“Hướng dẫn viên được đi nhiều thật đấy, nơi nào đẹp đều có cơ hội đặt chân tới... nhưng sau mỗi chuyến đi, nhìn lại cũng thấy tủi thân”. Đó là lời bộc bạch rất chân thành của một hướng dẫn viên du lịch về những niềm vui và khó khăn trong nghề.

Bài 2: Lời bộc bạch của một nữ hướng dẫn viên

Một Thế Giới | 13/11/2015, 06:00

“Hướng dẫn viên được đi nhiều thật đấy, nơi nào đẹp đều có cơ hội đặt chân tới... nhưng sau mỗi chuyến đi, nhìn lại cũng thấy tủi thân”. Đó là lời bộc bạch rất chân thành của một hướng dẫn viên du lịch về những niềm vui và khó khăn trong nghề.

Theo nghề du lịch bởi... rớt đại học

Đến với nghề không phải vì niềm yêu thích mà chỉ với lý do rất cụ thể và thẳng thắn: thi vào trường đại học luật bị trượt, nhưng đến nay chị Tô Thị Quỳnh Nga đã có 6 năm gắn bó với nghề hướng dẫn với những chuyến xa nhà dài ngày.

Nhớ lại ngày mới vào nghề, Quỳnh Nga chia sẻ: “Thời điểm đó, bản thân tôi chưa định hình chính xác được là vào nghề thì sẽ phải làm những gì và liệu có nên theo nghề hay không. Nhưng trong quá trình học tập và cơ may được trải nghiệm thực tế khi còn ngồi trên ghế nhà trường nên mới đi tới quyết định theo nghề”. 
“Ngày đầu khó khăn lắm, tự ti với đồng nghiệp vì tôi trẻ và ít kinh nghiệm nhất mà. Nhiều khi dẫn thử tay cầm míc còn run run, dù đã thuộc lòng bài thuyết minh nhưng vẫn không sao nói nên lời. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười lắm! Những ngày chập chững vào nghề là chuỗi ngày áp lực nhất, thật sự lúc đó bản thân tôi cũng có đôi chút hoang mang nhưng cũng phải tự khắc phục bằng cách chịu khó lắng nghe, học hỏi nhiều hơn và điềm tĩnh hơn; dù việc này thực sự rất khó”, nữ hướng dẫn viên có vẻ ngoài cá tính trải lòng với những thách thức ban đầu khi vào nghề.
Tính đến nay, với 6 năm kinh nghiệm, đã từng dẫn rất nhiều đoàn lớn nhỏ với nhiều đối tượng khác nhau, đặt chân tới nhiều nơi xinh đẹp, hùng vĩ trong và ngoài nước, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa đa dạng, nhưng theo Quỳnh Nga, nghề hướng dẫn chưa bao giờ là dễ dàng.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Đối với một nữ hướng dẫn viên, thì xinh đẹp, duyên dáng, nói hay thôi chưa đủ, điều cần thiết là phải có khả năng xử lý tình huống linh hoạt, nhạy bén, khéo léo cũng như phải thật sự vững vàng trong chuyên môn, đặc biệt là đối với những tour đi dài ngày, đoàn đông.
Chia sẻ xoay quanh vấn đề này, chị Nga không sao quên được chuyến đi đảo Cô Tô vào những ngày đầu hè tháng 6.2012 với đoàn giáo viên của một trường THCS ở Hà Nội gần 30 người gồm cả người lớn và trẻ em.
Huong dan vien, du lich, mua vu,
Nghề hướng dẫn du lịch vốn hào nhoáng nhưng nhiều khó khăn, đôi lúc còn cảm thấy tủi thân
Theo như lời kể của Quỳnh Nga, đoàn hôm đó mang rất nhiều đồ, xe thì chật lại không có cốp để đồ. Khách nhìn thấy xe nhỏ, người nào cũng kêu than. Xe đi tới Hải Dương thì đột nhiên bị hỏng máy điều hòa, khi cho khách vào quán ăn thì không may chọn phải quán không được sạch sẽ cho lắm, thế là khách bắt đầu thấy khó chịu.
“Đến ngày về thì thật sự là hoảng loạn, sóng gió bắt đầu nổi lên. Nào là chuyến tàu quá đông, xe bị đứt 2 dây curoa, hành khách phải ngồi vạ vật bên đường khiến trong lòng cảm thấy không yên. Cứ tưởng rằng sửa xe xong thì mọi chuyện bình yên, nào ngờ xe về đến Đông Triều lại tiếp tục bị đứt 2 dây phanh nên phải táp xe vào vệ đường, mình lóc cóc đạp xe đi tìm nhà nghỉ cho khách rồi quay ra xem xe sửa thế nào. Đúng là một chuyến xe định mệnh!”, chị Nga nhớ lại chuyến đi đầy trắc trở và sẽ chẳng bao giờ quên được.

Đôi lúc cũng thấy tủi thân

Khi người ngoài nhìn vào, chắc hẳn ai cũng nghĩ hướng dẫn viên du lịch sung sướng lắm khi được đặt chân tới nhiều vùng đất mới, món ăn nào ngon cũng đều được thử, tiền tiêu không hết... nhưng đằng sau những vẻ ngoài hào nhoáng đó là những góc khuất nặng trĩu tâm sự, đôi khi còn là nước mắt.
“Đi nhiều, gặp nhiều người nên cũng nghe được một vài điều không hay về nghề. Có người thông cảm thì không sao nhưng cũng có những lời đồn ra nói vào nghe mà thấy xót xa. Đâu phải hướng dẫn là được nhiều tiền và hoàn toàn sống nhờ vào tiền típ của khách đâu. Thu nhập của nghề thường không ổn định, làm theo mùa vụ; vào mùa cao điểm như hè hoặc lễ hội đầu năm thì may ra thu nhập tốt còn lại cũng chỉ đủ sống”, chị Nga cho hay.
Chưa kể, đôi lúc hướng dẫn viên còn phải kiêm luôn làm người khuân vác đồ cho khách, làm bảo mẫu nếu đoàn có trẻ nhỏ, rồi việc gì lớn bé trong đoàn cũng đều đến tay, chỉ cần khách phàn nàn hay không hài lòng về dịch vụ gì là đều phải giải quyết nhanh, không được chậm trễ để mất lòng khách hàng.
Nhiều khi nghề hướng dẫn còn vô tình cướp đi những cuộc sum họp gia đình, những buổi đi chơi cùng bạn bè... của các hướng dẫn viên. “Nhiều đêm nhớ nhà đến phát khóc nhưng khi gặp du khách vẫn phải niềm nở. Có đi nhiều mới quý những ngày được ở nhà, được quây quần bên gia đình”, chị Nga đã trải lòng, tâm sự về thiệt thòi của hướng dẫn viên sau vẻ hào nhoáng bên ngoài như vậy.

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
1 giờ trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Lời bộc bạch của một nữ hướng dẫn viên