Về cơ sở pháp lý, thì Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngày 17.11.2017 là một nghị quyết rất tiến bộ về mặt sử dụng tài nguyên và môi trường như: Xem biển là một phần không tách rời của ĐBSCL, xem nguồn nước mặn là tài nguyên, và phát triển trên nguyên tắc “thuận thiên”. Và dự án Cái Lớn - Cái Bé lại ‘chống’ cả Nghị quyết 120?

Bài 3: Dự án cống ngăn mặn là trái với Nghị quyết 120 của Chính phủ?

30/09/2018, 12:58

Về cơ sở pháp lý, thì Nghị quyết 120/NQ-CP ra đời ngày 17.11.2017 là một nghị quyết rất tiến bộ về mặt sử dụng tài nguyên và môi trường như: Xem biển là một phần không tách rời của ĐBSCL, xem nguồn nước mặn là tài nguyên, và phát triển trên nguyên tắc “thuận thiên”. Và dự án Cái Lớn - Cái Bé lại ‘chống’ cả Nghị quyết 120?

Mang lưới kênh các cấp và các cống trong đồng lũ Tây sông Hậu - Ảnh: Nguyễn Ngọc Trân

Bài 1: Băn khoăn từ dự án thủy lợi nghìn tỉ Cái Lớn - Cái Bé

Bài 2: Giới khoa học lo ngại dự án sẽ làm hàng triệu hộ dân miền Tây bị ảnh hưởng

Ưu tiên cây lúa là trái Nghị quyết 120

Cần lưu ý là Nghị quyết 120 xem thứ tự ưu tiên của 3 trụ cột kinh tế của ĐBSCL hiện nay là Thủy sản - Cây trồng khác - Lúa gạo. Như vậy, cây lúa chỉ đứng ở vị trí cuối cùng. Trong khi đó mục tiêu của dự án thủy lợi Cái Lớn- Cái Bé vẫn còn ưu tiên cho phát triển nông nghiệp, trong đó sản xuất lúa được đặt lên hàng đầu! Như vậy, là đi ngược lại chủ trương của Nghị quyết 120 ?

Điểm khác biệt quan trọng là đối với cây lúa thì chất lượng nguồn nước không quá khắt khe như nuôi trồng thủy sản. Cụ thể là nguồn nước có độ chua pH>4.0 và độ mặn <>o/oo là có thể trồng lúa được. Trong khi đó, để có thể nuôi trồng thủy sản thì nguồn nước ngoài độ chua, độ mặn, còn đòi hỏi về hàm lượng khí ôxy, nồng độ các chất hóa học, các chất ô nhiễm và kể cả nguồn dịch bệnh.

Tức là quản lý nguồn nước cho nuôi trồng thủy sản hoàn toàn khác với quản lý nguồn nước cho cây lúa. Vì vậy, quy trình vận hành hệ thống cống đập đang có hiện nay và hệ thống cống Cái Lớn - Cái Bé như mô tả trong đề cương dự án, là rất khó - thậm chí không thể, đáp ứng cho mục tiêu nuôi trồng thủy sản.

Nước mặn cũng là tài nguyên, chứ không riêng nước ngọt - Ảnh: Hồ Hùng

Bộ NN&PTNT cũng đang xây dựng chương trình “Tái cơ cấu Nông nghiệp theo tinh thần nghị quyết 120”, cũng đánh giá là thế mạnh của vùng nầy là thủy sản, bao gồm thủy sản nuôi trồng trong nội địa và thủy sản đánh bắt ven bờ. Vậy mục tiêu kiểm soát nguồn nước mặn bằng cách giảm xâm nhập mặn từ biển bằng 2 cống Cái Lớn - Cái Bé có mâu thuẫn với chính chương trình tái cơ cấu nông nghiệp của Bộ không?

Mục tiêu “giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu và tỉnh Sóc Trăng thuộc lưu vực sông Cái Lớn - Cái Bé? Mâu thuẫn là gì? Trong đề cương dự án phân tích đó là mâu thuẫn mặn - ngọt.

