UBND tỉnh Bắc Giang đã xác định các kịch bản, lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Bắc Giang lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19

Thu Anh | 21/05/2021, 19:33

UBND tỉnh Bắc Giang đã xác định các kịch bản, lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh COVID-19.

Theo số liệu từ UBND tỉnh Bắc Giang, vụ vải thiều năm 2021 đang thu hoạch, dự kiến sản lượng đạt 180.000 tấn và sẽ kéo dài đến hết tháng 7.2021. Tuy nhiên, trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đang hết sức phức tạp, công tác vận chuyển, tiêu thụ vải thiều sẽ gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, UBND tỉnh Bắc Giang đã xác định các kịch bản, lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, với kịnh bản 1 - Dịch bệnh COVID-19 được kiểm soát, vải thiều được tiêu thụ tương đối thuận lợi thì mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ là 50% trong nước, khoảng 90.000 tấn; 50% xuất khẩu, khoảng 90.000 tấn.

Trong đó, các chợ truyền thống, tiểu thương, xe cóc… dự kiến tiêu thụ khoảng 10.000 tấn. Sản lượng vải chế biến sấy và chế biến khác, dự kiến tiêu thụ khoảng 9.000 tấn; sản lượng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…), kinh doanh trên nền tảng online, dự kiến tiêu thụ khoảng 1.000 tấn…

bac-giang-len-ke-hoach-tieu-thu-vai-thieu-trong-tinh-hinh-dich-covid-19.jpg
Ảnh: Internet

Kịch bản 2, khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, tuy nhiên vẫn trong tầm kiểm soát thì mục tiêu sản lượng vải thiều được tiêu thụ 70% trong nước, khoảng 130.000 tấn; 30% xuất khẩu, khoảng 50.000 tấn. Trong đó, kênh tiêu thụ tại các chợ đầu mối (Thủ Đức; Bình Điền - TP.HCM, Dầu Giây - Đồng Nai; Bắc Thăng Long; Phùng Khoang; Long Biên - Hà Nội…) được xác định đây là kênh tiêu thụ trong nước chủ yếu, dự kiến tiêu thụ khoảng 55.000 tấn.

Các Tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Big C, GO, Lan Chi, Vinmart và Vinmart+… dự kiến tiêu thụ khoảng 20.000 tấn… Dự kiến sản lượng tiêu thụ xuất khẩu vào các thị trường chủ yếu như Trung Quốc, Nhật, Úc, EU, Mỹ, Thái Lan, Singapore… là 50.000 tấn.

Kịch bản 3 - dịch COVID-19 ảnh hưởng toàn diện, hoạt động xuất khẩu nhỏ giọt, sản lượng vải thiều chủ yếu tiêu thụ nội địa thì mục tiêu là tập trung mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị chung tay vào cuộc hỗ trợ, giúp người dân từ công tác thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Sản lượng vải thiều chủ yếu được tiêu thụ trong nước, chiếm 90%, khoảng 160.000 tấn; xuất khẩu 10%, khoảng 20.000 tấn.

Tăng cường khuyến cáo người dân thu hoạch rải vụ, nơi nào có quả vải chín trước cần tập trung thu hoạch, tiêu thụ sớm. Tăng cường chính sách hỗ trợ xây dựng thêm các lò sấy, tuyên truyền cho người dân sớm có thông tin về tình hình tiêu thụ quả tươi để kịp thời chuyển một phần sang chế biến sấy khô. Sản lượng tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử (Alibaba, Amazon, Sendo, Voso, Shopee…), kinh doanh trên nền tảng online dự kiến tiêu thụ khoảng 2.000 tấn…

Đề nghị được hỗ trợ tiêu thụ nông sản của tỉnh

Theo thông tin từ UBND tỉnh Bắc Giang, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có gần triệu con lợn, sản lượng thịt 44.000 tấn; gần 20 triệu gia cầm, sản lượng gần 10.000 tấn; trên 12 nghìn ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng gần 17.000 tấn; có trên 1.100ha rau các loại, sản lượng khoảng 20.000 tấn; có 600ha dứa, sản lượng 15.000 tấn; có trên 28.000ha vải thiều, sản lượng 180.000 tấn đã vào vụ thu hoạch…

Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp nên việc tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh, đặc biệt là việc lưu thông, vận chuyển nông sản từ Bắc Giang sang các địa phương khác (và ngược lại), cũng như xuất khẩu qua các cửa khẩu gặp khó khăn, ảnh hưởng đến thu nhập, đời sống của nông dân.

Theo báo cáo của các cơ quan chức năng, hiện nay, các phương tiện vận tải chở nông sản, hàng thiết yếu và nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh từ Bắc Giang đến các tỉnh, thành phố đều bị các chốt kiểm soát chặn lại, không cho lưu thông. Ngược lại, các phương tiện vận tải của các tỉnh, thành phố vận chuyển hàng hóa đến Bắc Giang khi trở về địa phương, lái xe đều phải đi cách ly tập trung 21 ngày.

Để giúp việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh Bắc Giang được thuận lợi, gỡ khó về đầu ra cho doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân; UBND tỉnh Bắc Giang đã có công văn kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo, giúp đỡ.

Trong đó, UBND tỉnh Bắc Giang mong muốn Thủ tướng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho phép các xe vận chuyển các sản phẩm nông sản của Bắc Giang được lưu thông, tiêu thụ trên địa bàn; giúp đỡ các thủ tục liên quan đến việc thông thương hàng hóa qua các cửa khẩu được thuận lợi và nhanh chóng. UBND tỉnh Bắc Giang cam kết những sản phẩm của tỉnh chuyển đi tiêu thụ đảm bảo an toàn dịch bệnh.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Bắc Giang cũng mong muốn Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành trung ương hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong việc kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông sản. Chỉ đạo, khuyến khích các doanh nghiệp, kênh phân phối, hệ thống siêu thị, chợ đầu mối tại các tỉnh, thành phố tích cực tham gia tiêu thụ nông sản của Bắc Giang…

Bài liên quan
Ưu tiên dùng sàn thương mại điện tử Việt quảng bá nông sản Việt
Cục Tin học hóa đề nghị các địa phương nghiên cứu, tổ chức tuyên truyền để người dân đẩy mạnh tiếp thị những mặt hàng nông sản trên các sàn thương mại điện tử, mạng xã hội của Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Nghị quyết về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV
8 giờ trước Theo dòng thời sự
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bắc Giang lên kế hoạch tiêu thụ vải thiều trong tình hình dịch COVID-19