Phương pháp đốt rơm rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng đã có từ rất lâu đời và để thay đổi cách làm này của người nông dân không phải là chuyện ngày một, ngày hai...

Bài 2: Xử lý rơm rạ ĐBSCL cần nhiều biện pháp đồng bộ

Văn Kim Khanh | 31/07/2023, 14:30

Phương pháp đốt rơm rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng đã có từ rất lâu đời và để thay đổi cách làm này của người nông dân không phải là chuyện ngày một, ngày hai...

Bà Đinh Thị Kim Dung, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI) tại Việt Nam cho biết, hiện nay ĐBSCL sản xuất khoảng 25 triệu tấn lúa/năm, đồng thời tạo ra lượng rơm rạ khoảng 30 triệu tấn. Ước tính chỉ có khoảng 30% lượng rơm rạ được thu gom cho sản xuất nấm, phủ gốc cây, làm thức ăn cho chăn nuôi…, 70% còn lại được tiêu hủy bằng cách đốt trên đồng ruộng.

dot-dong.jpg
Đốt đồng là thói quen lâu đời về xử lý rơm rạ ở vùng ĐBSCL - Ảnh: Internet

Chính vì muốn thay đổi tập quán xử lý rơm rạ, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ phối hợp với IRRI tổ chức phiên họp với những người liên quan trong xử lý chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm. Mục đích của phiên họp nhằm thúc đẩy sự đổi mới trong chuỗi giá trị rơm rạ; tăng cường liên kết, hợp tác, đẩy nhanh áp dụng các biện pháp quản lý bền vững; hạn chế thấp nhất việc đốt rơm rạ trên đồng, góp phần phát triển nông nghiệp xanh, nông thôn bền vững.

trinh-dien-7.jpg
IRRI, Cục Trồng trọt và Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp tổ chức chương trình trình diễn xử lý rơm rạ bằng cơ giới - Ảnh: NML

Phương pháp đốt rơm rạ trực tiếp ngay trên đồng ruộng đã có từ rất lâu đời. Theo cách nghĩ đơn giản của người nông dân thì đó là cách vệ sinh đồng ruộng; diệt sâu rầy còn sót lại và nhanh chóng dọn dẹp lượng rơm rạ còn sót lại. Bên cạnh đó là sự thiếu hiểu biết hoặc chưa biết tận dụng nguồn nguyên liệu này, thiếu giải pháp công nghệ để xử lý. Chính vì vậy, để thay đổi cách làm này của người nông dân không phải là chuyện ngày một, ngày hai.

Việc 70% lượng rơm rạ dùng để đốt đồng của người dân ĐBSCL gây ra nhiều tác hại. Tác hại lớn nhất là gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường. Nhiều nông dân cày, xới vùi rơm vào ruộng ngập nước làm gia tăng phát thải khí nhà kính.

trinh-dien-8.jpg
Máy thu gom rơm rạ đang hoạt động trên cánh đồng tỉnh Hậu Giang - Ảnh: NML

Về vấn đề xử lý rơm rạ, ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNN) tỉnh Hậu Giang cho biết: “Ở Hậu Giang hiện nay, nông dân thu gom rơm rạ sử dụng trồng nấm và những việc khác chỉ khoảng hơn 10%. Tình trạng đốt đồng sau vụ lúa đông xuân vẫn còn nhiều do Hậu Giang chưa có đầu mối thu mua, xử lý rơm như các tỉnh khác. Việc trồng nấm rơm và xử lý rơm rạ làm phân bón hữu cơ vẫn chưa thịnh hành”.

Cũng theo ông Ngô Minh Long, việc thay đổi tập quán xử lý rơm rạ ở ĐBSCL phải có biện pháp đồng bộ và cần thời gian. Trong đó, phải đẩy mạnh tuyên truyền, thực hành bằng cơ giới cho nông dân để họ tận mắt thấy, học hỏi cách làm, hiểu được lợi ích một cách thiết thực.

may-cuon-rom-td.jpg
Công nghệ và máy móc giúp bà con nông dân xử lý hiệu quả nguồn rơm rạ - Ảnh: HP

Ngày 13.7, Cục Trồng trọt thuộc Bộ NN-PTNN phối hợp Viện Nghiên cứu lúa gạo quốc tế và Sở NN-PTNN tỉnh Hậu Giang tổ chức hội thảo “Tham vấn chính sách về quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp” nhằm giúp cho người nông dân tiếp cận với lý thuyết và thực tế.

