Nhiều người miền Tây Nam Bộ quan tâm chuyện Bộ NN-PTNT "hăng hái" triển khai dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. Trừ Bộ NN-PTNT cùng nơi lập quy hoạch, các quan chức địa phương vốn không biết nhiều về lĩnh vực này, ủng hộ, thì phần lớn các nhà khoa học am hiểu về ĐBSCL đều phản đối. Các nhà khoa học cho rằng "phá" thiên nhiên, thì cái được ít hơn cái mất...

Bài 4: Cần đánh giá khách quan tác động tiêu cực từ các dự án thủy lợi ở ĐBSCL

01/10/2018, 05:52

Nhiều người miền Tây Nam Bộ quan tâm chuyện Bộ NN-PTNT "hăng hái" triển khai dự án hệ thống thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé. Trừ Bộ NN-PTNT cùng nơi lập quy hoạch, các quan chức địa phương vốn không biết nhiều về lĩnh vực này, ủng hộ, thì phần lớn các nhà khoa học am hiểu về ĐBSCL đều phản đối. Các nhà khoa học cho rằng "phá" thiên nhiên, thì cái được ít hơn cái mất...

Nhiều năm ưu ái cho cây lúa, nhưng nông dân trồng lúa vẫn nghèo- Ảnh: Hồ Hùng

Bài 1: Băn khoăn từ dự án thủy lợi nghìn tỉ Cái Lớn - Cái Bé

Bài 2: Giới khoa học lo ngại dự án sẽ làm hàng triệu hộ dân miền Tây bị ảnh hưởng

Bài 3: Dự án cống ngăn mặn là trái với Nghị quyết 120 của Chính phủ?

Làm thủy lợi để làm gì? Trong quyển sách Để nông dân giàu lên của Giáo sư tiến sĩ Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ hiện nay, xuất bản năm 2005, khi phân tích về nông nghiệp, ông cũng cho rằng: “Nông dân ta được Nhà nước lo cho có thủy lợi chỉ để trồng lúa… Mặc dù đất nước đã chuyển sang giai đoạn xuất khẩu gạo, nhưng mọi cái gọi là “đầu tư cho nông nghiệp” đều lọt vào sổ của ngành thủy lợi”. Nay, một ít dự án được đầu tư cho nuôi thủy sản, nhưng ít.

Theo báo cáo của nhóm công tác chung giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ về đánh giá chi tiêu công hồi tháng 12.2000, đầu tư cho thủy lợi chiếm 50- 55% trước đây đã tăng lên 70% trong tổng đầu tư vào nông nghiệp vào giai đoạn 2001- 2005…

Nếu đánh giá khách quan, thì thủy lợi Việt Nam hoàn thành tốt nhiệm vụ trong suốt 20 năm đổi mới. Diện tích lúa có nước tưới tăng trung bình 2,9%/năm trong thập niên 1980 và 4,6%/năm trong thập niên 1990, với tốc độ cao nhất Đông Nam Á. Với các chức năng tiêu úng, xổ phèn, ngăn mặn…các công trình thủy lợi đã xóa hoang hóa Đồng Tháp Mười, góp phần giúp ĐBSCL nâng và giữ vững sản lượng lương thực trên 17 triệu tấn/năm, ngay khi diện tích lúa gần đây có xu hướng giảm.

Một cống ngăn mặn ở tỉnh Tiền Giang - Ảnh: Báo Ấp Bắc

Nhưng sau đó, hiệu quả đầu tư, tức các công trình có phát huy tác dụng đúng như những thông số “hấp dẫn” đưa ra khi lập đề án hay không là chuyện cần đánh giá lại một cách khách quan. Chương trình “Ngọt hóa bán đảo Cà Mau” thất bại, như cựu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ nhìn nhận trước kỳ họp thứ 9 của Quốc hội vào năm 2001, không những tiêu phí gần 500 tỉ đồng ngân sách mà còn làm xáo trộn và thiệt hại sản xuất của nông dân. Nhưng trách nhiệm chẳng thuộc về ai…

Tại Hội nghị Tư vấn tháng 12.2003 ở Hà Nội, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới (WB) đã đề cập đến một báo cáo, theo đó, chi một đồng đầu tư cho thủy lợi chỉ mang lại 1,13 đồng giá trị sản lượng nông nghiệp, trong khi nếu chi một đồng vào đường sá sẽ mang lại 7,86 đồng và chi vào giáo dục mang lại 5,47 đồng… Còn nếu chi tiêu vào nghiên cứu nông nghiệp, cứ một đồng sẽ “thu” lại gần 8 đồng sản lượng.

