Ông H. kể, bản thân ông biết mùi thịt chó từ năm 15 tuổi, đến nay đã hơn 40 nhưng vẫn không thể nhớ rõ đã ăn bao nhiêu con chó. Ăn thịt chó “thành thần” đến mức chỉ cần nhìn qua con chó là ông H. có thể ước lượng nó bao nhiêu tuổi, nặng bao nhiêu ký, mỡ nhiều hay ít. Nhưng đối với ông H., món khoái khẩu nhất chính là dồi chó, sườn chó ướp muối sả ớt nướng lửa than và chó quay lu...

Bài 3: Chuyện bi hài của những ‘sư phụ thịt chó’

Hùng Anh | 13/10/2019, 06:38

Ông H. kể, bản thân ông biết mùi thịt chó từ năm 15 tuổi, đến nay đã hơn 40 nhưng vẫn không thể nhớ rõ đã ăn bao nhiêu con chó. Ăn thịt chó “thành thần” đến mức chỉ cần nhìn qua con chó là ông H. có thể ước lượng nó bao nhiêu tuổi, nặng bao nhiêu ký, mỡ nhiều hay ít. Nhưng đối với ông H., món khoái khẩu nhất chính là dồi chó, sườn chó ướp muối sả ớt nướng lửa than và chó quay lu...

“Bây giờ tui vẫn khoái thịt chó, nhưng chỉ ăn ngoài quán nhậu hay nhà bạn bè, lâu rồi không tổ chức ăn thịt chó ở nhà vì bị… vợ con cự nự quá. Có điều nhậu thịt chó ngoài quán thì không biết rõ nguồn gốc, nên cũng hơi ngán”, ông H., người ở TP.Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, nói. Tuy có thâm niên ăn thịt chó nhưng ông H. cho biết ông có 4 người bạn được ông và nhiều người tôn vinh là “sư phụ thịt chó”, vì chuyện ăn thịt chó của mấy ông này thì “trên trời dưới thế chỉ có 1”, không ai giống ai.

Ông H. kể, ông H.M. là bạn của ông, nhà ở 1 xã ngoại thành thuộc TP.Mỹ Tho. Ông M. ghiền ăn thịt chó đến mức nhiều lần từng tự tay làm thịt con chó, không có chó nuôi tại nhà thì đi mua, sau đó chế biến thành từng món như luộc, muối sả phơi khô… rồi đem bỏ vào tủ lạnh để ăn dần.

“Khi có bạn đến nhà thì ông M. đều mở tủ lạnh đem thịt chó ra bày tiệc nhậu. Còn bình thường ổng “độc quyền” chế biến thịt chó dự trữ để… ăn cơm, vợ con không được phép đụng đũa. Chính vì cách ăn thịt chó độc đáo này mà ông M. mới được bạn bè tôn làm… sư phụ”, ông H. kể.

Những sạp thịt chó tự phát không được kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dịch bệnh - Ảnh: Thanh Anh

1 người bạn khác của ông H. là ông N.Q., cũng ở TP.Mỹ Tho, có thâm niên ăn thịt chó nên nhiều năm qua bị bệnh gout hành hạ, đi đứng rất khó khăn. Các bác sĩ nhiều lần khuyên ông Q. muốn chữa hết bệnh gout thì việc trước tiên phải từ bỏ đam mê món thịt chó, nhưng ông này chỉ ừ à cho qua chuyện.

“Bình thường ông Q. bước đi 1 bước là nhăn mặt kêu đau, nhưng nghe bạn bè nói đi ăn thịt chó thì con mắt ổng sáng rỡ, đường xa cỡ nào ổng cũng có mặt. Ăn xong, 2 - 3 bữa sau ông Q. vẫn phải nằm lì trong nhà vì cơn đau gout hành hạ; nhưng dù bác sĩ, bạn bè, vợ con khuyên can cách mấy ổng vẫn cương quyết thà nhịn uống thuốc chứ không nhịn được… thịt chó. Vì vậy mà mấy năm nay vợ con ổng bỏ mặc, cho ổng tự do ăn thịt chó thoải mái, bởi… chết xuống âm phủ lấy gì để ăn?”, ông H. kể.

1 sư phụ khác là ông C. ở H.Cái Bè, quê hương của ông H. Ông H. kể: trong nhà ông C. luôn nuôi 1 bầy chó đông đúc, khách đến nhà 10 lần là “hạ cờ tây” đủ 10 lần để làm món đãi khách. Ông C. ở nhà thờ dòng họ, mỗi năm có chừng 10 đám giỗ, chưa kể các loại tiệc tùng khác như thôi nôi, đầy tháng cháu chắt, nhưng bất cứ đám giỗ hay tiệc tùng đều phải có 1 chú chó “hy sinh”.

Kinh dị nhất là trong những ngày Tết Nguyên đán, nhà ông C. lúc nào cũng có các món thịt chó để đãi khách, vì ông này cho rằng: đãi khách bằng món thịt heo kho tàu truyền thống thì quá bình thường, phải đãi thịt chó… cho nó sang! “Cứ trưa 30 tết là nhà ông C. “hạ cờ tây”, trước làm món cúng ông bà, đãi khách nhậu tất niên, còn bao nhiêu thịt thì cho vào tủ lạnh để dành ăn trong mấy ngày tết. Tui và bạn bè nhiều lần ăn tết bằng thịt chó ở nhà ông C., thấy không ai bì được ổng nên phải tôn ổng làm sư phụ thịt chó”, ông H. kể.

