Từ năm 2007, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các hành động ngang ngược để đòi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Sau đó, Philippines đã quyết định kiện "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) ra Tòa Trọng tài thường trực.

Bài 1: Vì sao Philippines kiện 'đường chín đoạn' Trung Quốc?

10/07/2016, 15:03

Từ năm 2007, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy các hành động ngang ngược để đòi yêu sách chủ quyền trên Biển Đông. Sau đó, Philippines đã quyết định kiện "đường chín đoạn" (đường lưỡi bò) ra Tòa Trọng tài thường trực.

Âm mưu độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc - Biếm họa của Patrick Chappatte (báo New York Times).

Trung Quốc hành động ngang ngược

Từ năm 2007, Trung Quốc đã triển khai nhiều biện pháp để củng cố cơ sở pháp lý của các yêu sách chủ quyền, đẩy mạnh tuyên truyền chủ quyền trên Biển Đông, phê phán hành vi của các nước khác và khăng khăng cho rằng Trung Quốc giữ thái độ kiềm chế và tự vệ.

Một số hành động ngang ngược Trung Quốc đã thực hiện gồm có:

Ngăn cản hoạt động khai thác tài nguyên của các nước khác, bất chấp hoạt động đó nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của họ: Tháng 6.2007, trước sức ép của Trung Quốc, Tập đoàn BP của Anh đã quyết định ngừng dự án thăm dò dầu khí trong vùng biển có tranh chấp ngoài khơi Việt Nam.

Tháng 7.2008, giới ngoại giao Trung Quốc tại Mỹ lại phản đối Exxon Mobil và công khai đe dọa sẽ trả đũa hoạt động kinh doanh của công ty này tại Trung Quốc nếu Exxon Mobil hợp tác với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) trong các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở khu vực ngoài khơi miền Trung và miền Nam Việt Nam.

Trung Quốc đã xâm chiếm và xây dựng trái phép trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: ABC

Song song đó, Trung Quốc còn ngang nhiên công bố dự án khoan tìm dầu khí trong các khu vực nước sâu tại Biển Đông (năm 2008) hay tiến hành khảo sát địa chất tại khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và tại các lô dầu khí 141, 142, 143 trên thềm lục địa Việt Nam.

Thiết lập cơ quan quản lý hành chính đối với các quần đảo tranh chấp: Tháng 7.2007, Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam để trực tiếp quản lý ba quần đảo Tây Sa (cách gọi Hoàng Sa của Trung Quốc), Trung Sa và Nam Sa (cách gọi Trường Sa của Trung Quốc).

Ngoài ra, Trung Quốc còn thông qua một loạt văn bản pháp lý khác nhằm kiện toàn bộ máy quản lý về biển và hải đảo như Cương yếu phát triển hải dương tầm nhìn 2020, Chương trình hỗ trợ công dân sử dụng các đảo không người…

Đơn phương áp đặt các lệnh cấm đánh bắt ở Biển Đông: Trong hai năm 2009 và 2010, Trung Quốc đã áp đặt lệnh cấm bắt cá trong vòng 3 tháng (từ giữa tháng 5 đến giữa tháng 8).

Song song với lệnh này, Trung Quốc còn tiến hành các hành động tuần tra, ngăn cản và bắt giữ ngư dân các nước Việt Nam, Malaysia và Philippines.

Người dân Phlippines biểu tình trước Đại sứ quán Trung Quốc tại Philippines để phản đối các yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này- ảnh: inquirer.net
Người dân Phlippines biểu tình trước sứ quán Trung Quốc tại Philippines để phản đối yêu sách chủ quyền ngang ngược của nước này - Ảnh: Inquirer

Yêu sách “đường chín đoạn” tham lam

Đến năm 2009, mưu đồ độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc đã bộc lộ rõ.

Ngày 6.5.2009, Việt Nam và Malaysia nộp báo cáo chung về ranh giới ngoài thềm lục địa mở rộng khu vực phía Nam Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa LHQ (CLCS).

Một ngày sau, Trung Quốc gửi công hàm phản đối báo cáo này lên thư ký LHQ, trong đó đính kèm bản đồ "đường chín đoạn" chiếm gần 90% diện tích Biển Đông.

Yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc bắt nguồn từ yêu sách của Trung Hoa Dân Quốc, xem quần đảo Đông Sa, Hoàng Sa, bãi Macclesfield và Trường Sa là một phần lãnh thổ của Trung Hoa Dân Quốc tại Biển Đông.

Yêu sách này được thể hiện trên “bản đồ vị trí các quần đảo trên Biển Đông” đính kèm với bản đồ Trung Quốc.

Bản đồ được đánh dấu bằng các đường đứt đoạn. Sau này, Trung Quốc đã dùng đường đứt đoạn này làm yêu sách biên giới trên Biển Đông.

Yêu sách “đường chín đoạn” tham lam của Trung Quốc- ảnh: philstar.com
Yêu sách “đường chín đoạn” tham lam của Trung Quốc - Ảnh: Philstar

Sau khi công bố "đường chín đoạn", Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động nhằm khẳng định yêu sách này.

Ví dụ: Trung Quốc đã hai lần cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việc Nam trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam (2011), buộc tàu thăm dò của Philippines phải rút khỏi bãi Cỏ Rong (Reed Bank), in "đường chín đoạn" lên mẫu hộ chiếu phổ thông điện tử mới cấp cho công dân (2012),…

Những tuyên bố đơn phương như "đường lưỡi bò" cùng một loạt hành động cứng rắn đi kèm của Trung Quốc đã xâm phạm quyền lợi của các quốc gia láng giềng, trong đó có Philippines.

Vì vậy vào tháng 1.2013, Philippines đã gửi đơn lên Tòa Trọng tài thường trực đề nghị tòa này phân xử một loạt vấn đề liên quan đến tranh chấp trên Biển Đông, trong đó có tính pháp lý của tuyên bố yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc.

Cẩm Bình (theo straitstimes.com, nghiencuuquocte.org)

Bài 2: Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
4 phút trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Vì sao Philippines kiện 'đường chín đoạn' Trung Quốc?