Những công trình như cống đập Ba Lai, Nam Mang Thít, đê bao khép kín chống lũ ở nhiều tỉnh thành…với kinh phí hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng, gần đây được dư luận đề cập đến các tác động gây ô nhiễm môi trường, suy thoái tài nguyên đất... Chính các nhà trực tiếp “làm” thủy lợi như ông Trần Đức Khâm (nguyên Viện phó Viện Quy hoạch thủy lợi), ông Tô Văn Trường, Viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam cũng đề cập đến vấn đề các công trình thủy lợi ngoài tác động tích cực vẫn có thể sinh ra những tác động tiêu cực.

Quan trọng là những tác động tiêu cực đó có thể chấp nhận được. Nhưng đã có tổ chức, cơ quan “trung lập” nào đứng ra đánh giá các tác động tiêu cực như gây ô nhiễm môi trường, biến đổi sinh thái…sau khi các công trình thủy lợi vận hành chưa, hay chỉ đổ cho…chưa hoàn chỉnh?

Như dự án thủy lợi Ba Lai (Bến Tre), đổ rằng chưa hoàn chỉnh, để bây giờ... cũng không hoàn chỉnh, vì nó là cái quy hoạch không có lối ra, làm thế nào cũng không có tác dụng! Tác động tích cực hay tiêu cực quy ra tiền, mặt nào lớn hơn? Giáo sư Võ Tòng Xuân thừa nhận mặt tiêu cực của các công trình thủy lợi trước giờ chưa được ai đánh giá nghiêm túc, cứ đổ rằng do biến đổi khí hậu.

Hệ thống cống hiệu quả ở miền Bắc, nhưng đưa vào Nam vận hành thì lại rất khó khăn - Ảnh: Nguyễn Ngọc

Dự án Ô Môn - Xà No nằm trên địa bàn các tỉnh Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang tốn hàng trăm tỉ đồng, rốt cuộc cái được là... những con đường khang trang cho xe 2-4 bánh. Ai đời, vùng đất mà vào mùa lũ chỉ ngập nông, mà cũng "lo ngay ngáy" đắp đập, làm cống. Lúc đó, khi báo chí lên tiếng về dự án này, Bộ NN-PTNT "nhảy dựng".

Ngay lập tức, một hội thảo hoành tráng được tổ chức tại Cần Thơ, có cả ông Lê Huy Ngọ tham dự dù đã về hưu... Tiếc rằng dự án khi đó đã triển khai, nên mọi chuyện được đối thoại lấp liếm. Giờ, dự án ấy hoàn thành, có hiệu quả gì ngoài những con đường? Dân vùng này đã khá giả, khi dự án hoàn thành họ đương nhiên vẫn khá giả. Và cứ lấy sự khá giả của dân vùng dự án mà cho rằng dự án thành công! Tiền dự án hết sạch!

Vì sao người ta khoái làm thủy lợi, đem tư duy làm thủy lợi miền Bắc bê vào Nam - nơi đặc thù rất khác? Làm đường, nó sờ sờ ra đó, đào lên kiểm được, mà vẫn còn bị thất thoát, tư túi. Còn thủy lợi, ai lặn dưới nước kiểm xem đã móc bao nhiêu gầu đất, đóng bao nhiêu cây cừ? Móc ít, kê nhiều, lỡ bị bồi lắng lại thì đổ thừa... thiên nhiên, dòng chảy?

Nhiều dự án, người dân chỉ là tấm bình phong để triển khai. Ai chỉ ra dùm những dự án thủy lợi nào gần đây thành công "rực rỡ" hay không? Nhưng sợ nhất, nó phá nát vùng đất này. Giờ, Cần Thơ ngập te tua, đồng bằng sạt lở liên tục, nhà mất, người chết... Ai gánh?

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
một giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 4: Cần đánh giá khách quan tác động tiêu cực từ các dự án thủy lợi ở ĐBSCL