Theo lịch sử canh tác và sử dụng đất ở nơi đây là nơi nào gò hơn thì xẻ mương phèn trồng lúa (kê liếp) do dễ rửa mặn và tiêu thoát nước, còn nơi nào đất trũng thấp (đất láng) thì bao vuông nuôi tôm sú, nên đất nông nghiệp xen kẻ với đất nuôi trồng thủy sản. Từ khi khai khẩn miếng đất để canh tác thì người dân đào một hệ thống mương bao xung quanh, đất đem đắp thành bờ bao cao ráo, gọi là vuông.

Vuông sau vài năm cải tạo cho rỏ hết phèn mặn thì trồng lúa mùa dưới ruộng và trồng hoa màu hay cây ăn trái trên bờ bao. Hệ thống mương xung quanh ruộng dùng để trữ nước mưa và tiêu thoát các chất phèn mặn trong đất. Một gia đình thường có 2-3 vuông tùy theo sức khai phá ban đầu, sau nầy con cái đông đúc nên mỗi nhà chỉ còn một vuông. Diện tích mỗi vuông thì tùy theo địa hình cao hay trũng, thường dao động khoảng 1 hécta.

Vuông ở địa hình cao thì dễ tiêu nước nên rửa phèn mặn nhanh hơn vuông ở địa hình trũng thấp. Người dân điều tiết nước mặn-ngọt vào vuông của mình bằng hệ thống thủy nông nội đồng. Sau năm 1980, với mục tiêu tăng lên 3 vụ lúa nên xây nhiều cống đập ngăn mặn trên hệ thống sông rạch, nhiều vùng sinh thái mặn-ngọt bị chuyển sang thành ngọt quanh năm.

Nhiều nông dân Cà Mau làm giàu nhờ nước mặn trong rạch, dẫn vào nuôi tôm - Ảnh: Hồ Hùng

Khi còn là hệ sinh thái mặn - ngọt thì cách sử dụng nước là nếu cần có nước ngọt cho lúa thì người dân lấy vào vuông lúc nước ròng và nếu cần có nước mặn cho tôm thì người ta chọn lúc nước lớn. Cách sử dụng nước như vậy có xảy ra mâu thuẫn mặn - ngọt gì đâu? Trong thời gian qua ở một vài nơi có xảy ra xung đột là do các hộ nuôi tôm thâm canh giữ nước mặn quanh năm, nên lúc xung quanh mọi người trồng lúa thì họ vẫn giữ mặn và làm mặn xì ra, ảnh hưởng đất nông nghiệp xung quanh.

Nếu giữ cách canh tác truyền thống là trên cùng một thửa ruộng, mùa nắng thì lấy nước mặn vào nuôi tôm, mùa mưa xổ mặn xong trồng lúa (mô hình lúa-tôm), tức là người dân biết cách canh tác theo mặn-ngọt ngay trên cùng một thửa ruộng và cả xóm làng làm nhịp nhàng hết vụ lúa đến vụ tôm nên mấy chục năm qua đâu có mâu thuẫn gì. Bây giờ kiểm soát mặn trên sông rạch để giữ nước ngọt nhiều hơn, liệu người dân có đồng thuận?

Bộ NN&PTNT viện dẫn, người dân rất muốn kiểm soát mặn, nhưng cần hỏi cho rõ là họ muốn kiểm soát mặn ở đâu? Lúc nào? Trên cây trồng vật nuôi nào? Bài học về việc người dân đòi phá bỏ cống Láng Trâm (dự án Ngọt hóa bán đảo Cà Mau) để có đủ nguồn nước mặn cho nuôi trồng thủy sản vẫn còn nguyên giá trị.

Đừng làm nghiêm trọng hóa vấn đề để vẽ dự án. Nước mặn cũng là tài nguyên, bởi nó giúp người dân đánh bắt, khai thác du lịch, nuôi trồng thủy sản. Còn bao nhiêu năm trồng lúa bằng nước ngọt, nông dân có giàu không, hay vẫn nghèo? Theo các nhà khoa học, đừng cố “moi” hàng ngàn tỉ đồng để làm 2 cống này, bởi vẫn còn nhiều giải pháp phi công trình, vật nuôi cây trồng thích ứng với từng vùng đất!

(Còn tiếp)

Hồ Hùng

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
7 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bài 3: Dự án cống ngăn mặn là trái với Nghị quyết 120 của Chính phủ?