“Mùa nước nổi, ban ngày họ lặn hụp đào đãi vàng khắp cánh đồng, ban đêm mấy người trúng vàng tổ chức ăn nhậu ngay trên ghe, xuồng, hò hát vang trời, đèn đuốc sáng rực cả một vùng”, ông Sáu Lý nhớ lại.
Làng quê lên cơn sốt vàng
Đã hơn 30 năm sau khi “cơn sốt tìm vàng” ở ấp Vĩnh Ân lắng dịu, nhưng ông Sáu Lý và nhiều người dân xã Vĩnh Đại vẫn nhớ tường tận mọi chuyện như mới xảy ra ngày hôm qua. Ông Sáu Lý nói, từ khi có thông tin “sau những cơn mưa lớn vàng đội đất trồi lên, nhiều người nhặt được vàng giàu to”, thì hàng ngàn người từ khắp các nơi đổ về cánh đồng lúa mùa, rừng tràm của ông, và của ông Ba Bê, ông Hai Thiêm, càn quét tìm vàng bằng mọi giá, không ai có thể ngăn cản được.
“Thời đó vào mùa khô nước cạn, trên kênh 62 và kênh Đồng Vàng lúc nào cũng đặc nghẹt ghe xuồng, bờ đê san sát lều trại. Còn đến mùa nước nổi thì dân tìm vàng đậu ghe xuồng giăng khắp đồng nước, ban đêm đèn đuốc sáng rực mộtgóc trời”, ông Sáu Lý nhớ lại. Ông Sáu Lý thừa nhận, trong suốt mấy năm cả vùng lên cơn sốt vàng, ông cũng tham gia đào đãi vàng và nhặt được nhiều đồ vật bằng vàng, bạc, bán lấy tiền tiêu xài, bởi lúc đó vùng quê này rất nghèo, trồng lúa mỗi năm 1 vụ chỉ đủ gạo ăn.
Nhưng tính đi tính lại, tổng số vàng ông Sáu Lý nhặt được chỉ chừng 2-3 chỉ, tất cả đều là vàng nữ trang đã qua chế tác, hình thù khác nhau, tuổi vàng rất thấp. “Vàng ở đây lạ lắm. Ai đang đãi đất tìm vàng bằng cái chảo kim loại mà nghe tiếng kêu ro ro trong chảo là biết trúng vàng. Còn sắt, thép, đồng, chì lọt vô chảo chỉ kêu lạch cạch”, ông Sáu Lý nhớ lại.
Bà Kiều tươi cười kể lại chuyện lượm vàng sau những cơn mưa lớn cách nay hơn 30 năm - Ảnh: Thanh Anh
Bà Trần Thị Kiều (45 tuổi, bán tạp hóa ở chợ xã Vĩnh Đại) cho biết ngày trước bà cũng từng đi nhặt vàng ở “cánh đồng vàng” ấp Vĩnh Ân. Theo bà Kiều, chuyện sau những cơn mưa vàng đội đất trồi lên là có thật, bản thân bà và nhiều người trong xóm có nhặt được vàng trên cánh đồng của ông Sáu Lý và ông Ba Bê.
Nhưng sau đó không biết từ đâu xuất hiện tin đồn: ông A. nhặt được cục vàng to tướng nên đổi đời, ông B. lượm được nguyên nải chuối bằng vàng trái to bằng ngón tay người lớn, bà C. đào được chiếc vương miệng bằng vàng như của vua chúa nặng cả ký lô, chị X. may mắn vớ được chiếc kiềng vàng đeo muốn gãy cổ...
“Sở dĩ thiên hạ đổ xô về khu vực này tìm vàng chung quy cũng tại… tiếng đồn. Thật sự thì bản thân tui và nhiều người có nhặt được vàng nhưng chỉ là những món nho nhỏ, chưa tận mắt nhìn thấy ai tìm được những món vàng nặng ký như lời đồn. Theo tui biết những người tìm vàng ở khu vực này chỉ thu được các món đồ nữ trang đủ loại, xâu chuỗi, nhẫn… trọng lượng chẳng đáng bao nhiêu”, bà Kiều kể.
Dù vậy tin đồn nhiều người “trúng vàng” ở Vĩnh Ân vẫn lan nhanh như gió thổi. Vào những tháng mùa khô, dân tìm vàng dựng lều trại ở ngay trên đồng ruộng, bờ đê, ban ngày đào đất đãi vàng, ai trúng được vàng thì ban đêm tổ chức ăn nhậu, hát hò rần rần. Còn những tháng nước ngập trắng đồng thì dân tìm vàng chuyển lên sống trên ghe xuồng ngay trên đồng nước.
Thời gian đầu, người đi tìm vàng còn chuẩn bị gạo thóc, mắm muối từ quê nhà để sử dụng. Nhưng sau đó thì mộtkhu chợ tự phát mọc lên ngay trên khu vực “cánh đồng vàng”. Khu chợ này cũng khá đặc biệt: ngoài gạo thóc mắm muối, nhu yếu phẩm, rượu đế… thì chợ còn chuyên bán các dụng cụ phục vụ nghề đào đãi vàng như cuốc xẻng, sàng đãi, chảo khoắng. Nhưng món hàng mua vào thì chỉ có vàng miếng, vàng nữ trang, bụi vàng cám… do dân tìm vàng đào được.
