Để có thể gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973, Anh đã phải trải qua quá trình hết sức vất vả. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó Anh-châu Âu dường như rất dễ tan vỡ.

Bài 2: Anh và EU - Mối quan hệ không bền chặt

03/07/2016, 04:55

Để có thể gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 1973, Anh đã phải trải qua quá trình hết sức vất vả. Tuy nhiên, mối quan hệ gắn bó Anh-châu Âu dường như rất dễ tan vỡ.

Thủ tướng Anh David Cameron đưa nước Anh rời EU. Biếm họa của Arend van Dam

Các nước mời mọc, Anh từ chối

Mặc dù phải đến năm 1973, Anh mới gia nhập Liên minh châu Âu-EU (lúc này còn mang tên Cộng đồng châu Âu-EC) nhưng duyên nợ giữa hai bên đã có từ trước.

Từ sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc vào năm 1945, nhu cầu thắt chặt quan hệ để ngăn chặn khả năng xảy ra tình trạng gây chiến với nhau giữa các nước châu Âu ngày càng tăng.

Một trong những người ủng hộ ý tưởng này là cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill. Trong bài phát biểu tại Đại học Zurich năm 1946, ông Churchill đã đề xuất “một hình thức Liên bang châu Âu (United States of Europe), một cấu trúc bảo đảm mọi người được sống trong hòa bình, an toàn và tự do”.

Mặc dù Thủ tướng Churchill (người giơ tay) đã đề xuất ý tưởng về một Liên ban Châu Âu, nhưng Anh không hề tham gia vào bất cứ tổ chức Châu Âu nào vào trước năm 1973- ảnh: Mirror.co.uk
Mặc dù Thủ tướng Anh Churchill (người giơ tay) đã đề xuất ý tưởng về một Liên bang châu Âu nhưng Anh không hề tham gia vào bất cứ tổ chức châu Âu nào trước năm 1973 - ảnh: Mirror.co.uk

Tuy vậy, khi Pháp, Tây Đức, Bỉ, Ý và Luxembourg thành lập Cộng đồng Than thép châu Âu (ECSC) vốn là tiền thân của EU vào năm 1951, Anh lại đứng ngoài không tham gia.

Thậm chí lúc Pháp, Tây Đức, Ý, Bỉ, Hà Lan và Luxembourg ký Hiệp ước Rome thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) vào năm 1957 cũng đã ngỏ ý mời Anh, nhưng một lần nữa Anh lại từ chối.

Theo nhiều nhà phân tích, Anh từ chối gia nhập ECSC lẫn EEC vì nước này còn tin rằng sức mạnh và vị thế của Anh vẫn đủ lớn để tự phát triển mà không cần tới sự giúp đỡ từ những tổ chức châu Âu.

Anh, vào thời điểm đó, mặc dù đã phải nhường lại vị trí bá quyền số một cho Mỹ nhưng vẫn còn là một cường quốc lớn. Nước này vẫn có một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên hợp Quốc; có vị trí lớn trong khối thịnh vượng chung (tổ chức liên chính phủ của 53 quốc gia, trong đó hầu hết từng là lãnh thổ của cựu đế quốc Anh) và có quan hệ đặc biệt với Mỹ.

Tất cả yếu tố trên cộng với việc vị trí địa lý tự nhiên của Anh đã có phần tách biệt (là một đảo riêng biệt ở phía tây bắc lục địa châu Âu) khiến Anh tự cho rằng mình không cần đến châu Âu.

Hành động thể hiện rõ nhất tư tưởng này của Anh chính là việc nước này chỉ gửi Russell Bretherton, một quan chức cấp trung chuyên lo liệu về mảng thương mại, đến tham dự hội nghị ký kết Hiệp ước Rome thành lập EEC với tư cách quan sát viên.

Tiến trình gia nhập vất vả của Anh

Tuy nhiên, với tình hình nội bộ và tình hình quốc tế ngày càng thay đổi, Anh đã phải xét lại tư tưởng của mình.

Sau khi EEC ra đời, Anh đã xúc tiến thành lập Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA) với Áo, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha nhằm phát triển kinh tế của Anh.

Thế nhưng EFTA hoạt động không hiệu quả như EEC, kinh tế Anh ngày càng xấu đi trong khi Pháp, Đức nhờ vào EEC đã dần hồi phục sau chiến tranh và dần nổi lên thành hai thế lực lớn trong khu vực. Hơn nữa, thế giới hai cực lúc này đòi hỏi Anh phải coi trọng châu Âu. Những thay đổi này đã khiến Anh phải đổi ý.

Ngày 9.8.1960, Anh đã xin gia nhập EEC nhưng nỗ lực này đã bị Tổng thống Pháp Charles de Gaulle phủ quyết vào năm 1963. Theo ông de Gaulle, Anh “rất khác so với các nước châu Âu lục địa và sẽ là con ngựa nổi loạn phá hoại tình hình ổn định của châu Âu”.

Từ năm 1964 đến 1967, Công đảng Anh (Labour Party) nắm quyền, nhiều thành viên đảng này đã phản đối nên việc xin gia nhập bị gián đoạn.

