Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Với diện tích chỉ chiếm 12,1% của cả nước nhưng sản lượng lúa chiếm khoảng 51,5%, do vậy, lượng rơm rạ phải xử lý hằng năm rất lớn.

Bài 1: Xử lý rơm rạ ở ĐBSCL đang đi theo hướng khoa học

Văn Kim Khanh | 24/07/2023, 18:20

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất lúa trọng điểm của Việt Nam. Với diện tích chỉ chiếm 12,1% của cả nước nhưng sản lượng lúa chiếm khoảng 51,5%, do vậy, lượng rơm rạ phải xử lý hằng năm rất lớn.

Trước đây, sau mỗi vụ thu hoạch lúa, người nông dân sẽ đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng; rơm thì dùng để đốt đồng, nhiều người còn trữ để cho trâu, bò ăn; sử dụng làm chất đốt hoặc trồng nấm rơm. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, nhờ những tiến bộ về khoa học nên 80% rơm được sử dụng nhiều mục đích khác nhau. Tình trạng đốt đồng đã giảm đi rất nhiều, lượng phát thải cũng từ đó giảm đáng kể.

ly-(1).jpg
Thu hoạch lúa trên cánh đồng của tỉnh Hậu Giang - Ảnh: Văn Kim Khanh

Ông Huỳnh Văn Giàu, người làm 13 công ruộng ở ấp Thạnh Trí, xã Hòa Thạnh (huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: “Cách đây khoảng 5 - 7 năm, mùa Đông Xuân người ta dùng rơm rạ đốt đồng nhưng hiện nay không ai dùng rơm rạ đốt đồng nữa. Khi thu hoạch lúa vụ đông-xuân xong, người nông dân bán rơm 200.000 đồng/công (1 công = 1.000m2). Người mua rơm dùng máy đánh thành từng bánh rơm, mỗi bánh khoảng 20 - 30kg để mua bán kiếm lời".

Vụ hè thu thì phần lớn rơm bị ướt nên bà con nông dân thường dùng để ủ nấm. Nhiều nông dân hiện nay còn ủ rơm rạ, dùng Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ hòa với phân động vật để bón cho cây trồng.

dd-2(1).jpg
Đốt rơm rạ là cách làm lâu nay của nông dân vùng ĐBSCL - Ảnh: internet

Ông Huỳnh Văn Tồn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Nếu như trước đây, 80% rơm rạ dùng để đốt đồng thì ngày nay chúng được sử dụng với nhiều công dụng. Người nông dân bây giờ không đốt đồng nữa, họ bán rơm nếu không dùng. Rơm có thể cho trâu, bò, dê ăn; dùng ủ nấm rơm hoặc bán cho doanh nghiệp để làm đệm lót cho vận chuyển hàng, xuất khẩu hàng hóa. Rơm còn dùng để ủ phân hữu cơ bón ruộng và cây trồng. Còn rạ thì nông dân dùng chế phẩm sinh học như Trichoderma kết hợp với phân bón hữu cơ để phun, xịt cho gốc rạ mục thành phân hữu cơ trên đồng ruộng. Cách làm này góp phần giảm đáng kể khí CO2 độc hại. Trước đây, vào khoảng tháng 3, tháng 7 khói đốt đồng làm mờ mịt cả vùng trời ĐBSCL thì nay cảnh này không còn nữa".

Năm 2013, các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ có công trình nghiên cứu về xử lý rơm rạ ở ĐBSCL. Họ thấy rằng lượng rơm rạ sau thu hoạch và các biện pháp sử dụng rơm rạ ở một số tỉnh ĐBSCL có nhiều vấn đề chưa ổn. Thông qua việc phỏng vấn kết hợp thu mẫu trên đồng ruộng tại các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và Cần Thơ... các nhà khoa học đi sâu vào việc xử lý rơm rạ của nông dân các tỉnh trong vùng.

dd-4.jpg
Rơm rạ đang trở thành hàng hóa trên thị trường - Ảnh: Inetrnet

Kết quả khảo sát cho thấy, 6 hình thức quản lý và xử lý lượng rơm rạ được người dân lựa chọn phổ biến là: đốt rơm, vùi rơm, trồng nấm, chăn nuôi, bán và cho người khác. Các hình thức xử lý rơm trên ruộng thay đổi tùy theo mùa vụ. Ở vụ đông xuân, đốt rơm là hình thức được sử dụng phổ biến nhất: 98,2%, còn lại dùng cho trồng nấm, bán hoặc cho chiếm tỷ lệ rất thấp. Ở vụ hè thu, tỷ lệ đốt rơm giảm xuống còn 89,7%, vùi rơm chiếm 6,7%. Vụ thu đông có tỷ lệ đốt rơm thấp nhất 54,1%, tỷ lệ vùi rơm tại ruộng khá cao 26,1%, kế đến là trồng nấm 8,1%, các hình thức khác chiếm tỷ lệ nhỏ.

Quan niệm của bà con nông dân từ xưa đến nay thì việc đốt đồng có một số lợi ích: không tốn công và chi phí xử lý rơm rạ trên đồng ruộng... tuy nhiên, theo các nhà khoa học thì việc đốt rơm rạ trực tiếp trên đồng ruộng gây ra tác hại lớn hơn gấp nhiều lần so với những lợi ích mà nó mang lại.

Ngoài ra, tương ứng với diện tích canh tác và sản lượng lúa thì lượng rơm thải bỏ hoặc đốt hằng năm ở ĐBSCL là rất lớn.

ttxvn-rom-ra-2-2713(1).jpeg
Sau khi thu hoạch nấm, người dân sử dụng rơm rạ hòa làm phân hữu cơ - Ảnh: Internet

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ở châu Á, lượng rơm rạ thải bỏ khoảng 667 triệu tấn vào năm 2010. Ở nước ta trước năm 2020, hầu hết các nguồn tài nguyên phế thải này chưa được khai thác và sử dụng một cách hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay, tại ĐBSCL lượng rơm rạ đang được tận dụng và tình trạng đốt rơm rạ đã giảm đi rất nhiều nên lượng phát thải nhà kính cũng giảm theo.

Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) Lê Thanh Tùng cho biết: “Trong thời gian tới quy trình quản lý rơm rạ được xây dựng theo định hướng nông nghiệp tuần hoàn. Mục đích nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, giảm chi phí, tăng thu nhập và đa dạng sinh kế cho nông dân và các tác nhân liên quan. Chính vì vậy, Cục Trồng trọt ban hành "Quy trình quản lý rơm rạ theo hướng nông nghiệp tuần hoàn và phát thải thấp ở ĐBSCL".

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với trung tâm quốc gia về an ninh mạng Ba Lan
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Chiều tối 17.1 (giờ địa phương), trong chương trình thăm chính thức Ba Lan, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tới thăm và làm việc tại Viện Nghiên cứu quốc gia về an ninh mạng của Ba Lan (NASK) - trung tâm hàng đầu về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển internet, chuyển đổi số, an ninh mạng và bảo mật thông tin của Ba Lan.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 1: Xử lý rơm rạ ở ĐBSCL đang đi theo hướng khoa học