Sau hội thảo, Cục Trồng trọt - Bộ NN-PTNN còn phối hợp với Công ty Phan Tấn tổ chức trình diễn thu gom rơm trên đồng bằng máy trong điều kiện đồng nước sâu, vùng trũng như Hậu Giang để bà con nông dân tham quan, học hỏi.

Chính vì muốn nông dân xử lý rơm rạ khoa học, đem lại lợi ích nhiều mặt, thời gian qua, IRRI đã phối hợp ngành nông nghiệp TP.Cần Thơ và các địa phương trong vùng ĐBSCL triển khai nhiều hoạt động tập huấn; hỗ trợ nông dân áp dụng cơ giới hóa thu gom rơm; xây dựng các mô hình phát triển sinh kế, giúp tăng thu nhập từ rơm như dùng rơm để trồng nấm, làm phân bón trồng cây kiểng, sản xuất phân bón hữu cơ...

Thông qua dự án “Thúc đẩy đổi mới trong chuỗi giá trị rơm tại Việt Nam”, IRRI phối hợp với các đơn vị có liên quan đẩy mạnh các hoạt động khảo sát, nghiên cứu và hỗ trợ nông dân trong phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ nguồn nguyên liệu này. Hiện một số HTX ở TP.Cần Thơ đã sản xuất được phân bón hữu cơ từ rơm với công nghệ được hỗ trợ bởi IRRI để bán ra thị trường.

Hiện IRRI đang phối hợp với một số cơ quan, đơn vị triển khai các hoạt động hỗ trợ nông dân khai thác và phát huy các giá trị của rơm rạ; cung cấp các thông tin về tình hình thu gom, phát triển sản xuất kinh doanh các sản phẩm từ rơm rạ tại ĐBSCL.

xlr-3.jpg
Rơm đang được vận chuyển trên sông - Ảnh: NML

Đơn vị này cũng giới thiệu các kết quả thu được từ các cuộc khảo sát, nghiên cứu thị trường và nghiên cứu chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm được thực hiện trong thời gian gần đây.

Bên cạnh đó, IRRI đề xuất các ý tưởng và hướng đi mới nhằm thu gom, khai thác hiệu quả nguồn rơm rạ, phát triển nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao, mở rộng được thị trường tiêu thụ cho nông dân; hỗ trợ họ đẩy mạnh cơ giới hóa trong thu gom rơm, phát triển các tổ, nhóm làm dịch vụ thu gom chế biến, phân phối sản phẩm từ rơm rạ.

nam-rom.jpg
Sử dụng rơm rạ trong việc trồng nấm - Ảnh: NML

Bà Phạm Thị Minh Hiếu, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật TP.Cần Thơ cho biết, nhiều vụ lúa vừa qua, đơn vị đã phối hợp với IRRI đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị sản phẩm từ rơm. Việc canh tác lúa sử dụng phân bón hữu cơ từ rơm nhằm giảm từ 35 - 40% chi phí sử dụng phân thuốc hóa học, giúp nông dân có lợi nhuận tăng thêm 10% trên cùng diện tích so với cách làm truyền thống.

Cũng theo bà Hiếu, trước đây bà con nông dân thu hoạch xong vụ lúa thường vùi rơm hoặc đốt rơm tại đồng, nhưng giờ đây họ biết tận dụng rơm rạ, máy cuộn rơm nhằm phục vụ cho việc sản xuất các sản phẩm từ rơm rạ. Ngoài ra việc làm phân hữu cơ hay các sản phẩm phân hủy sinh học từ rơm còn giúp tăng thu nhập cho người nông dân và góp phần bảo vệ môi trường sinh thái ĐBSCL.

Bài 1: Xử lý rơm rạ ở vùng ĐBSCL đang đi theo hướng khoa học

Bài liên quan
Kênh đào Phù Nam - Techo sẽ làm tăng tình trạng hạn mặn ở ĐBSCL
Ngày 23.4, tại TP.Cần Thơ, Ủy hội Sông Mê Kông quốc tế (MRCS) tổ chức hội nghị tham vấn về đề xuất dự án kênh đào Phù Nam - Techo (Campuchia) nhằm thông tin về dự án cũng như các phản hồi, hành động của Ủy hội.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam những năm gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 3: Đầu tư phát triển, xuất nhập khẩu đều ghi điểm tốt
Trên các lĩnh vực quan trọng như xuất nhập khẩu, đầu tư phát triển, tài chính - ngân hàng - chứng khoán, tiêu dùng, thu chi ngân sách đều có sự cải thiện, thay đổi theo hướng tích cực.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 2: Xử lý rơm rạ ĐBSCL cần nhiều biện pháp đồng bộ