có thẩm quyền kiểm tra trực tiếp tại các cơ sở giết mổ (thẩm quyền này thuộc lực lượng thú y), nhưng thời gian qua, lực lượng thanh tra của Ban Quản lý An toàn thực phẩm vẫn kiểm tra từng xe chở heo ở TP cũng như các địa phương khác đến các chợ đầu mối trên địa bàn TP tiêu thụ, kịp thời phát hiện nhiều trường hợp không đảm bảo an toàn, xử lý, tiêu hủy.
Ngoài ra, chúng tôi còn kiểm tra gián tiếp các cơ sở chế biến, kinh doanh thịt heo trên địa bàn các quận, huyện”, bà Mai chia sẻ và nhấn mạnh: “Vụ việc đường dây cung cấp thịt heo “bẩn” chỉ là một hiện tượng. Thực tế qua kiểm tra các mẫu thịt heo trên địa bàn TP đều trong giới hạn an toàn. Vì vậy, không có chuyên thịt heo “bẩn” tràn lan trên thị trường”.
Bà Lan cho rằng vấn đề quản lý giết mổ đã tồn tại nhiều yếu kém trong thời gian qua. Cách đây mấy năm đã xảy ra tình trạng tiêm thuốc mê cho hàng nghìn con heo. Đây là sự việc khiến dư luận rúng động. Thành phố đã có đề xuất phải đảm bảo sự nghiêm túc của lực lượng thú y trong việc quản lý giết mổ.
Hiện nay, TP là một trong những địa phương hiếm hoi có chương trình dẹp bỏ tất cả những điểm giết mổ nhỏ lẻ để tập trung vào các lò giết mổ tập trung và đi vào hiện đại hóa.
“Việc giết mổ hiện nay đang vướng nhiều vấn đề. Nhưng dẫu sao so với việc chỉ còn thực hiện ở những lò mổ tập trung đã tạo điều thuận lợi hơn trong công tác quản lý”, bà Lan nói.
Bên cạnh đó, TP cũng tiến hành thực hiện đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo nhằm đảm bảo con heo được quản lý từ trang trại đến nơi giết mổ, tiêu thụ. Dù vậy, vẫn xảy ra tình trạng thịt heo “bẩn” như thời gian vừa qua.
“Đây là bài học để cho cơ quan quản lý nhà nước phải làm sao chấn chỉnh tình trạng này. Đứng về phía Ban Quản lý An toàn thực phẩm đã báo lên UBND TP để có cơ chế cùng nhau giám sát việc giết mổ, chứ không thể phó mặc công việc chăn nuôi và giết mổ cho bên chăn nuôi. Nếu đã xảy ra mất an toàn thực phẩm rồi mới thuộc quyền quản lý của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thì toàn bộ quá trình phía sau sẽ vô nghĩa”, bà Lan chia sẻ.