Vì sao có phương tiện bơm hút cát bị bắt, Công an tỉnh Bến Tre không buộc phải bơm trả lại lòng sông, mà điều dắt về để bơm lên… hầm cát của một doanh nghiệp? Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre tỏ ra ngạc nhiên trước câu hỏi này!

Bài 2: Bắt được ‘cát tặc’ cứ… bơm cát vào hầm của Công ty Sông Lam!

Thanh Huy | 15/05/2019, 06:13

Vì sao có phương tiện bơm hút cát bị bắt, Công an tỉnh Bến Tre không buộc phải bơm trả lại lòng sông, mà điều dắt về để bơm lên… hầm cát của một doanh nghiệp? Lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre tỏ ra ngạc nhiên trước câu hỏi này!

Bài 1: Sông Hàm Luông ‘dậy sóng’, ‘cát tặc’ mặc sức tung hoành và hung hãn

Đứng trên cầu Hàm Luông, hướng máy ảnh về phía bờ H.Mỏ Cày Bắc (tỉnh Bến Tre), có thể ghi lại được toàn cảnh hầm cát rộng lớn của Chi nhánh Công ty CP Tư vấn thiết kế đầu tư và Xây dựng Sông Lam (gọi tắt là Công ty Sông Lam). Trước chủ trương của Chính phủ, đề nghị các địa phương tăng cường quản lý nguồn tài nguyên sa khoáng và xử lý nghiêm nạn cát tặc, hầm cát này lại hình thành từ giữa năm 2018 và trương biển hiệu công khai như thách thức dư luận…

Tàu sắt tràn ra đoạn sông cạnh cầu Hàm Luông ăn trộm cát

Người dân 2 bên bờ sông, không ai lạ gì với cái cảnh 3 tàu sắt của Công ty Sông Lam, tải trọng mỗi phương tiện từ 100 - trên 200m3 luôn “canh me” hằng đêm, thay nhau hút cát cách không xa chân cầu Hàm Luông (khu vực trước hầm cát nêu trên). Cung cấp thông tin trực tiếp cho PV, hoặc qua điện thoại, người dân đồng ý cho ghi âm, nhưng đề nghị không công bố tên vì sợ bị trả thù.

PV lưu giữ rất nhiều cuộc gọi báo tin: “Giờ này tàu của Công ty Sông Lam đang hút ngoài sông, trước mặt hầm cát. Cả 3 tàu sắt thay phiên nhau hút…”… Người dân sống cạnh cầu Hàm Luông phản ánh: “Những lúc có tàu hút cát hoạt động, dân gọi điện báo tin cho công an thì những người có trách nhiệm không bắt máy.

Hầm cát của Công ty Sông Lam được bao tường rào ôm cả trụ điện vượt sông - Ảnh: Huy Phương

Một điểm lạ khác thường, đó là mỗi khi công an chuẩn bị phóng canô đi tuần thì nhóm tàu sắt trên đều án binh bất động. Đêm nào không có lực lượng tuần tra, Công ty Sông Lam cho hút cùng lúc 3 tàu ngay trước mặt hầm, rồi vô bờ thản nhiên neo đậu. Có thêm vài ba tàu hút cát khác ăn theo. Vì hễ thấy tàu của ông Tư (chủ công ty Sông Lam) nổ máy ra sông, là hiểu đêm đó “ổn” có thể yên tâm hút cát trộm”.

Hầm cát rộng gần 1 ha, được ông chủ Công ty Sông Lam cho vây tường rào bao bọc trông thật quy mô. Tường rào bao gộp luôn cả phần đất công, có trụ điện vượt sông 110 KVA và 220 KVA đã được nhà nước đền bù giải tỏa. Hầm cát này xẻ những rãnh dọc và ao chứa phía cận mép sông thiết kế sâu, rộng hơn… khả năng có thể chứa hàng chục nghìn m3 cát.

3 tàu sắt sức chứa trên 100m3 luôn thường trực trước hầm cát. Dân bức xúc vì hàng đêm các trên tàu luôn ăn cắp cát cạnh cầu Hàm Luông, nhưng không hề bị công an truy bắt?- Ảnh: Huy Phương

Lượng cát tích trữ -theo người dân sống trong khu vựchầu hết đều là số cát hút trộm, vì hiện nay trên toàn tuyến sông không còn mỏ cát nào hoạt động -từ đó sẽ được chủ hầm vô tư bơm bán trở lại cho người cần mua. Ngay hôm chúng tôi bí mật ghi hình, có 2 phương tiện “cát tặc” bị công an bắt giữ, đang phải bơm cát từ dưới ghe vào hầm của Công ty Sông Lam theo đề nghị của cán bộ thi hành công vụ!

Đêm trước dịp nghỉ lễ 30.4, 1.5, PV nhận được tin báo ngay tại mặt sông, trước hầm cát của Công ty Sông Lam có 3 tàu sắt thường trực đang hút rầm rộ. Chưa kịp điều phương tiện tiếp cận những tàu “cát tặc” thì nguồn tin báo lại: “Có động rồi. 1 tàu hút đầy cát và 2 tàu chưa kịp hút đầy đã kéo nhau vô bờ neo đậu rồi”.

