Luật sư - Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật thuộc Đại học Harvard, Mỹ) nhận định phán quyết của Tòa Trọng tài về các đặc điểm của các thực thể địa lý ở Trường Sa cũng có thể được áp dụng để xác định các đặc điểm và tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở Hoàng Sa.

Bài 2: Tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa và có thể cả Hoàng Sa

24/08/2016, 11:43

Luật sư - Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật thuộc Đại học Harvard, Mỹ) nhận định phán quyết của Tòa Trọng tài về các đặc điểm của các thực thể địa lý ở Trường Sa cũng có thể được áp dụng để xác định các đặc điểm và tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở Hoàng Sa.

Mặc dù xây dựng các cấu trúc nhân tạo tại Hoàng Sa nhưng Trung Quốc không thể yêu cầu xác nhận các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo - Ảnh: DigitalGlobe

Phần II: Tác động đến tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa và có thể cả Hoàng Sa

Theo phán quyết của Tòa Trọng tài ngày 12.7.2016 về các đặc điểm của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa, tất cả các thực thể địa lý hoặc là đá(nằm trên mực nước thủy triều cao nhưng không phải là đảo như định nghĩa của UNCLOS)hoặc ngập trong nước hay chỉ nổi khi thủy triều thấp. Đá sẽ tạo ra lãnh hải 12 hải lý nhưng thực thể ngập trong nước hay chỉ nổi khi thủy triều thấp thì không (nguyên tắc “đất thống trị biển”).

Chúng tôi cho rằng các kết luận về pháp lý trong phán quyết của Tòa Trọng tài về các đặc điểm của các thực thể địa lý ở Trường Sa cũng có thể được áp dụng để xác định các đặc điểm và tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở Hoàng Sa.

Chúng tôi nghĩ đến cơ hội xúc tiến vụ kiện trước Tòa Trọng tài tương tự như vụ kiện của Philippines đối với Trường Sa để xác định tình trạng pháp lý về các đặc điểm của các thực thể địa lý ở Hoàng Sa.

Tòa Trọng tài đã phán quyết không có thực thể địa lý nào ở Trường Sa có đặc điểm có thể sinh sống trong trạng thái tự nhiên, và do đó không có bất kỳ thực thể địa lý nào được xác định là đảo (theo định nghĩa của UNCLOS) vốn có quyền tạo ra vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.

Kết luận này đã giảm đáng kể cơ sở pháp lý mà Trung Quốc sử dụng để hình thành xung đột: Yêu sách không có căn cứ về 200 hải lý của thềm lục địa hay vùng đặc quyền kinh tế phát sinh từ đường cơ sở của một ít đá nhỏ mà Trung Quốc diễn giải như là đảo.

Trung Quốc ngang ngược xây dựng đá Chữ Thập thành đảo nhân tạo và điều máy bay ra vào đầu năm 2016 - Ảnh: THX

Trong hai cuộc hội thảo tại Quảng Ngãi và Đà Nẵng trước đây, chúng tôi đã từng đưa ra những gợi ý tương tự với phán quyết của Tòa Trọng tài về giải pháp hạn chế yêu sách thái quá ngoài lãnh hải xung quanh các thực thể địa lý:

[Đối với Hoàng Sa] Chúng ta có thể yêu cầu Tòa Trọng tài về luật biển sử dụng các thủ tục bắt buộc để giải thích và áp dụng UNCLOS(điều 286, 288)và sau đó ra một án văn tuyên nhận khẳng định không có bất cứ thực thể địa lý nào trong Hoàng Sa như Tri Tôn hay ngay cả Phú Lâm không đáp ứng các điều kiện để được công nhận là đảo theo điều 121 của UNCLOS.

Trong trạng thái tự nhiên, đảo phải có các điều kiện tương thích để con người sinh sống và duy trì kinh tế tự cung tự cấp (như nước ngọt, lương thực tự nuôi hay trồng tại chỗ; nếu chỉ có Coca Cola để uống như một học giả Malaysia khôi hài thì đó không phải là đảo).

Nếu không phải là đảo, thực thể địa lý đó chỉ có thể là rạn san hô hoặc đá(điều 121, khoản 3). Nếu chỉ là đá thì không có vùng đặc quyền kinh tế, không có thềm lục địa mà chỉ có lãnh hải 12 hải lý (điều 121, khoản 3).

Nếu là đảo, vậy thực thể địa lý đó sẽ có lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa.

Như vậy, trước Tòa Trọng tài về luật biển, Việt Nam có thể kiện theo trình tự bắt buộc nhằm đưa Trung Quốc ra trước tòa để giải thích và áp dụng UNCLOS(điều 286, 288)và nghe Việt Nam giải thích bằng chứng lịch sử qua nhiều thế kỷ tại sao các đội tàu Hoàng Sa mang theo nước ngọt và lương thực trên đường bôn ba ra Hoàng Sa, sau đó phải quay về đất liền vì không có thể sống ở đó suốt năm bằng kinh tế tự cung tự cấp.

Do đó hiện nay, mặc dù đang xây dựng các cấu trúc nhân tạo tại Hoàng Sa nhưng Trung Quốc không thể yêu cầu xác nhận các thực thể địa lý ở Hoàng Sa là đảo hoặc thừa nhận vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa phát sinh từ bất kỳ thực thể địa lý ở Hoàng Sa.

Phú Lâm không đáp ứng các điều kiện để được công nhận là đảo theo điều 121 của UNCLOS - Ảnh: statements.qld.gov.au/

Ngay cả những người Trung Quốc đã làm việc trong nhiều năm qua ở Hoàng Sa cũng thừa nhận rằng Hoàng Sa không đủ nước ngọt từ trời mưa để sống(nước giếng bị phân chim làm ô nhiễm và không uống được), không đủ rau để ăn, phải trông cậy vào thực phẩm đóng hộp và cuối cùng không có đất trồng trọt. Thực phẩm và nước phải được tiếp tế hàng tháng (http://baike.baidu.com/view/28617.htm).

Lập luận theo hướng này về các đá ở Trường Sa, chúng ta cũng có thể chứng minh rằng mọi thực thể địa lý đều chỉ có đá/rạn san hô trong tình trạng tự nhiên nguyên thủy trước khi có xây dựng nhân tạo trên đó (Tòa Trọng tài trong vụ kiện năm 2016 đã thuê chuyên gia để xác định thực tế này).

Bởi thế, sẽ giảm đáng kể tiềm năng xảy ra xung đột do tranh giành các thực thể địa lý (chỉ tạo ra lãnh hải 12 hải lý)hay chiếm các đá chìm và xây đảo nhân tạo trên đó (dù thế nào cũng không được công nhận là đảo và trong mọi trường hợp chỉ có các quốc gia ven biển mới có thể xây dựng trên các đá chìm theo điều 60 UNCLOS).

Các quốc gia sẽ ít cảm thấy cần thiết giành các thực thể địa lý không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Và cả yêu sách “đường chín đoạn” cũng không thể dựa vào bất kỳ đảo lớn nào trên vùng biển chỉ toàn là đá.

Luật sư - Tiến sĩ Tạ Văn Tài (Trường Luật Đại học Harvard, Mỹ)

(Cẩm Bình chuyển ngữ)

Bài 3: Quốc gia nào có chủ quyền lãnh thổ đối với các thực thể địa lý?

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Đa dạng hóa loại hình và nguồn lực cho đào tạo nhân lực bán dẫn
6 giờ trước Nhịp đập khoa học
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp bán dẫn là "đột phá của đột phá" trong đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Tình trạng pháp lý của các thực thể địa lý ở quần đảo Trường Sa và có thể cả Hoàng Sa