Nhưng theo ông H., cao thủ nhất trong giới ăn thịt chó chính là ông Sáu P. ở TP.Mỹ Tho. Ông P. rất thích ăn thịt chó, nhưng lại có 1 nguyên tắc bất di bất dịch là phải biết rõ nguồn gốc của con chó bị thịt (chó của ai nuôi, có cắn ai không, có phá phách gì không, có bị bệnh dại không…) và chỉ ăn thịt chó do chính đệ tử ruột ra tay làm thịt, tẩm ướp gia vị và nấu món.

“Nhiều lần tui chứng kiến ổng vô tiệc nhậu thịt chó chỉ gắp 1 đũa rồi không gắp nữa, tuyên bố món này không phải do đệ tử của ổng tẩm ướp và nấu nướng, dù ông đệ tử đó cũng có mặt trong mâm. Việc này khiến ai nấy phải lắc đầu bái phục, tôn ổng làm “sư phụ thịt chó”. Từ đó mỗi khi có tiệc thịt chó là ông đệ tử của ông Sáu P. phải đến trước, ra tay chế biến cho vừa miệng của ổng”, ông H. kể.

Coi chừng mang họa vì khoái thịt chó

Theo ông H., hầu hết các “tín đồ thịt chó” đều cho rằng món thịt này ngon, nhiều đạm, bổ dưỡng và giúp các ông “rất sung” trong chuyện phòng the. Tuy nhiên, sau khi đọc các khuyến cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM đưa ra mới đây, bản thân ông cũng cảm thấy nao núng mỗi khi đi nhậu thịt chó.

Theo Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM, việc sử dụng thịt chó làm thực phẩm trong điều kiện nuôi, giết mổ, bảo quản như hiện nay có nhiều nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm. Cụ thể, người ăn thịt chó có thể bị nhiễm các vi sinh vật gây bệnh, đặc biệt là virus gây bệnh dại; nhiễm các loại ký sinh trùng, đặc biệt là trứng và ấu trùng sẽ không phát triển thành giun trong ruột mà xâm nhập vào gan, phổi, các phủ tạng khác trong cơ thể, thậm chí có thể xâm nhập vào cả não và mắt.

Thu mua chó sống ở ĐBSCL - Ảnh: Thanh Anh

Hiện tượng này được gọi là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (Larva Migrans) gây ra nhiều bệnh nguy hiểm cho con người. Đáng lưu ý, người ăn thịt chó có nguy cơ bị nhiễm hóa chất dùng để đánh bả chó tồn dư trong thịt chó, mà những hóa chất này thường rất độc và có thể gây chết người. Hiện tại, pháp luật Việt Nam không cấm sử dụng thịt chó làm thực phẩm, nhưng cũng không đưa loài chó vào danh mục vật nuôi để giết thịt.

Chuyện nguy cơ mắc bệnh nguy hiểm vì ăn thịt chó hoàn toàn có thể xảy ra, bởi theo ông Trần Văn Thuê, Phó chủ tịch UBND xã Long Định (H.Châu Thành, Tiền Giang), tất cả các điểm kinh doanh mua bán chó mèo đều hình thành tự phát, không đăng ký kinh doanh, nên không có cơ quan nào kiểm soát về mặt vệ sinh thú y và quy trình giết mổ, tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trong khi đó ông L.T. ở TP.Mỹ Tho cho rằng, chó là con vật nuôi rất trung thành, thân thiết, mất con chó như mất 1 thành viên trong gia đình, nên giết mổ, bày bán công khai và ăn thịt chó là rất phản cảm. “Lâu nay tui nghe kể nhiều chuyện cảm động về loài chó, ví dụ nhiều con chó chấp nhận bỏ ăn để chết theo chủ khi người chủ qua đời. Mới đây trên mạng xã hội dậy sóng câu chuyện chú chó tên Ốc Tiêu ở TP.Bến Tre cương quyết không rời khỏi chủ từ lúc bà lâm bệnh nặng đến khi hấp hối, qua đời, khiến nhiều người rất xúc động.

Theo tui, năm nay TP.Mỹ Tho kỷ niệm 340 tuổi, lại là đầu cầu du lịch của các tỉnh ĐBSCL, nơi tiếp đón hàng triệu du khách trong ngoài nước mỗi năm, thì chính quyền TP cũng nên khuyến cáo người dân không nên tiếp tục ăn thịt chó như TP.HCM, để vừa thể hiện bản sắc văn hóa của 1 đô thị loại 1, vừa chấm dứt được nạn trộm chó hoành hành”, ông T. bày tỏ.

Thanh Anh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kinh tế-xã hội Việt Nam gần đây và triển vọng trong năm nay - Bài 1: Những điểm sáng và thành tựu nổi bật
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, nhờ sự phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả của các cơ quan trong hệ thống chính trị, sự điều hành chủ động, linh hoạt, quyết liệt của Chính phủ, sự đoàn kết, tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta năm 2023 đã phục hồi ổn định, sang năm 2024 càng phát triển. Trong loạt bài này, chúng tôi xin đề cập tới hiện trạng kinh tế - xã hội đất nước và triển vọng trong năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Chuyện bi hài của những ‘sư phụ thịt chó’