Đến năm 1967, Thủ tướng Anh Harold Wilson thay đổi thái độ và xin gia nhập EEC. Nỗ lực hòa nhập lần hai của Anh cũng có kết quả như lần một, tổng thống Pháp một lần nữa thuyết phục các nước EEC khác phủ quyết việc gia nhập của Anh.

Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, người khiến Anh hai lần thất bại trong việc gia nhập EEC- ảnh: Telegraph
Tổng thống Pháp Charles de Gaulle, người khiến Anh hai lần thất bại trong việc gia nhập EEC- ảnh: Telegraph

Phải chờ đến khi ông de Gaulle rời nhiệm sở vào năm 1969, việc Anh gia nhập EEC mới có tiến triển.

Năm 1971, Thủ tướng Anh Edward Heath thuộc đảng Bảo thủ nối lại đàm phán với EEC và đến năm 1972 thì việc Anh gia nhập EEC đã đạt được hiệp nghị. Một năm sau, tức năm 1973, Anh chính thức trở thành thành viên của EEC.

Thủ tướng Anh Edward Heath, người có công đưa Anh gia nhập EEC vào năm 1973- ảnh: History Today
Thủ tướng Anh Edward Heath, người có công đưa Anh gia nhập EEC vào năm 1973 - ảnh: History Today

Mối quan hệ không bền chặt trong 43 năm

Mặc dù đã gia nhập EEC nhưng cuộc tranh luận quanh việc Anh có nên hòa nhập với cộng đồng Châu Âu vẫn chưa kết thúc.

Hai năm sau khi gia nhập, Anh thực hiện trưng cầu ý dân về việc rút khỏi EEC nhưng may mắn là 67,2% cử tri Anh thời điểm đó đã chọn ở lại.

Biểu tình ủng hộ Anh tham gia Thị trường chung Châu Âu vào năm 1971- ảnh: History Today
Biểu tình ủng hộ Anh tham gia Thị trường chung Châu Âu vào năm 1971 - ảnh: History Today
Bài viết “Now Wilson has to tackle Left” của tờ The Guardian đưa tin về cuộc trưng cầu ý dân vào năm 1975- ảnh: The Guardian
Bài viết “Now Wilson has to tackle Left” của báo The Guardian đưa tin về cuộc trưng cầu ý dân năm 1975 - ảnh: The Guardian

Đến năm 1984, quan hệ Anh - EC lại “nổi sóng” khi Thủ tướng Anh Margaret Thatcher yêu cầu giảm mức đóng góp của Anh trong EC.

Trong 11 năm cầm quyền, bà Thatcher nhiều lần phản đối tiến trình hội nhập chính trị của khối vì sợ rằng việc này sẽ tạo ra một “siêu quốc gia châu Âu” tước đoạt mọi quyền của các nước thành viên.

Năm 1990, Anh tham gia Hệ thống Tiền tệ châu Âu (European Monetary System- EMS). EMS được lập ra vào năm 1979 với mục đích duy trì tỷ giá cố định trong toàn khối và tỷ giá của cả khối sẽ thay đổi theo thị trường.

Hai năm sau, quan hệ Anh- EC rơi xuống mức thấp nhất khi Anh tuyên bố rút khỏi EMS vào ngày 16.9.1992. Sự kiện này được gọi là “ngày thứ tư đen tối” (Black Wednesday).

Năm 1995, Anh lại từ chối tham gia Hiệp ước Schengen về tự do đi lại giữa các nước châu Âu cũng như không sử dụng đồng tiền chung euro.

Năm 2011, Anh từ chối ký Hiệp ước về Tài khóa và Ngân sách do EU đưa ra nhằm khắc phục những vấn đề tài chính mà nước này gặp phải trong cuộc khủng hoảng tài chính- tiền tệ 2008-2009.

Và ngày 23.6.2016, quan hệ Anh - EU tan vỡ hẵn khi cuộc trưng cầu ý dân đã cho kết quả gần 52% cử tri Anh chọn ra đi (Brexit). Anh sẽ chính thức rời khỏi khối sau khi kết thúc đàm phán với EU.

Quan hệ Anh- EU tan vỡ khi cuộc trưng cầu ý dân đã cho kết quả 52% người dân Anh chọn ra đi- ảnh: Independent
Quan hệ Anh - EU tan vỡ khi cuộc trưng cầu ý dân đã cho kết quả gần 52% cử tri Anh chọn ra đi - ảnh: The Independent

Cẩm Bình (theo Theguardian.com, Parliament.uk)

Kỳ cuối: Điều 50 Hiệp ước Lisbon nói gì?

Bài liên quan
Doanh thu quý 1/2024 của Apple dự kiến giảm mạnh khi các nhà đầu tư chờ AI trên dòng iPhone 16
Dự kiến doanh thu quý 1/2024 của Apple sẽ giảm mạnh và các nhà đầu tư kỳ vọng trí tuệ nhân tạo (AI) tích hợp trong dòng iPhone 16 sẽ vực dậy doanh số bán hàng đang giảm sút tại thị trường quan trọng Trung Quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết ở Đồng Nai
4 giờ trước Theo dòng thời sự
Thủ tướng chỉ đạo khẩn trương làm rõ nguyên nhân, khắc phục hậu quả vụ nổ lò hơi làm 6 người chết, 5 người bị thương tại Đồng Nai.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Anh và EU - Mối quan hệ không bền chặt