Bắc Kinh đã bị nhấn chìm bởi trận bão cát lớn nhất trong một thập kỷ vào sáng 15.3, bắt nguồn từ Mông Cổ, khiến tầm nhìn ở hầu hết các khu vực chỉ còn dưới 1.000 mét và đưa PM10 lên gần 10.000 microgam/m3 ở trung tâm thành phố.
Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter, ký hiệu PM. Các hạt bụi mịn có kích thước siêu vi được biết đến nhiều nhất là PM10 với có kích thước đường kính từ 2.500 tới 10.000 microgam/m3.
Hôm 15.3, Đài quan sát khí tượng Bắc Kinh cho biết thủ đô Trung Quốc đã đưa ra cảnh báo màu vàng về bão cát vào lúc 7 giờ 25 sáng, nhắc nhở công chúng nên có các biện pháp phòng ngừa phù hợp. Với cảnh báo màu vàng, người dân được khuyến khích tạm dừng mọi hoạt động ngoài trời và đeo khẩu trang bảo vệ.
Đài quan sát khí tượng trung ương gọi đây là quá trình thời tiết cát bụi dữ dội nhất Trung Quốc trong thập kỷ qua và phạm vi ảnh hưởng của bão cát bụi cũng rộng nhất 10 năm qua.
Đợt bão cát này là kết quả của tác động tổng hợp giữa không khí lạnh và lốc xoáy từ Mông Cổ. Nó dần dần di chuyển về phía nam cùng với luồng không khí và bắt đầu ảnh hưởng đến Bắc Kinh từ bắc xuống nam bắt đầu từ 3 giờ sáng, theo Trung tâm Giám sát Môi trường và Sinh thái thành phố Bắc Kinh.
Hôm 15.3, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Quốc gia Mông Cổ cho biết các trận bão cát mạnh ở nước này khiến 6 người chết và 548 báo cáo về người mất tích đã được đệ trình. Tính đến 9 giờ sáng nay, 467 người đã được tìm thấy, nhưng 81 người vẫn mất tích.
Tốc độ gió ở các tỉnh khác nhau của Mông Cổ đã lên tới 20 mét/giây và có những cơn gió giật lên tới 30 đến 34 mét/giây.
Trung tâm giám sát cho biết PM10 trong vùng lõi của bụi cát ở Bắc Kinh là gần 10.000 microgam/m3 .
Lượng PM10 ở Bắc Kinh đạt mức trung bình hơn 1.000 microgam/m3 vào lúc 8 giờ sáng thứ Hai và chỉ số này lên đến 2.000 microgam/m3 ở một số khu vực phía bắc thủ đô Trung Quốc.
Wang Gengchen, nhà nghiên cứu tại Viện Vật lý Khí quyển thuộc Học viện Khoa học Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn cầu rằng có vẻ như Bắc Kinh đã không thấy một trận bão cát dữ dội trong nhiều năm cho đến khi cơn bão này xảy ra, nhưng thực sự thì bão cát chưa bao giờ biến mất.
Tình hình bão cát đã được cải thiện trong vài năm gần đây do Trung Quốc nỗ lực để hạn chế sự mở rộng của sa mạc hóa và chống lại cát, bụi ở thượng nguồn từ Nội Mông của miền Bắc nước này và quốc gia láng giềng Mông Cổ. Tuy nhiên, nó đã được chứng minh là trận chiến lâu dài do những khu vực cát và bụi lớn bao phủ, Wang Gengchen giải thích.
"Nồng độ của bão cát vượt xa nồng độ của bão bụi mà bộ khí tượng có thể dự đoán, cho thấy rằng chúng ta không có đủ kiến thức về bản chất của nó", Zhao Yingmin, Thứ trưởng Bộ Sinh thái và Môi trường, nói trong bài phát biểu mở đầu cho một loạt các bài giảng về kiến thức sinh thái và môi trường do Bộ này tổ chức ngày 15.3.
Ông nói thêm: “Bão cát ngày nay chủ yếu là do yếu tố tự nhiên, nhưng nó cũng cho thấy môi trường sinh thái của chúng ta còn rất mong manh”.
Năm 1978, Trung Quốc khởi động Chương trình Rừng trú ẩn Ba Bắc (TSFP), bao gồm rừng trồng ở phía tây bắc, bắc và đông bắc Trung Quốc, dự án 8 giai đoạn, 13 tỉnh, chiếm khoảng 42,4% tổng diện tích đất cả nước, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2050.
Trong hơn 40 năm qua, hơn 7,88 triệu ha cây chắn gió đã được trồng, 336.000 km2 đất hoang mạc đã được quản lý và hơn 10 triệu ha đồng cỏ sa mạc hóa đã được bảo vệ và phục hồi, theo Cục Lâm nghiệp Quốc gia và Cơ quan Quản lý Đồng cỏ.
Cát và bụi mạnh có khả năng tiếp tục diễn ra trong ngày 15.3 với xu hướng giảm vào cuối đêm nay.
Tổng cộng 12 khu vực ở Trung Quốc, bao gồm cả Tân Cương, Nội Mông, Sơn Tây, Thiểm Tây - Cam Túc - Ninh Hạ, Bắc Kinh - Thiên Tân - Hà Bắc, sẽ có cát và bụi từ từ vào thứ Hai.