Biển hiệu hầm cát được trưng công khai. Lãnh đạo tỉnh Bến Tre, khẳng định chưa từng cấp phép cho doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nhạy cảm này- Ảnh: Huy Phương

Không lâu sau đó, chúng tôi thấy canô tuần tra rảo một vòng… Khi chúng tôi ghi hình được 1 tàu sắt to đùng ăn cắp cát cách cầu Hàm luông chừng 2km về phía thượng nguồn, người dân cho biết mấy hôm liên tiếp sau đó, hầm cát của công ty này tắt đèn không thắp sáng choang như thường ngày và các tàu sắt không ra sông. “Giàn 'lính'của ông chủ Công ty Sông Lam thường ngủ ngày và hoạt động về đêm…”

Ai chủ trương bơm cát lỡ hút trộm lên hầm của tư nhân?

Ngày 3.4, tàu sắt của ông S. ngụ xã Phú Túc, H.Châu Thành (tỉnh Bến Tre) hút cát trên sông Tiền, bị lập biên bản, ra quyết định tạm giữ tại bến phà Hàm Luông cũ. Trung úy Trần Thanh Phong, Phó đội trưởng Đội 3, thuộc Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường trực tiếp xử lý, đã đề nghị tàu của ông S. phải bơm lượng cát hút trộm lên… hầm cát của Công ty Sông Lam.

Rạng sáng 19.4, Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ 2 phương tiện của ông H. ngụ TP.Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang). Chiều cùng ngày 2 phương tiện này cũng được công an đề nghị phải bơm toàn bộ số cát trộm vào hầm của Công ty Sông Lam!

Sao không bơm cát trả lại dòng sông đúng theo quy định của Chính phủ? Người dân và chính giới “cát tặc” bức xúc thông tin thêm: “Chuyện bơm cát vô hầm của ông chủ Công ty Sông Lam,làm hà rầm mà. Những phương tiện bị bắt ngoài sông Tiền cũng được điều dắt về đây để bơm vô hầm. Không biết, phía công an 'bán cát', 'gửi cát'hay 'biếu không'cho chủ hầm?”

Chính những “cát tặc” bức xúc quay clip, chuyển cho PV đề nghị làm rõ. Họ bộc bạch: “Biết đi ăn cắp cát để mưu sinh là vi phạm pháp luật. Nhưng người thi hành công vụ cố ý làm sai không ai xử lý. Ai là người được hưởng lợi từ hàng trăm mét khối cát lậu bị bắt phải bơm lên hầm cát tư nhân… cũng cần làm sáng tỏ”.

Các phương tiện ăn cắp cát từ sông Tiền bị Công an tỉnh Bến Tre bắt giữ, được điều dắt về sông Hàm Luông, buộc phải bơm cát lên hầm của Công ty Sông Lam (ảnh cắt từ clip)- Ảnh: Huy Phương

Trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Hữu Lập, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre, người trực tiếp phụ trách mảng này, ông Lập không hề hay biết có những chuyện trái khoái như vừa nêu. Ông khẳng định, UBND tỉnh không hề cấp phép và chủ trương để hầm cát hoạt động tại khu vực trên. Nhưng cẩn trọng hơn, ông hứa sẽ cho kiểm tra lại bộ phận tham mưu.

Ngay sáng 4.5, sau khi kiểm tra ông Lập chủ động gọi điện cho PV tiếp tục khẳng định: “Riêng chuyện công an không cho bơm số cát trộm trả lại lòng sông, mà bơm lên hầm cát của tư nhân, vấn đề này UBND tỉnh không cho chủ trương”. Trên tinh thần cầu thị, ông Lập sẵn sàng ghi nhận những thông tin báo chí phản ánh. “Chúng tôi sẽ họp để chấn chỉnh và xử lý nếu có sai phạm. Về dư luận chung quanh hầm cát cũng sẽ phải được làm rõ”,ông Lập nói.

Được biết, cán bộ ngành điện, thuộc Công ty Điện lực Bến Tre đã nhiều lần đến kiểm tra khu vực hầm cát. Mục đích xem phía chủ đầu tư hầm cát có vi phạm gây mất an toàn đối với 2 trụ điện vượt sông? Việc Công ty Sông Lam tự ý vây tường rào bao trọn trụ điện vào khu vực kinh doanh của mình là không đúng. Nhưng vì sao phía ngành điện không có ý kiến buộc công ty phải cắt bỏ tường rào trả lại phần đất công?

Cầu Hàm Luông đang bị “cát tặc” xâm hại, công an làm ngơ khiến dân địa phương bức xúc sông - Ảnh: Huy Phương

Hiện nay do tất cả các mỏ cát đều đóng cửa, nạn trộm cát đang nóng lên khắp địa bàn tỉnh. Tại những điểm nóng, đơn cử như đoạn từ mỏ cát An Hiệp đến chân cầu Hàm Luông, rất cần có chủ trương của UBND tỉnh thành lập 1 trạm canh cố định, vì nơi này đang tập trung giới “cát tặc” hoạt động rất đông. Cao điểm có đêm không dưới 20 - 30 phương tiện ghe gỗ và tàu sắt từ 20 - 200m3.

Việc phân công cán bộ thi hành công vụ cũng cần giám sát chặt chẽ. Vì trên đoạn tuyến này cát tặc được xem là rất hung hãn và hình thành băng nhóm theo kiểu “tập đoàn”, nhưng rất ít phương tiện bị bắt giữ xử phạt!

Huy Phương
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tốc độ tăng GDP quý 1/2024 cao nhất trong 4 năm nay
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 1/2024 ước tính tăng 5,66% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý 1 các năm từ 2020 - 2023.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Bắt được ‘cát tặc’ cứ… bơm cát vào hầm của Công ty Sông Lam!