Ông Nguyễn Chí Linh, người dân ấp Vĩnh Ân, nhớ lại: “Hồi đó, những tháng trời nắng thì người ta cứ ngồi xổm dàn hàng ngang trên đồng ruộng mà tiến tới, đào đãi kỹ càng từng thước đất để tìm vàng. Còn mùa nước, họ cặm sào neo xuồng trên mặt ruộng rồi thi nhau lặn hụp sâu 1-2 mét nước móc từng cục đất, bỏ lên sàng để đãi tìm vàng, bất chấp cái lạnh cắt da.
Hàng ngàn con người ai cũng hì hục tìm vàng như ai, nhưng chỉ cần nhìn thấy người nào bỏ ngang công việc hối hả bơi xuồng vào bờ, vào xóm nhà trên đê, là biết họ vừa tìm được miếng vàng, đem vô bờ để bán, vì đám thợ bạc từ khắp các tỉnh cũng tụ về túc trực ở khu này chờ mua vàng”.
Theo ông Chí Linh, vào thời điểm đó dân trong xã đều bỏ bê công việc đồng áng, câu lưới mùa nước nổi, ngày ngày đổ xô ra cánh đồng vàng đào bới, bươi móc để mong… đổi đời, từ làng trên xóm dưới đi tới đâu cũng chỉ nghe mọi người bàn tán chuyện… tìm vàng.
Những chuyện trớ trêu
Ông Chí Linh kể, trong những năm ấp Vĩnh Ân lên cơn sốt vàng, khu vực này trở nên hỗn loạn chưa từng thấy. Mặc dù “cánh đồng vàng” là đất có chủ, nhưng do lượng người đổ về tìm vàng quá đông nên các chủ đất như ông Sáu Lý, ông Ba Bê, ông Hai Thiêm… không thể làm gì để ngăn cản họ.
“Lúc đầu mấy ông chủ đất không cho họ vào tìm vàng vì họ phá nát rừng tràm, đào hang đào hốc khắp cả cánh đồng. Nhưng càng cấm thì họ càng làm đủ mọi cách để lấy đất đãi vàng. Rừng tràm thì họ đốn bỏ, lúa mùa đang xanh tốt thì họ bứng từng cụm dời qua 1 bên để móc đất đãi vàng. Ban ngày bị ngăn cấm thì họ đào đãi vàng ban đêm, đèn đuốc sáng rực cả mộtgóc trời, nên mấy ông chủ đất cũng… chào thua vì dân đào vàng quá đông”, ông Linh nhớ lại.
Theo ông Sáu Lý, khi mọi người đổ về cánh đồng ấp Vĩnh Ân để đào đãi vàng thì lúc đầu bản thân ông và những ông chủ đất lân cận không đồng ý. Thậm chí ông Hai Thiêm chịu hết xiết còn đi thu gom mảnh chai đem về đập nhỏ, rải xuống ruộng để dân đào vàng sợ không dám vào, nhưng vẫn không ăn thua. Cuối cùng, mấy ông chủ đất nảy ra “sáng kiến” cho đấu giá từng khoảnh đất ruộng để họ đào đãi vàng, ai có tiền nhiều thì mua nhiều, ai tiền ít thì mua ít, quy định chỉ được đào sâu xuống mặt ruộng khoảng 5 tấc.
“Nhưng sau khi mua đất xong thì họ đào sâu đến chừng nào họ không đào được nữa thì thôi, báo hại sau khi dịch tìm vàng chấm dứt thì gia đình tui và mấy người hàng xóm phải thuê người, thuê máy san ủi mặt ruộng rất lâu mới có thể canh tác lúa trở lại bình thường”, ông Sáu Lý kể.
Kênh Đồng Vàng từ tỉnh lộ 79 chạy thẳng vào khu Đồng Vàng ngày xưa - Ảnh: Thanh Anh
Ông Sáu Lý còn cho biết, dù đã đấu giá đất ruộng để tìm vàng, nhưng vẫn có rất nhiều người lợi dụng những tháng mùa nước nổi đã đem ghe, xuồng vào tự động xắn đất đem về nhà, vừa đãi tìm vàng vừa lấy đất đó đắp được những cái nền nhà hoành tráng.
“Hồi đó vào những tháng mùa nước nổi thì người dân trong khu vực này còn dễ thở vì nước ngập sâu, rửa trôi mọi ô nhiễm do chất thải của hàng ngàn con người thải ra ngày đêm. Còn những tháng mùa khô thì ai cũng khốn khổ vì nước dưới kênh đen kịt, mùi hôi thối xông lên nhức óc do chất thải của con người”, ông Chí Linh nhớ lại.
Theo nhiều người dân xã Vĩnh Đại, trong mấy năm xảy ra cơn sốt tìm vàng thì chính quyền xã không có biện pháp gì để ngăn chặn mà còn… tổ chức bán vé cho dân tứ xứ đến đào vàng. Thậm chí vào những tháng mùa khô, có người còn mang máy cày vào xới đất thuê cho những người đi tìm vàng, nhưng không bị ai ngăn cấm. Trong khi đó ông Sáu Lý nói rằng, cho đến giờ này ông cũng không hiểu vì sao tự nhiên trên đám ruộng của ông, ông Ba Bê và ông Hai Thiêm lại tự dưng xuất hiện nhiều vàng như vậy.
“Cả chục năm qua dân trong vùng có nhiều người đoán già đoán non, nhưng chưa ai biết vì sao trên ruộng có vàng. Theo tui thì có lẽ hồi đó dân vùng này nghèo quá nên… Trời cho một số vàng để bà con đỡ khổ, chứ tự dưng vàng ở đâu mà đội đất trồi lên?”, ông Sáu lý giải như vậy.
Thanh Anh